Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% năm 2024 ngay từ đầu năm.
Ngân hàng chủ động hơn trong cấp tín dụng
Như vậy, nếu tính trên cơ sở lượng tiền dư nợ hiện nay khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, có nghĩa là gần 2 triệu tỷ đồng tín dụng sẽ được tăng thêm trong năm 2024.
Đáng chú ý, cơ chế điều hành tín dụng năm nay của NHNN đã có sự thay đổi. Theo đó, nhà điều hành đã giao hết hạn mức tăng trưởng tín dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng từ trước ngày 1/1/2024.
Các chuyên gia và ngân hàng đánh giá, cách cấp hạn mức này sẽ thúc đẩy các ngân hàng thương mại đưa vốn vào nền kinh tế một cách chủ động hơn. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại tự kiểm soát rủi ro, lộ trình tín dụng cho cả năm, tránh tình trạng “tắc nghẽn” room giữa năm như các năm trước đây, khi hết hạn mức tín dụng tạm thời.
NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% năm 2024 cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm. |
Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, các năm trước, việc giao hạn mức tín dụng cũng bắt đầu từ đầu năm nhưng không được NHNN giao hết, mà sau một thời gian, nhà điều hành sẽ đánh giá lại để cấp thêm cho các ngân hàng. Năm nay, NHNN giao hết hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, nên các ngân hàng có thể chủ động điều tiết cấp tín dụng vào những lĩnh vực mà ngân hàng mong muốn.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cũng cho rằng các ngân hàng sẽ chủ động hơn trong việc phân bố tăng trưởng tín dụng của mình.
Ông Hưng thông tin, những tháng đầu năm 2023, các ngân hàng dè dặt vừa cho vay vừa tính toán liệu cuối năm có thu xếp đủ room và có cần phải để dành tín dụng cho một số khách hàng mình muốn chú trọng, khách hàng lớn hay không.
“Với cơ chế có tiêu chí rõ ràng như hiện nay, các ngân hàng sẽ biết được với tiêu chuẩn điều kiện, điểm số và xếp hạng của ngân hàng mình thì sẽ tự tính được mức tín dụng của mình để chủ động hơn”, ông Hưng nhấn mạnh.
Ngoài việc cấp hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, NHNN còn phát thông điệp nếu ngân hàng sử dụng hết room tín dụng thì sẽ tiếp tục cân nhắc cấp bổ sung.
Tại họp báo mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, con số chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là số liệu được tính toán trong điều kiện hiện nay. Nếu như đến giữa năm, cuối năm, điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đối ứng và những đối tượng cần thiết cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN có sẽ giao thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Cách cấp hạn mức tín dụng mới sẽ thúc đẩy các ngân hàng thương mại đưa vốn vào nền kinh tế một cách chủ động hơn. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại tự kiểm soát rủi ro, lộ trình tín dụng cho cả năm, tránh tình trạng “tắc nghẽn” room giữa năm như các năm trước đây, khi hết hạn mức tín dụng tạm thời.
"Các ngân hàng không cần có văn bản đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gửi NHNN", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay từ đầu năm
Thực tế, ngay sau khi NHNN giao room tín dụng, các ngân hàng thương mại đã chủ động thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm, thông qua các gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và đơn giản thủ tục cho vay.
Điển hình, MSB, ACB, LPBank, Agribank… tung ra hàng loạt gói vay ưu đãi lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng Giám đốc Thường trực MSB, cho hay hạn mức tín dụng được phân bổ sớm đã giúp ngân hàng có thể quyết định ngay việc dành hơn một nửa tổng hạn mức tín dụng của mình cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay. Để hoàn thành kế hoạch này, nhiều món vay thậm chí có thể không cần tài sản thế chấp nếu doanh nghiệp cho thấy dòng tiền thông qua các đơn hàng của mình.
Với Agribank, do được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi so với năm ngoái, tương đương khoảng 175.000 tỷ đồng, nên việc phân bổ vào các lĩnh vực có tính chất mùa vụ dịp Tết Nguyên đán và quý I đã ngay lập tức được triển khai.
Để có được lượng vốn cho vay theo kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm, các kịch bản huy động nguồn vốn từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn cũng được các ngân hàng chủ động.
Như tại LPBank, được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình toàn ngành ngay từ đầu năm, LPBank dự kiến giải ngân khoảng 40% trong 6 tháng đầu năm và 60% còn lại sẽ tập trung cho nửa cuối năm. Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng Giám đốc LPBank cho biết: "Chủ động được nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn của NHNN, kỳ hạn và số lượng đáp ứng các nhu cầu tín dụng ngắn, trung và dài hạn".
Theo nhận định của các chuyên gia, với cơ chế điều hành tín dụng mới của NHNN, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn. Các ngân hàng tăng tính chủ động trong cho vay, là một thuận lợi đối với họ và cũng là thuận lợi với doanh nghiệp - những khách hàng của ngân hàng.
Đại diện Công ty TNHH Sinh Dương (Hà Nội) cho biết, công ty vừa ký kết được 2 dự án, theo đó cần thêm 6 tỷ đồng để triển khai. Công ty đã được ngân hàng xem xét và giải ngân hoàn toàn trực tuyến, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, tiền đã về tài khoản công ty.
Liên quan đến vấn đề room tín dụng, với câu hỏi NHNN có nên bỏ room tín dụng không? Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, thời điểm hiện nay vẫn cần công cụ này để điều hành hài hoà giữa tín dụng, lãi suất và tỷ giá, nhưng NHNN sẽ điều hành linh hoạt hơn.
Huyền Anh