Trong 2 năm qua dịch bệnh Covid-19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế, để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN và hai thông tư sửa đổi (Thông tư 03 và Thông tư 14) để cơ cấu nợ, giãn hoãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. NHNN cũng ban hành Thông tư 13 điều chỉnh các biểu phí dịch vụ theo hướng giảm 50% phí giao dịch qua hệ thống thanh toán. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ (cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% để ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trả lương ngừng việc, cho vay Vietnam Airiline…).
Để hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản, từ 1/10/2022 các tổ chức tín dụng sẽ phải tuân theo Thông tư 22 |
Bên cạnh đó, NHNN cũng đang thúc đẩy hệ thống ngân hàng chuyển đổi số, tăng trích lập dự phòng rủi ro, đề xuất Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu, tăng cường hoạt động mua bán nợ…
Đặc biệt, NHNN quyết định lùi thời gian áp dụng tỷ lệ áp dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng.
Cụ thể, tháng 8/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Theo đó, lộ trình áp dụng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” theo Thông tư 22 được lùi lại một năm.
Theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022 giảm còn 37%. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2023 giảm còn 34% và từ ngày 01 tháng 10 năm 2023 là 30%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, thị trường chứng khoán bấp bênh, e ngại lạm phát... nên bất động sản được xem như kênh trú ẩn an toàn dẫn đến giá bị đẩy lên cao; thậm chí, tình trạng "sốt đất" diễn ra tại nhiều nơi.
Trong bối cảnh đó, TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong điều hành chính sách tín dụng của NHNN.
“Theo quy định, tháng 10, các TCTD phải đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đạt tỷ lệ 30%. Tôi rất ủng hộ quan điểm của NHNN trong việc không lùi thời hạn áp dụng Thông tư 22. Tôi cho rằng, chỉ có như vậy hoạt động thị trường vốn và thị trường tiền tệ mới lành mạnh được”, ông Hùng nhấn mạnh.
Để hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản, từ 1/10/2022 các tổ chức tín dụng sẽ phải tuân theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30%.
Điều này khiến những tổ chức tín dụng còn tỷ lệ giới hạn thì cho vay trung, dài hạn; trong đó có bất động sản. Còn tổ chức tín dụng nào sử dụng hết tỷ lệ giới hạn sẽ hạn chế, thậm chí siết cho vay bất động sản để tập trung cho các dự án sản xuất, kinh doanh.
Huyền Anh