Tính đến hết tháng 5/2024, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,41% so với đầu năm, trong khi mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra trong nửa đầu năm là tín dụng tăng 5-6%. Như vậy, chỉ còn 1 tháng để tín dụng tăng thêm hơn 3%, các chuyên gia nhận định là điều bất khả thi.
Sức cầu vốn vẫn yếu
Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính có thêm khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Lãnh đạo NHNN khẳng định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.
Tuy nhiên, theo PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP. HCM), khả năng cao tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không đạt 15%, mà chỉ đạt được 10-11%, do kinh tế đang phục hồi chậm. Đồng thời, cầu vốn tín dụng chưa cao, vì sức mua trên thị trường còn yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Nhiều ngân hàng thương mại xây dựng chiến lược hướng đến cho vay nông nghiệp, nông thôn. |
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng tín dụng thường tăng rất chậm trong quý I, hồi phục vào quý II hàng năm. Nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đến cuối tháng 5/2024 chỉ mới đạt khoảng 2,41%, (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ), tương ứng dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 326.800 tỷ đồng kể từ đầu năm. Nếu so với mục tiêu 15% mà ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay thì còn rất chậm.
Tại Hà Nội, tính đến cuối tháng 5/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 1,14% so với tháng trước và 5,09% so với cuối năm 2023. Con số này tại TP.HCM tính đến 31/5 ước đạt 3,61 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2023.
Nhận xét về tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay, theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV: Tín dụng tăng ở mức độ trên là phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dù tín dụng chỉ tăng 2,41% so với đầu năm, song so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 5/2023), thì tăng 12,3%, nên không hề thấp, thậm chí cao nhất khu vực.
Ngoài ra, tín dụng cũng đang phục hồi rõ rệt, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Nếu tính 2 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 0,02%, thì hiện đã tăng 2,41%, dự báo đến cuối tháng 6 tăng 4-4,5%. Nhiều khả năng, tín dụng cả năm sẽ tăng 13-14%. Đây là mức tăng phù hợp.
Tất nhiên, ông Lực cho rằng, bên cạnh thúc đẩy tín dụng tăng trưởng lành mạnh, cần có giải pháp đẩy mạnh kênh trái phiếu doanh nghiệp. Đây là kênh dẫn vốn trung, dài hạn, đặc biệt quan trọng với nền kinh tế, nhất là với thị trường bất động sản.
Nhận định chung về tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) phân tích, cho vay doanh nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2024. Sự ảm đạm của thị trường bất động sản là lý do khiến mảng cho vay khách hàng cá nhân tương đối chậm, trong khi phân khúc ngân hàng doanh nghiệp tiếp tục được khai thác tối đa.
Thế khó của ngân hàng trong nửa cuối năm
Tăng trưởng tín dụng sau 5 tháng mới chỉ đạt gần 1/5 mục tiêu, diễn biến này cho thấy các ngân hàng đang đứng trước “thế kẹt”. Một mặt tâm lý chung vẫn phải rất thận trọng đảm bảo an toàn cho từng khoản vay, mặt khác vẫn phải trông đợi vào một yếu tố nào đó có tính “bùng nổ” trong giai đoạn còn lại mới có thể đạt được chỉ tiêu.
Chính phủ, cơ quan quản lý cũng đang từng bước tìm các giải pháp để kích cầu sức mua, tạo đà cho tăng trưởng tín dụng, nhất là trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Ngoài ra, các ngân hàng thông qua hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM) cho biết, thông qua hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chính quyền địa phương có điều kiện kiến nghị với NHNN định hướng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm thu hút đầu tư, hộ kinh doanh sản xuất vào địa bàn.
Ông Hồng cũng nhấn mạnh, nếu như trước đây cho vay nông nghiệp, nông thôn được coi là lĩnh vực riêng của Agribank thì đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều quan tâm và triển khai cho vay đối với lĩnh vực này ở Cần Giờ. Một số ngân hàng thương mại xây dựng chiến lược hướng đến cho vay nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai cho vay trong thời gian vừa qua ở huyện ven biển này, như: Sacombank, DongA Bank…
Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng đang lo ngại về lãi suất cho vay, khi mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và thị trường dân cư tăng khá mạnh trong vài tháng qua.
Lãi suất liên ngân hàng đã tăng tương đối nhanh thời gian gần đây. Lãi suất cho vay qua đêm đã tăng từ mức 0,2%/năm hồi đầu năm lên tới 5%, thu hẹp khoảng cách với lãi suất USD (5,25 - 5,5%).
Lãi suất huy động trên thị trường 1 (thị trường dân cư) vài tháng gần đây cũng nhích lên. Trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn, đã có một lượng tiền gửi nhất định bị dịch chuyển. Tuy nhiên, theo nhận định của TS Cấn Văn Lực, dòng tiền dịch chuyển không nhiều. “Theo quan sát của chúng tôi, tiền gửi của cá nhân vào hệ thống ngân hàng vẫn rất tích cực. Riêng tiền gửi doanh nghiệp giảm nhẹ, có thể do doanh nghiệp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Đây là điều tích cực”, ông Lực nhận xét.
Thời gian tới, chuyên gia này cho rằng, lãi suất tiền gửi trên thị trường sẽ đi ngang hoặc có thể tăng nhẹ ở một số thời điểm khi cầu vốn tăng cao. Tuy nhiên, ngành ngân hàng sẽ cố gắng ổn định lãi suất cho vay. Tinh thần của Thủ tướng và NNHNN là ổn định, phấn đấu giảm thêm lãi suất thông qua giảm chi phí, ứng dụng số hóa… Nhưng rõ ràng, NIM ngân hàng (chênh lệch lãi suất cho vay/huy động) sẽ giảm. Năm ngoái, NIM ngân hàng đã giảm từ 3,6% xuống 3,2% và năm nay có thể sẽ chỉ khoảng 3%.
Mới đây, NHNN cũng đã có văn bản gửi các ngân hàng yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Trong đó, nhà điều hành đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ 1-2% nhờ vào việc tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay.
Đồng thời, tín dụng hướng tới các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Huyền Anh