Theo thống kê, hiện nay, thị trường bán lẻ đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của hơn 100 tổ chức tín dụng, đặc biệt là của khoảng 30 ngân hàng thương mại và 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Trong mùa Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 diễn ra vào tháng 4 vừa qua, rất nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch mở rộng mạng lưới, thậm chí mua lại mảng bán lẻ của một số tổ chức tín dụng khác.
Rốt ráo tìm mảng bán lẻ
Chiều 3/7, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chính thức công bố thương vụ mua lại một chi nhánh ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Tp.HCM. Tại ĐHCĐ 2017, VIB đã thông qua cổ đông kế hoạch nhận chuyển nhượng mảng bán lẻ của một tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Tổng Giám đốc Hàn Ngọc Vũ cho biết đây là định hướng của Hội đồng quản trị, khi mà chiến lược phát triển kinh doanh được dựa trên nỗ lực tăng trưởng tự thân, mua bán sáp nhập hoặc mua lại các mảng kinh doanh của tổ chức tín dụng khác.
“Thực tế ngân hàng đã có cơ hội và sẽ tiếp tục theo đuổi khi cơ hội đến. Lúc nào thực hiện được thương vụ mua lại này còn phụ thuộc vào thị trường. Miễn là chất lượng tài sản tốt, thông tin minh bạch”, ông Vũ nói.
Trước đó, cũng có thông tin VIB là một trong 5 ngân hàng muốn mua lại mảng bán lẻ của ngân hàng ANZ. Lãnh đạo ngân hàng này từ chối bình luận về thương vụ này, song khẳng định VIB vẫn tiếp tục kế hoạch mua lại mảng bán lẻ của ngân hàng khác năm 2017.
Mảng bán lẻ đang được xem là “miếng bánh ngon” hấp dẫn các ngân hàng. Đây cũng chính là lý do thời gian qua, các ngân hàng đều rầm rộ đặt chiến lược phát triển mạnh mảng bán lẻ.
Không chỉ lên kế hoạch thực hiện các thương vụ mua lại các mảng bán lẻ, nhiều ngân hàng cũng “sản xuất” ra các sản phẩm bán lẻ như tín dụng tiêu dùng với các gói vay mua nhà, ô tô…
Chẳng hạn, ngay từ đầu năm 2017, Ngân hàng PVcomBank đã tung ra gói ưu đãi “Lựa chọn thông thái – Gặt hái thành công” với tổng hạn mức gần 10.000 tỷ đồng dành cho những khách hàng cá nhân có nhu cầu vay.
Trong đó, vay mua nhà chiếm tỷ trọng cao nhất, với giá trị các khoản vay lên đến 85% giá trị căn hộ cùng mức lãi suất chỉ từ 6,8%/năm và thời gian vay kéo dài tới 20 năm. Đặc biệt, để giảm áp lực trả lãi trong thời gian đầu, ở một số dự án, PVcomBank còn ân hạn trả gốc trong năm đầu tiên.
![]() |
Mảng bán lẻ đang được xem là “miếng bánh ngon” hấp dẫn các ngân hàng
Cạnh tranh khốc liệt
Theo các ngân hàng thương mại, đúng là mảng ngân hàng bán lẻ, cho vay tiêu dùng đem lại lợi nhuận cao, nên không chỉ ngân hàng nội mà ngay cả các ngân hàng ngoại cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh mảng này.
So với các ngân hàng ngoại đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, ngân hàng SHBC đang dẫn đầu về mảng bán lẻ, với mức lợi nhuận cao nhất, tiếp đến là Shinhan Bank, năm 2016 đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, vừa hoàn tất thương vụ mua lại mảng bán lẻ của Commonwealth Bank, VIB cũng không giấu giếm tham vọng chiếm lĩnh thị phần bán lẻ tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia tài chính-ngân hàng, cuộc cạnh tranh trong mảng bán lẻ giữa các ngân hàng hiện nay sẽ có lợi cho khách hàng. Trước đây, nếu không có tiền tỷ trong tay, khách hàng sẽ khó có cơ hội sở hữu một ngôi nhà. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng liên kết với chủ đầu tư để hỗ trợ người mua nhà.
Một số dự án lớn PVcomBank đã tài trợ có thể kể đến như Imperial Plaza (360 Giải Phóng, Hà Nội) – Khu căn hộ được giới đầu tư mong chờ nhất từ cuối năm 2016 với hơn 80% căn hộ có chủ ngay khi vừa mở bán.
Hay như Riverside Garden (Vũ Tông Phan, Hà Nội) với đầy đủ các dịch vụ từ trung tâm thương mại, văn phòng, nhà trẻ, khu vui chơi, chăm sóc sức khỏe…, hoặc The Pega Suite – Dự án đầu tiên tại Tp.HCM sở hữu những căn hộ hiện đại theo tiêu chuẩn Đức…
Chị Nguyễn Thái Hà – nhân viên văn phòng tại Hà Nội – đang có nhu cầu mua căn hộ 62m2 tại Imperial Plaza – chia sẻ: “Hai vợ chồng chúng tôi mới cưới và có ý định mua nhà ra ở riêng, với thu nhập của cả hai khoảng 25 triệu/tháng, chúng tôi lựa chọn Imperial Plaza, vừa gần nhà bố mẹ, tiện đường đi lại, lại có hỗ trợ từ PVcomBank. Tính ra, trung bình hàng tháng chúng tôi chỉ cần trả cho ngân hàng 10 triệu đồng, hai vợ chồng tiêu sài tiết kiệm một chút là có nhà mới để ở”.
Như vậy, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt mảng bán lẻ, ngân hàng nào chịu đầu tư bài bản và xây dựng đa dạng các sản phẩm, phù hợp với nhu cầu người dân sẽ thu hút được khách hàng đến giao dịch nhiều hơn, góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện thực hoá mục tiêu chiếm lĩnh thị trường, gia tăng lợi nhuận từ mảng bán lẻ.
Huyền Anh