Trong số mười ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) bắt buộc phải lên sàn cuối năm 2017 gồm: Phương Đông (OCB), An Bình (ABBank), Kỹ Thương (Techcombank), Nam Á (NamABank), Hàng Hải (MaritimeBank), Việt Á (VietABank), Tiên Phong (TPBank), Đông Nam Á (Seabank), Phát triển Tp.HCM (HDBank), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) hiện nay chỉ có hai ngân hàng là VIB và Kienlongbank lên sàn UPCoM. Liệu 8 ngân hàng còn lại có về đích đúng hạn?
Sẽ có “sóng” ngân hàng lên sàn?
Các chuyên gia tài chính – ngân hàng và chứng khoán nhận định, năm nay thị trường sẽ chứng kiến một làn sóng ngân hàng lên sàn UPCoM. Nhận định này không phải không có cơ sở vì theo kế hoạch kinh doanh trong năm 2017 được các ngân hàng công bố hồi đầu năm, rất nhiều ngân hàng có kế hoạch gia nhập UPCoM như: Maritime Bank, ABBank, VIB…
Mở đầu cho làn sóng này phải kể đến VIB, trong tháng 1/2017, ngân hàng Quốc tế (VIB) đã đưa hơn 564 triệu cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM, với giá tham chiếu là 17.000 đồng/cổ phiếu. Tính đến phiên giao dịch ngày 01/8/2017, cổ phiếu VIB đã tăng lên mức 22.500 đồng/cổ phiếu.
Được biết, tại Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2017 đã thông qua việc dự kiến đưa VIB niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán vào năm 2018.
Ngày 29/6, Kienlongbank cũng đã giao dịch 300 triệu cổ phiếu, với giá tham chiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Tính đến phiên giao dịch ngày 01/8/2017, cổ phiếu Kienlongbank vẫn ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, kết thúc quý II/2017, trong số mười ngân hàng bắt buộc phải lên sàn vào năm nay mới có hai ngân hàng có cổ phiếu chào sàn UPCoM, trong khi trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2017, cổ đông nhiều ngân hàng đã đồng ý để cổ phiếu ngân hàng lên sàn như LienVietPostBank, Techcombank, OCB… Trong đó, một số ngân hàng có kế hoạch lên sàn vào tháng 7/2017 như: LienVietPostBank, ABBank…
Bên cạnh đó, cũng có một số ngân hàng được cổ đông chất vấn khi chưa có kế hoạch lên sàn, hay như MaritimeBank chỉ có 3% cổ đông đồng ý kế hoạch lên sàn.
Mới đây, ngày 28/07/2017, VPBank chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung 1,33 tỷ cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE).
![]() |
Việc áp dụng quy định bắt buộc các ngân hàng phải lên sàn theo đúng thời hạn, hứa hẹn từ nay đến cuối năm 2017 thị trường chứng khoán sẽ sôi động.
Trên thị trường OTC, giá cổ phiếu VPBank tăng khủng khi đang được đẩy giá mua ở mức cao nhất 49.000 đồng/cổ phiếu, trong khi đó, đầu năm mới chỉ 20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, giá bán VPBank đang được chào ở mức 35.000 – 37.000 đồng/cổ phiếu.
Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, từ đầu năm đến nay, kết quả kinh doanh của các ngân hàng khả quan, cổ phiếu của các ngân hàng đã niêm yết trên sàn liên tục tăng giá, nhiều nhà đầu tư mong muốn được sở hữu cổ phiếu ngân hàng.
Sôi động cuối năm
Theo nhận định của các ngân hàng, từ nay đến cuối năm, kết quả kinh doanh tiếp tục có những cải thiện. Báo cáo của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) từ đầu tháng 4/2017 cho thấy, “89,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016, với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống kỳ vọng đạt 13,4%, cao hơn so với mức tăng bình quân ước tính của năm 2016.
Trong đó, thu nhập ròng từ lãi kỳ vọng tăng 12,7%, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ kỳ vọng tăng 16,7%, thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh dự kiến tăng thấp, 5,25%”.
Vậy, tại sao số lượng các ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn vẫn nhỏ giọt?
Theo các công ty chứng khoán, hiện nay có nhiều ngân hàng đã trình Đại hội đồng cổ đông thường niên kế hoạch lên sàn UpCom, có thể kể đến những cái tên như: Techcombank, Maritime Bank và VPBank nhưng do có các thủ tục liên quan đến sức khỏe tài chính, công bố thông tin… khiến nhiều ngân hàng chưa thể lên sàn.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các lãnh đạo ngân hàng chắc chắn đều hiểu việc niêm yết là con đường tất yếu, là cần thiết cho quá trình phát triển của ngân hàng. Thông tin tài chính được kiểm toán rõ ràng, minh bạch là điều cần thiết, không chỉ cho các cổ đông, khách hàng, các bên liên quan như Chính phủ, đối tác đầu tư, mà còn với chính các ông chủ. Cho nên, ngân hàng phải công bố thêm nhiều thông tin cũng đồng nghĩa phải tốn thêm nguồn lực để triển khai.
“Do đó, khi chưa giải quyết được vấn đề này, các ngân hàng chưa thể lên sàn được”, ông Hiếu khẳng định.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dù kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong sáu tháng đầu năm khả quan nhưng nợ xấu còn cao, nhu cầu vốn lớn nên các ngân hàng không dễ dàng tăng vốn vì thiếu nhà đầu tư. Chưa kể, câu chuyện tăng vốn hiện tại yêu cầu phải “tiền tươi, thóc thật”, không thể là ảo hay vay mượn từ các tổ chức tín dụng khác.
Thực tế, các chuyên gia cho rằng, bản thân các ngân hàng cũng muốn lên sàn vì đây là kênh huy động vốn hiệu quả nhất. Tuy nhiên, khi chưa đạt đủ điều kiện để lên sàn, nợ xấu chưa giảm, nhiều ngân hàng sẽ “ngại” lên sàn.
Việc áp dụng quy định bắt buộc các ngân hàng phải lên sàn theo đúng thời hạn, hứa hẹn từ nay đến cuối năm 2017 thị trường chứng khoán sẽ sôi động khi có thêm nhiều mã cổ phiếu ngân hàng có mặt trên UPCoM nói riêng và thị trường nói chung.
Huyền Anh