BVSC cho rằng, chỉ số lạm phát lại đang duy trì xu hướng tăng liên tục kể từ đầu năm đến nay, từ mức 1,83% lên mức 1,96% (Nguồn: Internet) |
Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019, BVSC cho biết CPI giảm 0,09% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 1,73% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 1/6/2019 và 17/6/2019 (tác động CPI chung giảm 0,16%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,2% chủ yếu do giá gas trong tháng 6 giảm 8,79% (tác động CPI chung giảm 0,11%).
Trong khi đó, CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 do một số nguyên nhân chủ yếu như: Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 5,4%, trong đó giá thịt lợn tăng 14,8% (làm CPI tăng 0,62%); Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,99% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu xây dựng tăng; Việc điều chỉnh giá điện sinh hoạt của Bộ Công Thương làm giá điện sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,84% so với cùng kỳ năm 2018.
BVSC cho rằng, mặc dù lạm phát toàn phần vẫn đang duy trì ở mức thấp nhưng chỉ số lạm phát lại đang duy trì xu hướng tăng liên tục kể từ đầu năm đến nay, từ mức 1,83% lên mức 1,96%.
"Việc lạm phát tăng cho thấy mặt bằng giá cả chung trên thị trường vẫn đang có chiều hướng nhích lên. Trong 6 tháng cuối năm, giá thịt lợn có thể là một rủi ro tiềm ẩn với chỉ số lạm phát chung khi nguồn cung trở nên khan hiếm do tác động có độ trễ của dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong ngắn hạn cũng có thể có diễn biến khó lường trước căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran", BVSC nhận định.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu BVSC nhận định, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì như hiện nay với mục tiêu tăng trưởng M2 và tín dụng cho cả năm 2019 chỉ ở mức 14-15%.
Thanh Hoa