Tại ĐHCĐ bất thường, Tổng Giám đốc Phan Đức Tú chia sẻ, hiện hệ số CAR của BIDV đang ở ngưỡng hơn 9%, gần tiệm cận với mức tối thiểu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng cũng nằm trong danh sách 10 ngân hàng sẽ áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II, nên việc trả cổ tức bằng tiền mặt đã được Hội đồng quản trị cân nhắc rất nhiều lần.
Bất ngờ phương án trả cổ tức
Đáp ứng mong muốn của cổ đông, trước thời điểm diễn ra ĐHCĐ bất thường, Hội đồng quản trị BIDV đã có thông báo về việc chốt danh sách và chi trả cổ tức năm 2015. Tỷ lệ chi trả là 8,5% bằng tiền mặt.
Thông tin này gây bất ngờ cho hầu hết cổ đông, bởi trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 4/2016, ngân hàng đã thông qua nội dung chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 8,5%, thấp hơn kế hoạch ban đầu (lớn hơn 9%), để tăng vốn điều lệ.
Vào thời điểm tháng 6, Bộ Tài chính bất ngờ có văn bản đề nghị NHNN chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV và Vietinbank biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt. Nhưng ngân hàng này sau đó cũng đã đưa ra nhiều phân tích về điều này với mong muốn giữ nguyên chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Như vậy, sau nửa năm chờ đợi, BIDV phải điều chỉnh phương án chi trả cổ tức theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Song, có điều khiến không ít cổ đông lo ngại, đó là việc trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ CAR có đạt được mức tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước là 9%?
Đại diện BIDV chia sẻ, cổ đông một mặt thì muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt để hiện thực hoá lợi nhuận, một mặt muốn ngân hàng mà mình đầu tư phát triển bền vững hơn. Vì vậy, Hội đồng quản trị cân nhắc rất nhiều lần trước khi quyết định chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
![]() |
BIDV trả cổ tức bằng tiền mặt
Tổng Giám đốc BIDV cho biết: “Về hệ số CAR, hiện BIDV đang ở ngưỡng hơn 9%, gần tiệm cận với mức tối thiểu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt không ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngân hàng”.
Ông Tú cũng nhấn mạnh, trong mọi trường hợp, BIDV vẫn đảm bảo các yêu cầu an toàn hoạt động theo pháp luật và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, quyền lợi của cổ đông nhất định sẽ đảm bảo.
Theo một số chuyên gia, hiện nay, các ngân hàng đang “bế tắc” trước áp lực tăng vốn. Bởi vậy, ban đầu BIDV muốn chi trả trả cổ tức bằng cổ phiếu để có cơ hội tăng vốn. Việc trả cổ tức bằng tiền mặt thì tiền đó sẽ chảy vào ngân sách nhà nước, khiến BIDV không còn nhiều cơ hội để tăng vốn tự có.
Thông qua phương án này, BIDV sẽ phải chi khoảng 2.700 tỷ đồng để nộp cho Bộ Tài chính.
Sẽ chia cổ tức thành hai đợt
Tại ĐHCĐ bất thường, một số cổ đông đề xuất nên chia cổ tức thành hai đợt, đợt một tạm ứng tiền mặt và đợt hai chia một phần bằng cổ phiếu.
Ông Phan Đức Tú cho biết, ngân hàng ghi nhận ý kiến của cổ đông về thực hiện chia cổ tức năm 2016 thành hai đợt là chính đáng và kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền vì quyền chi cổ tức là quyền của cổ đông lớn nhà nước, chiếm trên 95%.
“BIDV đã trình phương án chia cổ tức và đến ngày 21/10, cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8,5%. Ngày 4/11, sẽ chốt cổ đông và 21/11 sẽ chi cổ tức cho cổ đông”, ông Tú nói.
Trước băn khoăn về việc trả cổ tức bằng tiền mặt, ngân hàng sẽ khó tăng vốn, một số cổ đông cũng khẳng định rằng sẽ sẵn sàng góp vốn nếu ngân hàng kêu khó khăn trong việc tăng vốn. Tuy nhiên, ngân hàng nên chia nhiều đợt sẽ tiện hơn.
“Hiện giá cổ phiếu BIDV là hơn 17.000 đồng/CP, nếu phát hành chia cổ tức với giá 10.000 đồng/CP thì cổ đông sẽ có lợi”, một cổ đông nói.
Sau ba quý hoạt động, BIDV vừa công bố kết quả kinh doanh với nhiều tín hiệu khả quan. Đến hết quý III/2016, tổng tài sản của BIDV đạt 956 nghìn tỷ, tăng 11,5% so với đầu năm và đang dẫn đầu hệ thống ngân hàng cổ phần.
Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đến hết 30/9/2016 đạt trên 912 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng ước 5.623 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ, hoàn thành 71% kế hoạch năm. Chỉ tiêu lợi nhuận đạt 7.900 tỷ đồng và sau 9 tháng đã hoàn thành 71% kế hoạch. Chia cổ tức năm 2016 dự kiến lớn hơn hoặc bằng 7%. Nợ xấu dưới 3%.
Tổng Giám đốc BIDV cho biết: “Tín dụng gia tăng ngay từ đầu năm và bám sát định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN giao năm 2016. Chúng tôi cũng đã đề nghị tăng trưởng nếu được NHNN cho phép tăng lên 20% nhưng khó có thể lên được mức này theo tín hiệu như hiện nay mà chỉ tăng ở mức 18%. Vì vậy, chúng ta sẽ giữ mức tăng trưởng huy động hơn 19% một chút, để đảm bảo hoạt động của ngân hàng”.
Thành Vinh