Từ cấp Chủ tịch, phó chủ tịch HĐQT, phó tổng giám đốc của VNCB, OceanBank, GPBank đến cán bộ giám sát chuyên trách của NHNN lần lượt bị Cơ quan điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt giam. Từ đây, đã hé lộ con đường dẫn tới lao lý của các cựu lãnh đạo ngân hàng mà vốn chỉ nổi danh trong lĩnh vực bất động sản, kinh doanh thương mại, khách sạn…
Dễ dàng rút nghìn tỷ, chi tiêu riêng?
Sau khi mua cổ phần chi phối, các chủ doanh nghiệp nhanh chóng nắm quyền kiểm soát ngân hàng để phục vụ nhóm lợi ích riêng, rút vốn hàng nghìn tỷ đồng…
Đầu năm 2014, ông Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên là Ngân hàng Xây dựng – VNCB) cùng một số thuộc cấp đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”. Ông Danh cũng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh – cổ đông lớn đã mua cổ phần của Ngân hàng Đại Tín để cứu nguy cho nhà băng này.
Cơ quan điều tra đã xác định, từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2014, ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới rút số tiền hơn 18.413 tỷ đồng của VNCB để sử dụng cá nhân. Trước đó, cơ quan điều tra cũng chỉ rõ, bị can Nguyễn Quốc Viễn – nguyên Trưởng ban kiểm soát VNCB - đã bị khởi tố, bắt giam vì lập các hồ sơ khống, giúp sức cho ông Danh rút hơn 6.135 tỷ đồng và vay được 6.854 tỷ đồng của ngân hàng (tổng cộng hơn 12.989 tỷ đồng). Cơ quan điều tra đã khởi tố tới 21 bị can trong vụ án này.
![]() |
Nhóm cổ đông lớn “thâu tóm” ngân hàng, rút cả chục nghìn tỷ đồng
Từ các vụ án chấn động này, đã và đang đặt ra 3 vấn đề lớn trong quản trị ngân hàng, đặc biệt là ở ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc.
Một là, bằng cách nào chủ ngân hàng – như ông Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm vốn là “dân ngoại đạo” lại có thể dễ dàng rút cả chục nghìn tỷ đồng để sử dụng cá nhân? Nguyên Chủ tịch GPBank - Tạ Bá Long và Phó Chủ tịch Đoàn Văn An cũng bị cáo buộc tội “Cố ý làm trái…”, trong đó, lập ra các công ty sân sau, rút tiền ngân hàng, gây nợ xấu lớn mà ước tính thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng.
Đáng nói là, việc rút tiền, cấp tín dụng lớn… đã diễn ra ngay trong thời gian dài, quy mô lớn, mà bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ, cùng cơ quan thanh tra của NHNN lại không phát hiện ra? Nhất là trường hợp GPBank đang bị NHNN kiểm soát đặc biệt và có tổ giám sát thường trực.
Hai là, cả 3 ngân hàng này đều trong diện phải tái cơ cấu, đã có đề án trình lên NHNN theo hướng tự tìm đối tác sáp nhập, hoặc bán cổ phần cho nước ngoài, hoặc tự tái cơ cấu… Nhưng, suốt mấy năm qua, chỉ có VNCB bán được cổ phần cho Tập đoàn Thiên Thanh, còn vì sao OceanBank và GPBank vẫn bế tắc phương án tái cơ cấu lại không có thông tin rõ ràng?
Ba là, mặc dù ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu, khắc phục tồn tại, song không có chuyển biến, mà vẫn tiếp tục “ngập” trong thua lỗ, nợ xấu lớn, bị âm mất vốn rất lớn. Nhóm cổ đông lớn như Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Tạ Bá Long vẫn tiếp tục “làm mưa, làm gió” dẫn tới những sai phạm gây thiệt hại rất lớn khi công an vào cuộc. Nếu những sai phạm này được phát hiện, ngăn chặn sớm thì số phận ngân hàng liệu có đến mức bị mua 0 đồng?
Quyền lực cổ đông lớn
Khi các vụ việc sai phạm tại ngân hàng yếu kém như VNCB, OceanBank, GPBank… bị vỡ lở, lãnh đạo bị bắt thì cổ đông, nhà đầu tư mới giật mình vì ngân hàng bị lỗ “khủng”, gấp vài lần vốn chủ sở hữu.
Trong ĐHCĐ bất thường của GPBank vừa qua, một cổ đông sở hữu hơn 30.000 cổ phần bức xức nói: “Tôi bỏ tiền góp vốn vào đây mấy năm nay, nhưng từ khi tăng vốn lên được 3.000 tỷ đồng, ngân hàng không họp ĐHCĐ lần nào. Đến giờ, nghe thông báo HĐQT cũ đã làm ăn thua lỗ hơn 12 nghìn tỷ đồng, vậy Ban kiểm soát làm việc ra sao mà mất vốn thế, ai tin được?”
Theo báo cáo tài chính của GPBank (Công ty Earnst&Young Việt Nam kiểm toán), đến ngày 2/4/2015, lỗ lũy kế lên tới 12.280 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 9.195 tỷ đồng, tức gấp 3 lần vốn điều lệ. Tỷ lệ nợ xấu hơn 45,37%, tương ứng 3.026 tỷ đồng… Trong khi 3 năm qua, GPBank không công bố đầy đủ các báo cáo tài chính được kiểm toán, cũng như tình hình lỗ lãi ra sao.
Hay như báo cáo tài chính năm 2014 của OceanBank vẫn cho thấy ngân hàng có lãi… Do đó, khi NHNN tuyên bố mua lại 100% cổ phần với giá 0 đồng, thì các cổ đông GPBank bị sốc vì phút chốc trắng tay trong ấm ức, mù mờ thông tin.
Mẫu số chung ở 3 “ngân hàng 0 đồng” này là đều có cổ đông lớn nắm quyền chi phối (trên 51% vốn). Kết quả kinh doanh thua lỗ, nợ xấu vài chục phần trăm, âm vốn… đã phản ánh sự không tuân thủ các quy định trong hoạt động cấp tín dụng, buông lỏng quản lý tài chính.
Một số cổ đông nhỏ của ngân hàng 0 đồng đều tỏ ra bức xúc khi nhóm cổ đông lớn làm sai, gây thiệt hại cho ngân hàng mà họ cũng phải chịu hậu quả. Trong khi, quyền lực của nhóm cổ đông lớn đã “thâu tóm” ngân hàng, chi phối các quyết định đầu tư, cho vay, gửi tiền và che giấu sai phạm suốt nhiều năm.
Hải Hà