Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 tới đây quy định mức trần lãi suất tối đa với khoản vay theo thoả thuận.
Cụ thể, khoản 1 Điều 468 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Có nên áp trần?
Theo một số luật sư, quy định này nhằm hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, dẫn tới nhiều hệ luỵ tiêu cực cho xã hội. Tuy nhiên, hiện có nhiều băn khoăn như: có nên áp trần lãi vay, mức lãi suất nào là phù hợp, vừa sức chịu đựng của người vay, vừa đảm bảo chi phí vốn và quan trọng hơn cả đối tượng cụ thể nào phải áp dụng luật này…
Đó là câu hỏi mà dư luận đang băn khoăn, bởi chỉ còn ba tháng nữa là quy định này có hiệu lực, song hiện nay vẫn có hai luồng dư luận trái chiều. Một bên cho rằng nên để thị trường điều tiết, vì khi đã cạnh tranh, các công ty tài chính phải đưa ra mức lãi suất hợp lý nhất thì người tiêu dùng mới lựa chọn.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng có thể áp trần lãi suất để bảo vệ người tiêu dùng, hạn chế vấn nạn tín dụng đen, nhưng cần nới rộng trần lãi suất 48%-50%, để đảm bảo mức lãi suất không vượt quá khả năng trả nợ của người tiêu dùng.
Lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay...
Trao đổi với mức trần 20%, rất nhiều ngân hàng lo lắng, bởi quy định này sẽ gây khó khăn cho họ vì tùy từng đối tượng khách hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng hiện nay có thể lên đến 26% – 27%/năm, và của công ty tài chính lên đến 45% – 65%/năm.
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm khi cho rằng việc áp dụng trần lãi suất là phi thị trường, phi thực tế và nhiều khi khiến người tiêu dùng khó tiếp cận được tới nguồn vốn tín dụng hơn.
Phân tích về vấn đề này, Ts. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng – cho rằng: “Hoạt động trong kinh tế thị trường phải tuân theo các quy luật thị trường, mà trong đó quy luật cung – cầu là yếu tố điều tiết mạnh mẽ nhất. Vì vậy, cần phải để thị trường vận hành theo kinh tế thị trường và nếu áp một mức trần lãi suất không phù hợp sẽ dẫn tới “bóp méo” thị trường”.
“Nếu đã là kinh tế thị trường thì không nên quy định trần lãi suất. Hãy để các thành phần kinh tế tự thỏa thuận với nhau trên cơ sở tự nguyện, phù hợp và tuân thủ pháp luật”, ông Lực khuyến nghị.
Áp trần 20% cho đối tượng nào?
Một vấn đề cũng khiến dư luận quan tâm đó là đối tượng chịu ảnh hưởng của quy định này là ai? Theo các chuyên gia tài chính, việc áp trần lãi suất 20%/năm chỉ phù hợp với các giao dịch vay mượn dân sự giữa các cá nhân hoặc tổ chức tự phát (không có sự bảo hộ của pháp luật). Do đó, càng cần có nhiều công cụ để bảo vệ người dân, bảo vệ các hoạt động kinh tế lành mạnh.
Đối với các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các tổ chức tài chính vi mô, hợp tác xã… vốn chịu sự quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, nếu áp trần lãi suất thì sẽ tác động rất lớn đến thị trường tài chính, nhất là đối với các công ty cho vay tiêu dùng, bởi lãi suất của họ phải ở mức cao hơn hệ thống ngân hàng thương mại là 30%-40%, như vậy mới đủ bù đắp rủi ro.
Hiện nay, dù chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể đối tượng áp dụng quy định trần lãi suất 20%, song theo giới luật sư, các quy định trong luật đôi khi vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau, như Bộ luật Dân sự 2015 quy định là áp với cả hệ thống ngân hàng nhưng thực tế lại không áp dụng mà đã cởi mở cho TCTD được hoạt động theo luật chuyên ngành.
Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng – Hiệp hội Ngân hàng – cũng cho rằng: “Câu từ trong Bộ Luật Dân sự thoạt nghĩ sẽ hiểu rằng: Mức trần lãi suất 20% sẽ áp dụng chung cho cả hệ thống tổ chức tín dụng lẫn quan hệ vay mượn trong dân. Tuy nhiên, trên thực tế, lại chỉ áp dụng cho vay mượn cá nhân”.
“Các tổ chức tín dụng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và đương nhiên, hệ thống ngân hàng thì đã có cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau. Do vậy, quy định về trần lãi suất nêu trong Bộ luật Dân sự 2015 chủ yếu là chỉ để khống chế trong quan hệ giữa dân với dân, chứ không áp dụng đối với các tổ chức tín dụng.
Hơn nữa, mục đích hướng đến của việc áp trần lãi suất 20% của Luật Dân sự 2015 chính là để kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen đang bùng phát bấy lâu nay trong xã hội”, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích.
Thành Vinh