Theo kết quả khảo sát của Tập đoàn Tư vấn Quản trị Toàn cầu Boston Consulting Group (BCG), có tới 50% khách hàng muốn chuyển sang nền tảng công nghệ số bởi tính tiện ích khi sử dụng dịch vụ. Điều này buộc các ngân hàng phải tính tới bài toán kiện toàn hệ thống công nghệ lõi, gia tăng giá trị dịch vụ, tính bảo mật và kiểm soát rủi ro.
Lợi nhuận tăng 15-17%
Thời gian qua, xuất hiện nhiều thủ đoạn tội phạm tấn công vào các tổ chức ngân hàng như cài phần mềm gián điệp, mã độc tấn công vào ATM, hệ thống thẻ để ăn cắp thông tin về tài khoản thẻ của khách hàng, làm thẻ giả rút tiền: mua bán, sử dụng trái phép thông tin thẻ…
Kiện toàn hệ thống công nghệ lõi, gia tăng giá trị dịch vụ, tính bảo mật và kiểm soát rủi ro, đang là bài toán khiến không ít các ngân hàng “đau đầu”, bởi chi phí để thay đổi hạ tầng công nghệ khá tốn kém.
Hiện nay, tỷ lệ đầu tư vào công nghệ của các ngân hàng Việt rất khiêm tốn, chỉ chiếm 5% trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tốn kém, nhưng cần thiết, và lợi ích đem lại cho các ngân hàng rất lớn, đặc biệt lợi nhuận có thể tăng 15%-17%.
Ông Douglas Jackson – Giám đốc khu vực Đông Nam Á, BCG, cho rằng lợi ích thực hiện ngân hàng số là rất lớn. Doanh thu sẽ tăng trên 25%, giảm chi phí hơn 20%; sản phẩm độc đáo, giá trị cao; chưa kể tính cạnh tranh cao so với những đối thủ không có khả năng cạnh tranh tính năng số hoá xuyên suốt… Chính vì thế, nhiều ngân hàng đã quan tâm đến việc xây dựng chiến lược gia tăng tỷ trọng dịch vụ, đổi mới công nghệ nhằm bảo vệ tính an toàn cho hệ thống ngân hàng và khách hàng của mình.
Ông Phan Thái Dũng – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học, Ngân hàng Nhà nước – cho biết phần lớn các tổ chức tín dụng cũng đã trang bị các giải pháp tăng cường an toàn, an ninh mạng. Thậm chí, một số ngân hàng đã bắt đầu áp dụng công nghệ cao như test mống mắt, mạch máu, giọng nói.
Điển hình: Ngân hàng Citi Việt Nam vừa triển khai công nghệ bảo mật bằng sinh trắc học giọng nói cho các khách hàng khi gọi đến trung tâm dịch vụ của ngân hàng. Công nghệ này giúp khách hàng không cần nhớ hàng loạt thông tin nhận diện và các câu hỏi mang tính cá nhân. Citi là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam cũng như châu Á giới thiệu công nghệ hàng đầu thế giới này vào giao dịch ngân hàng hàng ngày.
Người tiêu dùng đang ngày càng lựa chọn số hoá và sử dụng các thiết bị thông minh. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng các dịch vụ như internet banking, mobile banking có thể tăng 20-30% mỗi năm…
![]() |
Doanh thu tăng trên 25% nhờ áp dụng ngân hàng số
Dù vậy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ khách hàng hiện nay vẫn phụ thuộc giao dịch bằng tiền mặt. Cụ thể, ở các vùng nông thôn, hầu hết người dân vẫn quen dùng hoá đơn để thanh toán. Họ còn tương đối xa lạ với các dịch vụ tiện ích như internet Banking hay dùng thẻ ATM.
Trong khi đó, cũng có một số khách hàng không chấp nhận sự chia sẻ với ngân hàng khi được sử dụng những dịch vụ tiện ích này.
Trao đổi với chúng tôi tại một hội thảo về công nghệ, ông Phạm Xuân Hoè – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngân hàng (NHNN), cho biết rằng khi các ngân hàng bỏ tiền đầu tư vào công nghệ tối tân, cung cấp dịch vụ hiện đại thì cũng cần nhận được sự chia sẻ của khách hàng thông qua phí sử dụng dịch vụ, để họ có tiền tái đầu tư phát triển.
Khách hàng có đồng thuận?
Không phải sự thay đổi nào của ngân hàng cũng nhận được đồng thuận của khách hàng. Vị này kể, khi còn làm việc trực tiếp tại ngân hàng, ông_đã phải trả lời rất nhiều thắc mắc của khách hàng liên quan tới chuyện phí giao dịch ATM.
“Tôi giải thích với họ: đi chợ gửi xe chị cũng phải trả 2.000 đồng cho ông bảo vệ trông coi tài sản của mình. Vậy mà khi sử dụng dịch vụ ATM tân tiến, hiện đại và nhiều tiện ích như vậy, muốn gửi/rút tiền bất cứ lúc nào, mà chỉ phải trả 1.000 – 2.000 đồng/giao dịch, lại kêu tốn kém không hợp lý”, ông Hoè nói. Các chuyên gia cho rằng khách hàng cũng phải thay đổi tư duy, có như vậy mới tạo nên động lực lớn khiến các ngân hàng đang cạnh tranh và liên tục cải tiến hệ thống phục vụ dịch vụ ngân hàng số.
Là một trong những ngân hàng áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong dịch vụ ngân hàng, Maritime Bank đã triển khai nhiều ứng dụng ngân hàng số phù hợp với đối tượng khách hàng và với lãi suất hấp dẫn.
Bà Đặng Tuyết Dung, Phó Tổng giám đốc Maritime Bank, cho biết khi đưa ra sản phẩm, Maritime Bank cũng tính toán xem sản phẩm đó sẽ hấp dẫn khách hàng trong thời gian bao lâu và phù hợp với đối tượng nào.
“Hiện nay, những thuận tiện chúng tôi đưa ra cho khách hàng không chỉ về Internet Banking mà còn là các gói combo. Khi trở thành một khách hàng của ngân hàng, khách hàng có quyền được hưởng những điều khoản nhất định của ngân hàng,” bà Dung nhấn mạnh.
Có thể thấy, ngân hàng số là loại hình có nhiều điểm khác với ngân hàng mới, khác với mô hình ngân hàng truyền thống từ phương thức sản xuất sản phẩm, pháp lý, dịch vụ khách hàng…. đòi hỏi các ngân hàng phải học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt nhu cầu từng đối tượng khách hàng.
Có như vậy mới dần thay đổi được tư duy và nhận được sự đồng thuận của khách hàng.
Huyền Anh