![]() |
Techcombank vừa được Ngân hàng Nhà nước cho phép thành lập 4 chi nhánh mới tại khu vực Hà Nội (Ảnh: Internet) |
Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng liên tục mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch, đặc biệt ở nhóm quy mô nhỏ.
Tăng độ phủ thương hiệu
Năm 2020, SeABank sẽ mở mới 5 chi nhánh và 4 phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Hà Nam, Quảng Nam, Đà Nẵng, Long An, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Cà Mau, nâng mạng lưới hoạt động lên 176 điểm trên toàn quốc.
Việc mở rộng mạng lưới kinh doanh tại các vùng kinh tế năng động để phát triển kinh doanh bán lẻ, tạo điều kiện cho khách hàng tại địa phương được tiếp cận nguồn vốn, các dịch vụ ngân hàng hiện đại tiêu chuẩn quốc tế của SeABank.
Mới đây, Vietbank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mở mới thêm 5 chi nhánh mới, nâng sự hiện diện của nhà băng này lên 118 điểm giao dịch trên cả nước.
Cùng với đó, trong năm nay, Techcombank được thành lập 4 chi nhánh mới tại khu vực Hà Nội. BacABank được thành lập 5 chi nhánh và 4 phòng giao dịch mới. Hiện tại, Techcombank có 311 chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước; BacABank đang có hơn 100 điểm giao dịch, bao gồm 40 chi nhánh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngân hàng số (digital banking) đang là xu thế tất yếu. Nhưng trong vòng ít nhất 10 năm nữa, chi nhánh truyền thống vẫn tiếp tục là trung tâm của hệ thống kênh phân phối sản phẩm dịch vụ của nhà băng. Vì vậy, hệ thống các điểm giao dịch cũng đang trở thành lợi thế lớn của nhiều ngân hàng trong cuộc đua huy động vốn và cho vay khách hàng cá nhân.
Thống kê tại hơn 30 ngân hàng hiện nay, có tới 23 ngân hàng sở hữu trên 100 điểm giao dịch trong nước và mang lại lợi thế trong việc tiếp cận khách để huy động và cho vay. Thực tế, nhóm ngân hàng có nhiều điểm giao dịch nhất hiện nay cũng chính là nhóm có giá trị huy động vốn và cho vay cư dân lớn nhất.
Tuy nhiên, một số nhà băng có quy mô tài chính không quá lớn nhưng đang sở khá nhiều điểm giao dịch và cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh mỗi năm. Chẳng hạn, năm 2019 là năm gặt hái nhiều thành công của ngân hàng Vietbank: tổng tài sản 68.980 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 105% kế hoạch đề ra; tổng dư nợ cho vay khách hàng 40.919 tỷ đồng đồng, tăng 15%; tổng huy động vốn 51.965 tỷ đồng, tăng 27%; lợi nhuận trước thuế 613 tỷ đồng, tăng 53%, đạt 114% kế hoạch.
“Cánh tay” nối dài
Nhìn từ góc độ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thành lập chi nhánh và phòng giao dịch trong thời gian gần đây, mạng lưới ngân hàng không còn quá tập trung vào các thành phố lớn, đô thị mà trải rộng thị trường tại các địa bàn ngoại thành, nông thôn, hạn chế tình trạng nơi thừa nơi thiếu dịch vụ ngân hàng. Giới phân tích cho rằng, ở thị trường thành thị, sự hiện diện của các "ông lớn" khiến cho sức cạnh tranh ngày càng lớn, nên các ngân hàng nhỏ sẽ chọn phân khúc thị trường nông thôn - nơi còn ít có sự tập trung của các ngân hàng, nhằm tăng hiệu quả hoạt động cho chi nhánh.
Ngân hàng số đang là xu thế tất yếu. Nhưng trong vòng ít nhất 10 năm nữa, chi nhánh truyền thống vẫn tiếp tục là trung tâm của hệ thống kênh phân phối sản phẩm dịch vụ của nhà băng. |
Có thể thấy, các ngân hàng nhỏ vừa qua khá mạnh tay mở rộng mạng lưới, các ngân hàng lớn lại có phần chững hơn vì muốn tập trung tái cấu trúc tốt các chi nhánh, phòng giao dịch hiện hữu để tối đa hóa hiệu quả.
Thực tế, việc mở nhiều chi nhánh chưa chắc đã giúp các ngân hàng tạo ra đột biến trong hoạt động kinh doanh. Điển hình như trường hợp trong nhóm "Big 4", VietinBank và BIDV đều sở hữu số điểm giao dịch gấp khoảng 2 lần Vietcombank nhưng lợi nhuận của hai nhà băng này vẫn không bằng.
Bên cạnh đó, việc mở thêm một điểm giao dịch không phải là điều dễ dàng, bởi gần đây Ngân hàng Nhà nước siết hoạt động mở rộng mạng lưới, mỗi ngân hàng muốn mở thêm điểm giao dịch đều phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quy mô vốn, hệ số đảm bảo an toàn hoạt động, hiệu quả kinh doanh cao, tỷ lệ nợ xấu, đồng thời phải có hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ hiệu quả.
Vì vậy, có thể thấy, những nhà băng vừa được NHNN cho phép mở thêm phòng giao dịch, chi nhánh đều có kết quả kinh doanh tốt. Thậm chí, việc mở rộng mạng lưới của các ngân hàng gần đây có thể xem là một dấu hiệu về tình hình sức khỏe và chuẩn mực hoạt động đã cải thiện, đảm bảo theo yêu cầu khắt khe của Ngân hàng Nhà nước.
Chẳng hạn, với Vietbank, trong năm 2019 áp dụng tiêu chuẩn quốc tế Basel II trước thời hạn và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM thành công, đồng thời được Forbes Việt Nam vinh danh trong top 100 công ty đại chúng lớn nhất.
Ngoài ra, việc mở rộng mạng lưới hoạt động có thể giúp các ngân hàng tăng cường mức độ hiện diện, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay cũng kéo theo gánh nặng về chi phí hoạt động do sự cạnh tranh giữa các nhà băng.
Huyền Anh