Cụ thể, tại Vietcombank ghi nhận cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank, Ltd. đang nắm 15% vốn, cổ đông tổ chức là Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) với hơn 93,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,67% vốn điều lệ.
Danh sách công bố những cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của Vietcombank không công bố tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Tuy nhiên, theo Báo cáo thường niên 2023, Nhà nước vẫn đang sở hữu 74,8% vốn điều lệ tại Vietcombank.
Trong khi đó, Vietinbank công bố có 3 cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ, gồm MUFG Bank, Công đoàn Vietinbank, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam.
Vietcombank có cổ đông chiến lược là Mizuho Corporate Bank, Ltd. đang nắm 15% vốn điều lệ. |
Tổng số cổ phần các cổ đông này nắm giữ hơn 1.178 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu hơn 21,95% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong đó, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm 57,6 triệu cổ phiếu CTG của Vietinbank, tương ứng 1,07% vốn điều lệ; Công đoàn Vietinbank nắm giữ hơn 61,6 triệu cổ phiếu CTG, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là 1,15% và MUFG Bank đang là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu CTG nhất, với hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương với 19,73% vốn điều lệ ngân hàng.
Danh sách này cũng không nhắc đến cổ đông lớn nhất tại Vietinbank là Ngân hàng Nhà nước với tỷ lệ sở hữu là 64,46% vốn.
Đến nay, đã có một loạt ngân hàng thương mại công bố thông tin về cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ như ACB, MSB, BVBank, OCB, MSB, HDBank, LPBank, VPBank, Kienlongbank, Eximbank…
Theo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi, các ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ; danh sách người có liên quan cũng được mở rộng nhiều so với trước. Luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc ngân hàng công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ giúp thị trường có cơ hội tiếp cận đầy đủ hơn cơ cấu sở hữu tại các nhà băng. Trước đó, nhà đầu tư chỉ nắm được thông tin giao dịch, sở hữu, người liên quan của cổ đông lớn khi nắm từ 5% vốn ngân hàng trở lên.
Tuy nhiên, quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Luật các TCTD năm 2024 không áp dụng hồi tố đối với những trường hợp sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 10% trước khi luật này có hiệu lực.
Khoản 11 Điều 210 Luật Các TCTD 2024 về quy định chuyển tiếp đối với quy định tại Điều 63 Luật Các TCTD 2024 như sau:
“Kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Như vậy, cổ đông đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước 1/7/2024 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật Các TCTD 2024, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Chính quy định này lại làm gia tăng động cơ nắm giữ cổ phần hiện hữu và buộc các cổ đông lớn này phải suy tính cẩn trọng hơn khi tiến hành chuyển nhượng cổ phần. Bởi lẽ, đây là tiến trình không thể đảo ngược, một khi đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần thì không thể quay về trạng thái sở hữu như hiện nay được nữa.
Thanh Hoa