![]() |
Năm 2016, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng rủi ro đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước
Báo cáo tại ĐHCĐ, HĐQT ngân hàng cho biết, ACB đã cơ bản hoàn thành theo lộ trình hoạt động tái cơ cấu theo giai đoạn 2012-2015. Điều đáng mừng là ACB đã xoá được sở hữu chéo. Hiện ACB đã xử lý tích cực 4 vấn đề gồm xử lý nợ liên quan đến nhóm 6 công ty, tồn tại của Vinashin/Vinalines.
Hồi tháng 3 vừa qua, ACB đã công bố thông tin cho biết việc thu hồi nợ tại nhóm 6 công ty này dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2017 thay vì 2018 như lộ trình trước đó, bằng cách trích lập dự phòng bổ sung thêm 800 tỷ đồng.
Cụ thể, vào ngày 7/12/2016, ACB đã gửi công văn đến NHNN về việc trích lập bổ sung để rút ngắn lộ trình thu hồi nhóm nợ này và kết thúc vào năm 2017 và đã được NHNN phê duyệt. Do đó, ACB đã trích lập thêm 800 tỷ đồng trong năm 2016 so với lộ trình thu hồi nợ nêu trên. Lộ trình thu hồi nợ sẽ được điều chỉnh lại với số tiền thu hồi trong năm 2016 và 2017 lần lượt là 3.000 tỷ đồng và 2.016 tỷ đồng.
Lãnh đạo ACB chia sẻ với cổ đông, đến thời điểm này, nợ xấu sau trích lập dự phòng của nhóm này còn lại 1.500 tỷ đồng. Năm 2016, ACB thu nợ được 3.000 tỷ và trích lập 1.115 tỷ đồng. Theo lộ trình năm nay, ACB tích cực thu nợ chưa trích lập dự phòng, đối với nợ đã trích lập ngân hàng sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi.
Báo cáo trước đại hội, HĐQT ACB cho biết, năm 2016, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng rủi ro đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước. Chỉ số ROA và ROE tăng lên đạt lần lượt 0,61% và 9,87%. Dự kiến trả cổ tức 10% bằng cổ phiếu
Tổng tài sản đến cuối năm 2016 của ACB đã tăng 16% so với đầu năm, lên 234 nghìn tỷ đồng. Trong đó, huy động tiền gửi khách hàng tăng 18%, lên 207 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 21%, lên 161,6 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể từ 1,3% xuống còn 0,88%.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 13,19%. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 23,1% so với mức tối thiểu 10%. Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 24,27% so với mức tối đa 60% của năm 2016 và mức 50% của năm 2017…
Năm 2017, ACB đặt ra mục tiêu tổng tài sản tăng 16%; tín dụng tăng trưởng với giới hạn 16%; vốn huy động từ tiền gửi khách hàng tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.205 tỷ đồng.
Ông Đàm Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc ACB cho biết, để đạt được kế hoạch trên, ACB sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa; chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn giá thấp; cải thiện thu nhập phí từ hoạt động dịch vụ; tập trung xử lý, thu hồi nợ xấu; tái sắp xếp, mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch tại các địa bàn trọng tâm...
ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 11.259 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với số lượng tối đa là gần 98.6 triệu cp, tỷ lệ thực hiện quyền 10%. Không chỉ tăng vốn điều lệ, ACB cho biết đã trích lập quỹ dự phòng rủi ro ở mức 127% so với quy mô tổng nợ xấu.
H.Trang