Gia đình bà Hạnh khiếu nại rằng trong hợp đồng ký giữa công ty TNHH thương mại dịch vụ Hùng Hạnh (công ty của gia đình bà Hạnh) với ngân hàng TMCP Á Châu, ngân hàng này đã không tính lãi suất theo từng thời điểm điều chỉnh là không đúng luật. Điều này đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho công ty Hùng Hạnh, buộc bà Hạnh phải kháng án.
Tính lãi bất hợp lý
Theo Ngân hàng ACB, tính đến ngày 12/12/2014, tại các hợp đồng hạn mức tín dụng với công ty Hùng Hạnh là 12, 8 tỷ đồng, trong đó vốn gốc là 8 tỷ đồng, lãi trong hạn 356 triệu đồng, lãi quá hạn hơn 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, giữa hai bên còn hợp đồng thấu chi có nợ gốc và lãi khoảng hơn 715 triệu đồng.
Theo tòa cấp cao thì Tòa án cấp sơ thẩm đã không thu thập các văn bản của Ngân hàng Nhà nước qui định về mức lãi suất trong từng thời kỳ để giải quyết vụ án mà chỉ căn cứ vào các giải trình của ACB để buộc công ty Hùng Hạnh trả nợ gốc và lãi suất suốt thời gian vay gần 20% là không hợp lý.
Tại hợp đồng ghi rõ, lãi suất được điều chỉnh 3 tháng/lần, còn lãi quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn, nhưng ngân hàng ACB không thực hiện, trong khi có rất nhiều khoản vay được ngân hàng ACB giải ngân thành nhiều đợt khác nhau.
Tòa cấp cao còn nhận định rằng việc ông Võ Thanh Hùng và bà Trần Thị Hạnh là những người đứng ra bảo lãnh cho công ty Hùng Hạnh, chịu trách nhiệm trả thay cho bên được bảo lãnh với Ngân hàng ACB. Trong trường hợp này, công ty Hùng Hạnh đã không trả được nợ, ông Hùng, bà Hạnh có nghĩa vụ trả nợ thay; nếu ông Hùng, bà Hạnh không trả được nợ, Ngân hàng ACB có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mãi ngay tài sản thế chấp để thi hành án là không đúng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hùng, bà Hạnh.
Trong một hợp đồng khác, ngân hàng ACB khởi kiện trực tiếp ông Hùng, bà Hạnh để đòi số tiền các hợp đồng tín dụng khác là hơn 33,7 tỷ đồng, trong đó, vốn gốc là hơn 21 tỷ đồng và trong hạn, lãi quá hạn là hơn 12 tỷ đồng. Các hợp đồng này là trung và dài hạn có rất nhiều khế ước nhận nợ với lãi suất từ 13% cho tới 21% mà không có điều chỉnh hợp lý cho khách hàng.
Theo bà Hạnh, căn nhà mặt tiền của gia đình bà ở trung tâm quận một, Tp HCM có giá gần 100 tỷ đồng, đủ sức để trả tiền thế chấp cả gốc lẫn lãi phạt tại ngân hàng ACB (chưa tới 34 tỷ đồng). Trong khi đó, chỉ căn nhà hai mặt tiền số 75 Yersin, quận I, của gia đình bà Hạnh đã có khách hàng trả giá hơn 38 tỷ đồng, nhưng đơn vị thẩm định giá lại đưa ra giá cực thấp là 24 tỷ đồng.
![]() |
Việc vay vốn giữa khách hàng Trần Thị Hạnh và Ngân hàng ACB vốn đã có nhiều mâu thuẫn chồng chất, các khoản lãi đã không được tính đúng, nhằm hỗ trợ quyền lợi của khách hàng
Cưỡng bức thu hồi nhà?!
Đó là những điều khuất tất cần được làm rõ, trước khi Ngân hàng ACB muốn đẩy trách nhiệm cho thi hành án cố tình ép khách VIP của mình vào đường cùng.
Chi Cục thi hành án dân sự quận I, Tp HCM xác nhận bà Hạnh gửi đơn xin giảm lãi suất và xin nộp số tiền là 38 tỷ đồng để nhận lại 03 tài sản nhà, đất số 75 Yersin, 122 Yersin, quận 1, 538 Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho Ngân hàng ACB nhưng không được ngân hàng ACB chấp nhận. Ngân hàng ACB cũng có xác nhận ông Hùng, bà Hạnh có gửi đơn xin giảm lãi và nộp số tiền 38 tỷ để nhận lại 3 tài sản trên, nhưng không được ngân hàng chấp nhận.
Trong khi đó, cả hai bản án mà Ngân hàng ACB muốn siết nợ đều bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp HCM “Kháng nghị Giám đốc thẩm” nhưng không hiểu sao vẫn bị cưỡng chế mà không cho khách hàng bán tài sản để trả nợ.
Mới đây, vào ngày 10/5/2016, ông Đỗ Mạnh Thuỷ – Trưởng Chi cục thi hành án quận I Tp.HCM – đã có hai thông báo số 2305/TB-THADS và 2306/TB-THADS tạm đình chỉ thi hành án.
Tuy nhiên, cùng ngày, chấp hành viên Lê Thị Ngoan, cấp dưới của ông Thủy, lại ra thông báo số 2312/TB-THADS tiếp tục thực hiện việc cưỡng chế nhà bà Trần Thị Hạnh vào ngày 7/6/2015, buộc bà Hạnh giao tài sản là nhà, đất số 75 Yersin phường Cầu Ông Lãnh quận I cho người mua trúng đấu giá.
Thông báo cưỡng chế thi hành án do chấp hành viên Lê Thị Ngoan ban hành cùng ngày với thông báo tạm đình chỉ thi hành án của ông Đỗ Mạnh Thuỷ – Trưởng Chi cục Thi hành án quận I.
Dù chấp hành viên Lê Thị Ngoan vận dụng khoản 2 Điều 103 Luật thi hành án dân sự để cưỡng chế nhưng dư luận vẫn thắc mắc là giữa chấp hành viên và Trưởng Chi cục thi hành án, ai có thẩm quyền hơn ai khi có sự xung đột nội dung trong ban hành văn bản ban hành.
Việc vay vốn giữa khách hàng Trần Thị Hạnh và Ngân hàng ACB vốn đã có nhiều mâu thuẫn chồng chất, các khoản lãi đã không được tính đúng nhằm hỗ trợ quyền lợi của khách hàng. Cho đến khi ra tòa và thi hành án, khách hàng vốn từng được xem là VIP của ngân hàng lại chịu cảnh cùng cực, bị cưỡng ép thi hành án với việc định giá tài sản cực kỳ rẻ mạt nhằm nhanh chóng thâu tóm tài sản của khách hàng để giao cho người trúng đấu giá, đây cũng là cách làm không mấy tốt đẹp của Ngân hàng ACB!
Lê Hoàng