Các loại tiền mệnh giá nhỏ, như 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng… hiện được sử dụng chủ yếu ở các lễ hội, đình chùa dịp đầu năm. Trước Tết, NHNN thường phải in lượng lớn tiền lẻ mới, nhưng sau đó, tiền lẻ lại "chảy" về ngân hàng, nằm "bất động" trong kho, nên chẳng sản sinh lợi nhuận.
Tiết kiệm 300 tỷ đồng
Thời điểm này các năm trước đây, chị Hương, một cán bộ của ngân hàng Vietcombank bận rộn hơn vì những cuộc điện thoại của người quen nhờ đổi tiền lẻ mới. Có khách hàng doanh nghiệp nằng nặc đòi đổi tới 100 triệu đồng các loại tiền mệnh giá từ 500 - 200.000 đồng, mà phải là mới toanh, còn nồng mùi mực in, nói vui là có thể "cạo râu được". Vị khách này cần tiền mới để đi lễ chùa, lì xì, biếu đối tác làm ăn cho may mắn.
Nhưng từ năm ngoái, NHNN đã hạn chế phát hành tiền lẻ mới để tránh lãng phí, tiết giảm chi phí in ấn, lưu hành. "Nhiều người nhờ đổi giúp tiền lẻ mới nhưng chúng tôi phải từ chối, vì lượng tiền mới ngân hàng "rót" xuống chi nhánh hạn chế lắm. Đến giờ muốn đổi tiền loại 500, 2.000 đồng khó lắm", chị Hương phân bua trước đề nghị đổi tiền mới. Năm nay, NHNN không in tiền mới dưới 2.000 đồng nên rất khó đổi tiền, dù nhu cầu chẳng khi nào giảm bớt.
Ông D., Phó Tổng Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội, thường đi lễ chùa đầu năm để cầu cho công việc kinh doanh năm mới "thuận buồm, xuôi gió", có lợi nhuận cao. "Lên chùa không có lễ to, không cúng bái thì phải có chút tiền lẻ để công đức cho nhà chùa, cũng là bình thường", ông D. nói và cho biết hơn 1 tháng trước, ông phải nhờ người quen ở ngân hàng đổi nhiều loại tiền mới để chi dùng dịp Tết.
![]() |
Cần phát huy giá trị vốn có của tiền lẻ, thay vì rẻ rúng
Tâm lý chuộng tiền lẻ mới dịp cuối năm khiến nhu cầu đổi tiền luôn tăng đột biến, tạo sức ép khiến NHNN phải in thêm tiền. Trong khi đó, lượng tiền cũ sử dụng 1 - 2 lần đã bị khách hàng chê vì tâm lý sợ xui xẻo. Thế nhưng, điều băn khoăn là những loại tiền mệnh giá nhỏ thường ít được dùng để thanh toán, mà chủ yếu sử dụng trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Hết mùa lễ hội, khoảng chừng tháng 4 hàng năm, phần lớn lượng tiền lẻ lại quay về ngân hàng, được cất kỹ trong kho, thay vì đưa ra lưu thông để tăng thêm giá trị.
Trong khi đó, Nhà nước mất nhiều tiền cho việc in ấn, phát hành mới tiền lẻ. Riêng chi phí in tiền loại dưới 2.000 đồng mỗi năm lên tới 300 tỷ đồng. Thậm chí, chi phí in các tiền nhỏ như 100, 200, 500 đồng còn lớn hơn giá trị đồng tiền đó. Nếu tính cả các chi phí khác như vận chuyển, kiểm đếm, phân loại, bảo quản… cho vòng quay của đồng tiền, có lẽ phải tốn tới cả nghìn tỷ đồng trong nhiều năm qua.
Nhu cầu tâm linh của người dân là chính đáng, song nếu phải chi phí quá lớn cho việc in ấn, phát hành tiền lẻ thì sẽ là sự lãng phí đáng trách.
Để đồng tiền lẻ không bị rẻ rúng
Năm nay, NHNN vẫn tiếp tục in mới và cho lưu thông loại tiền mệnh giá 5.000 đồng trở lên như mọi năm, thay thế lượng tiền rách, cũ hỏng. Có thực tế phải thừa nhận là giá trị của đồng VNĐ loại mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng không còn tác động nhiều tới quyết định chi tiêu của người dân. Theo như câu ví von về khoản phụ cấp tăng thêm cho chiến sĩ cảnh sát giao thông, của một lãnh đạo ngành này, thì "Tiền phụ cấp tăng thêm của chiến sĩ chỉ 5.000 đồng/ngày, không mua nổi ổ bánh mì".
Câu nói này dù có nhiều ý kiến không đồng tình, nhưng cũng gợi suy ngẫm về giá trị của tờ 5.000 đồng hiện nay. Cách đây 20 năm, người dân ở thành phố có 5.000 đồng là mua được 2kg gạo, hoặc 1 bát phở, hoặc tới 10 chiếc bánh mì (không nhân). Khoảng 10 năm trước, 5.000 đồng chỉ mua được 1 gói xôi lạc, hoặc 2 chiếc bánh mì chay, không mua được bát phở!
Ở thời điểm này, 5.000 đồng vẫn có thể mua được một số vật phẩm bình dân, như mớ rau muống, cốc trà đá, vé xe buýt, gửi xe máy… Còn muốn mua ổ bánh mì có thịt, với giá 15.000 - 20.000 đồng/chiếc, như vị lãnh đạo trên nói, thì cần phải tăng phụ cấp thêm 2 - 3 lần nữa.
Các loại tiền mệnh giá nhỏ 100, 200, 500 đồng, giờ đây đã gần như vắng bóng trong các giao dịch thanh toán hàng ngày. Vì giá trị đồng tiền này không thể đổi được những hàng hóa đã tăng giá gấp chục lần so với trước đây.
Một cán bộ làm giao dịch lâu năm của ngân hàng Agribank chia sẻ: "Đúng là tiền lẻ dưới 500 đồng rất ít dùng thanh toán, đa phần chỉ "tiêu" ở cửa đình chùa thôi. Tiền lẻ lại được gom trả về ngân hàng, mất bao công vận chuyển, phân loại, kiểm đếm để… cất đi, là rất lãng phí".
Ngay trong mùa lễ hội Chùa Hương, vị cán bộ này cho biết, mỗi ngày có 1 xe tải chở tiền công đức (tiền lẻ) về gửi ngân hàng. Giá đó là tiền mệnh giá lớn thì ngân hàng sẽ có ngay nguồn tiền bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Với người kinh doanh tiền, 1 đồng tiền có giá trị nhỏ nhưng nếu quay vòng tốt, sử dụng hiệu quả thì giá trị sẽ càng nhân lên. Điều quan trọng là có giải pháp quản lý lượng tiền mặt cung ra thị trường và hướng vào mục đích sử dụng để đồng tiền phát huy được giá trị vốn có, thay vì ngày càng bị rẻ rúng, mất giá trị.
Thu Hằng