Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM cho biết, chương trình này được đưa vào hoạt động giám sát từ nay đến cuối năm, giám sát việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, tổ chức dụng trên địa bàn.
![]() |
16 ngân hàng thương mại lớn ở TP.HCM sẽ giảm lãi suất hỗ trợ cho các khách hàng đang vay bị ảnh hưởng dịch Covid-19. |
“Bình quân dư nợ hiện hữu được giảm lãi suất cho vay 1%/năm, tùy mức thiệt hại của doanh nghiệp, mức giảm lãi suất cho vay có thể từ 0,5% - 2,5%. Đây là động thái hết sức tích cực, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang bị khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19”, ông Minh thông tin.
Trước đó, khi dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM cũng động viên các ngân hàng tham gia cùng chính quyền thành phố chia sẻ và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Theo thống kê, TP.HCM hiện có khoảng 460.000 doanh nghiệp, trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần này, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng và đang khó khăn. Hiện nay, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đang cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp. Dự kiến, TP.HCM sẽ có khoảng 400.000 khách hàng được giảm lãi suất vay do khó khăn bởi dịch bệnh, mức giảm trung bình 1%/năm so với lãi suất vay hiện hữu.
Thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc "tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19", từ giữa tháng 5 đến nay, TP.HCM có hơn 361.000 khách hàng được hưởng chính sách này.
Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã cho hơn 132.000 khách hàng được cơ cấu lại thời gian trả nợ với dư nợ gần 244.000 tỷ đồng, có trên 49.500 khách hàng được miễn, giảm lãi suất với dư nợ cho vay 3.356 tỷ đồng. Đồng thời, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cũng cho vay mới gần 179.500 khách hàng với số tiền hơn 1.176.000 tỷ đồng để các doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
T.H