NIM là phần chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng. Nói cách khác, NIM là phần chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động vốn (lãi tiền gửi) và hoạt động đầu tư (lãi vay), cũng là một trong những chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời của ngân hàng.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, kéo theo lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại giảm liên tục. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, do thời điểm từ cuối năm 2022 đến quý I/2023, các ngân hàng liên tục huy động vốn với lãi suất cao, có thời điểm lên tới 10%/năm, nên đến thời điểm nửa đầu năm 2023 vẫn chưa tiêu thụ hết nguồn vốn huy động với lãi suất cao, trong khi vẫn thực hiện việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
NIM của 25 ngân hàng lớn nhất trên sàn chứng khoán liên tục sụt giảm trong nửa đầu năm. |
Khi lãi suất cho vay ra chưa theo kịp đà tăng sốc của lãi suất huy động, chắc chắn sẽ gây áp lực co hẹp lên NIM.
Thống kê kết quả kinh doanh của 25 ngân hàng lớn nhất trên sàn chứng khoán, tổng lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 61.600 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại quý II/2022, tăng trưởng lợi nhuận đạt 36,1%. Cùng với đó, tỷ lệ NIM cũng sụt giảm 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,41% trong quý II/2023.
Cụ thể, có 19/25 ngân hàng ghi nhận mức sụt giảm ở NIM. Trong nhóm các ngân hàng vừa và lớn, chỉ có Sacombank, VIB và VietinBank có thể duy trì mức NIM cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, VIB và VietinBank đã thành công trong việc tận dụng nguồn vốn liên ngân hàng khi tỷ lệ vốn liên ngân hàng/tổng nguồn vốn của hai ngân hàng này tăng lần lượt 4,3% và 4,9% so với cùng kỳ tại cuối quý II/2023. NIM của Sacombank cải thiện mạnh trong năm 2023 khi không còn áp lực lãi dự thu.
Ở chiều ngược lại, NIM của VPBank, Techcombank, LPBank và TPBank tiếp tục giảm mạnh nhất khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn ngành cho thấy sự cải thiện từ mức 17,6% tại cuối quý I/2023 lên 18,2% tại cuối quý II/2023 khi lãi suất tiền gửi giảm liên tục theo 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành.
Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên viên phân tích tại VNDirect cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng chi phí vốn sẽ giảm mạnh hơn khi lần thứ 3 và 4 cắt giảm lãi suất diễn ra vào cuối quý II/2023 sẽ có hiệu lực toàn bộ từ nửa cuối 2023 trở đi. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng sự cải thiện ở NIM ngay lập tức khi việc cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Cho nửa cuối năm, chúng tôi kỳ vọng một số ngân hàng sở hữu tỷ lệ cho vay cá nhân cao, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động (LDR) thấp và tỷ trọng vốn ngoại tệ trên tổng nguồn vốn thấp sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện NIM tốt hơn so với toàn ngành như MBB, VIB".
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, năm nay, chi phí vốn tăng nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3 - 6 tháng, dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong một, hai quý đầu. "Trong nửa đầu năm, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên, nhưng nửa cuối năm có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.
Trong đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân bởi nhiệm vụ “hỗ trợ nền kinh tế” trong những giai đoạn khó khăn", các chuyên gia VDSC cho hay.
Thanh Hoa