Theo khảo sát của VnBusiness với 25 ngân hàng, kể từ ngày 1 - 13/12, 14 ngân hàng giảm lãi suất huy động là HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank, SCB, PGBank, MB, MSB, NamA Bank, ABBank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank. Trong đó, BIDV đã có 2 lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng.
Điển hình, trong ngày 11/12, Vietcombank điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn từ 1-11 tháng với mức giảm 0,2%. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng còn 2,2%/năm, 3-5 tháng còn 2,5%/năm, 6-11 tháng còn 3,5%/năm.
Ở kỳ hạn 12-24 tháng, Vietcombank vẫn giữ nguyên lãi suất là 4,8%/năm, cũng là mức cao nhất tại nhà băng này.
14 ngân hàng giảm lãi suất trong nửa đầu tháng 12, đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất về 5,8% và thấp nhất là 4,8%/năm. |
Cùng ngày, BIDV cũng thông báo chính thức giảm lãi suất huy động 0,1% các kỳ hạn từ 1-11 tháng. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,1%/năm, 3-5 tháng còn 3,4%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng chỉ còn 4,4%/năm, 12-36 tháng giữ nguyên 5,3%/năm.
Sáng 13/12, BIDV công bố biểu lãi suất huy động trực tuyến với mức giảm cao nhất lên tới 0,4%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,4%/năm còn 2,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,3%/năm còn 3,1%/năm; 6-11 tháng còn 4,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng là 5%/năm, 24-36 tháng giữ nguyên 5,3%/năm.
Hai ngân hàng còn lại của nhóm quốc doanh là Vietinbank, Agribank cũng công bố giảm mạnh lãi suất huy động trực tuyến lần lượt lên đến 0,6%/năm và 0,5%/năm.
Cụ thể, tại Agribank, lãi suất 1-2 tháng giảm 0,5%/năm về mức 2,7%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,3%/năm còn 3,3%/năm. Kỳ hạn 6-11 tháng còn 4,2%/năm, 12-18 tháng giảm 0,3%/năm còn 5%/năm. Agribank giữ nguyên mức lãi suất các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên ở mức 5,5%/năm.
Trong khi đó, tại Vietinbank, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,6%/năm về mức 2,6%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng cũng giảm thêm 0,6% còn 3%/năm. Đối với kỳ hạn 6-11 tháng, mức giảm là 0,5%/năm xuống chỉ còn 4%/năm, 12-18 tháng giảm 0,3%/năm xuống còn 5%/năm. Vietinbank cũng giữ nguyên kỳ hạn 24 tháng ở mức 5,5%/năm.
Kể từ đầu tháng 12, ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh, có đến hàng chục ngân hàng tư nhân giảm lãi suất tiết kiệm về mức dưới 6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng như: HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank, SCB, PGBank, MB, MSB, NamA Bank...
Báo cáo mới nhất vừa công bố của Ngân hàng UOB đánh giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phản ứng nhanh chóng trước tình trạng suy thoái kinh tế hồi đầu năm nay bằng việc nhanh chóng cắt giảm lãi suất.
Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023 đã hạ lãi suất tái cấp vốn tích lũy xuống 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%.
Tuy nhiên, với tốc độ của các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức mục tiêu, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo đã giảm xuống.
Thực tế, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN đảm bảo đủ nguồn cung tín dụng trong thời gian còn lại của năm nay, vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%-15% trong năm nay có thể kém vài điểm phần trăm.
“Do đó, chúng tôi tin rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%, rút lại dự báo cắt giảm 100 điểm cơ bản trước đó của chúng tôi”, báo cáo của UOB nêu.
Mặc dù lãi suất chính sách trong nửa năm qua ổn định, song trên thị trường lãi suất huy động vẫn liên tục giảm, các chuyên gia cho rằng “thừa tiền" là điểm chung của các ngân hàng khi cho vay ảm đạm khiến lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục.
Thực tế, hiện nay, lãi suất huy động của các nhà băng tư nhân cũng không còn chênh lệch đáng kể so với nhóm có vốn nhà nước. Thậm chí, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng tư nhân như ABBank, Techcombank, MB, VIB, VPBank còn về thấp hơn hoặc ngang ngửa nhóm "Big 4" quốc doanh.
Điển hình, tại ABBank, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm mạnh 0,5% chỉ còn 3,2%/năm và 3,3%/năm. Kỳ hạn 3-5 tháng cùng giảm 0,4% còn 3,5%/năm.
Đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 7 tháng, ABBank điều chỉnh giảm 0,2% còn 5%/năm, 8 tháng giảm 0,3% còn 4,9%/năm, 9-11 tháng giảm 0,4% còn 4,5%/năm.
So với cùng thời điểm năm ngoái, lãi suất tiết kiệm tại nhóm nhà băng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đã giảm từ 2% đến 3%. Còn tại một số ngân hàng tư nhân, lãi suất thậm chí giảm lên tới 4-5% so với cuối năm ngoái.
Hiện, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất trên thị trường là 5,8% thuộc về Oceanbank và Vietbank; lãi suất thấp nhất là 4,8% thuộc về Vietcombank.
Lãi suất kỳ hạn 9 tháng cao nhất là 5,6%/năm đang niêm yết tại PVcombank, Oceanbank, Kienlongbank; lãi suất thấp nhất Vietcombank đang huy động là 3,5%. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đang được PVcomBank huy động ở mức 5,6%/năm và thấp nhất do Vietcombank huy động ở mức 3,5%/năm.
Huyền Anh