Mục tiêu đến năm 2025, Hà Giang phấn đấu thu hút ít nhất 65% số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn tham gia hoặc sử dụng các dịch vụ của tổ hợp tác, HTX; tỷ trọng đóng góp vào GDP của địa phương đạt từ 5% trở lên. Để đạt mục tiêu, các HTX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX thực sự là thành phần kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với Chương trình xây dựng NTM và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
OCOP thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao
Được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, đến nay, HTX khởi nghiệp Hữu Nghị, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên đã có 2 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao; 4 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao, trong đó có những sản phẩm tiêu biểu rất được ưa chuộng trên thị trường như: Hồng trà cổ đại, phổ nhĩ trà, dầu ăn Thảo quả… Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, đơn vị luôn sử dụng nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, cùng với đó nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn.
![]() |
NTM Hà Giang có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. |
Ông Trần Quý Bình, đại diện HTX khởi nghiệp Hữu Nghị cho biết, HTX hoạt động năm 2020, với 8 thành viên. Các sản phẩm đều là nông sản từ chè và Thảo quả, được sản xuất sạch, an toàn theo đúng quy trình. HTX đăng ký 10 mã sản phẩm dự thi Chương trình OCOP cấp tỉnh và hiện nay có 6 sản phẩm đạt chất lượng OCOP.
Tại HTX Thanh niên sản xuất và thương mại nông nghiệp Việt Lâm, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên với 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (sản phẩm Phong vân trà hộp thiếc 100g, Trà lam hoa Nhài gói 100g), sản lượng 3 tấn/tháng đã mang lại hiệu quả kinh tế cũng như góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng NTM của huyện và tỉnh.
Sau thời gian thực hiện Chương trình OCOP, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của các HTX, đã mang lại những bước tiến đáng kể cả về quy mô và giá trị sản xuất hàng hóa.
Việc công nhận sản phẩm OCOP góp phần thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cho đến xây dựng nhãn mác hàng hóa, thương hiệu sản phẩm của chính quyền, người nông dân và HTX trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được sản phẩm OCOP các sản phẩm tham dự phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đạt sản phẩm OCOP như: An toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tạo công ăn việc làm cho địa phương, bảo vệ môi trường, bao bì, nhãn mác, tiềm năng xuất khẩu, khả năng thương mại hóa, nguồn nguyên liệu lấy tại địa phương,...
Khu vực KTTT, HTX góp phần tái cơ cấu nông nghiệp
Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay, hoạt động của các HTX tác động khá mạnh vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Mặt khác, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán; nâng cao vai trò chủ thể trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, sản xuất sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của các thành viên...
Từ đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Nhiều HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Điển hình như: HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì nhờ áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại cùng nguồn nguyên liệu chè Shan tuyết độc đáo của núi rừng Tây Côn Lĩnh, đã chế biến thành công một số dòng sản phẩm cao cấp, nức tiếng trên thị trường. Trong đó, 2 sản phẩm: Trà xanh hộp 100gr và sản phẩm Hồng trà hộp 100gr được tôn vinh sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng, huyện Mèo Vạc có thế mạnh chăn nuôi ong lấy mật với quy mô lên đến 3.000 đàn ong, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Sản phẩm mật ong bạc hà của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn nổi tiếng với các sản phẩm OCOP thuộc nhóm ngành vải, may mặc được dệt từ sợi Lanh trắng. Để có vùng nguyên liệu ổn định, HTX tiến hành liên kết sản xuất với 125 hộ dân, thuộc 7 tổ hợp tác trên địa bàn huyện Đồng Văn, trồng 80ha cây Lanh trắng phục vụ dệt sợi. Qua đó, còn tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng cho các hộ dân.
![]() |
Các mô hình KTTT, HTX được xem là điểm sáng trong xây dựng NTM nơi vùng cao địa đầu Tổ quốc. |
Đóng góp trực tiếp của khu vực KTTT, HTX vào GDP của tỉnh đạt khoảng 1,8%. Các HTX thu hút hơn 12.000 lao động có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, góp phần xây dựng NTM.
Từng bước xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiện đại
Theo ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Giang, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, huyện Bắc Quang, Quang Bình đạt chuẩn huyện NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ NTM là 03 đơn vị; có thêm 35 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trong toàn tỉnh lên 82 xã; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí.
Bình quân cả tỉnh đạt trên 16 tiêu chí/xã. Có từ 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn NTM (tương đương khoảng 800 thôn); 100% thôn biên giới có điện và có đường giao thông đạt tiêu chí NTM…
Ông Đỗ Tấn Sơn cho biết, xây dựng NTM là Chương trình Phát triển tổng hợp, toàn diện, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Để tiếp tục xây dựng NTM bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, môi trường sống của người dân so với giai đoạn trước và phù hợp với điều kiện thực tế, tỉnh Hà Giang đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó: Tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của chính quyền, sự tham gia vào cuộc của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng NTM; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, quán triệt triển khai các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM; tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong xây dựng NTM; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 11 nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo Quyết định số 263/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Thu Hiền
![]() |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |