Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là chương trình có nội dung toàn diện, tổng hợp các chương trình mục tiêu, chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến 86% dân số tỉnh Lai Châu.
![]() |
Không khí thi đua xây dựng NTM lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Một cuộc cách mạng
Đối với xuất phát điểm của nền KT-XH của một tỉnh miền núi khó khăn như Lai Châu thì đây là một chương trình lớn, mới và khó, quy mô, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt vấn đề học vấn và trình độ sản xuất, về phong tục tập quán của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đây thực sự là một cuộc cách mạng của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và cả hệ thống chính trị.
Với nhận thức, xây dựng NTM là chương trình tổng thể, dài hạn, phải phát huy tốt sức mạnh tổng hợp nên khi triển khai thực hiện cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực xã hội hóa và nhất là huy động vai trò chủ thể của người dân.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bám sát, vận dụng sáng tạo chủ chương của Đảng để cụ thể hóa thành hệ thống các văn bản về cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM bằng các quyết định, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện NTM.
Chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, luôn bám sát 19 tiêu chí xây dựng NTM để quy hoạch các hạng mục ưu tiên triển khai thực hiện, những tiêu chí có tính đột phá, phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng xã, trong đó chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, chủ yếu là kiên cố hóa đường giao thông, hệ thống thủy lợi, củng cố hệ thống điện, xây dựng trường học đạt chuẩn, vệ sinh môi trường... tạo cơ sở nền tảng để thực hiện tốt các tiêu chí còn lại.
Song song với đó, công tác kiểm tra, giám sát được cấp ủy, chính quyền quan tâm thường xuyên thể hiện: Ban chỉ đạo các cấp đã ban hành kế hoạch hàng năm về việc kiểm tra kết quả thực hiện chương trình NTM tại các xã được chọn thực hiên, nhất là kiểm tra tiến độ thực hiện các tiêu chí, việc quản lý, sử dụng vốn, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, việc giám sát của cộng đồng dân cư tại các xã làm NTM. Để từ các cuộc kiểm tra sẽ phát hiện một số tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc từ đó tìm ra biện pháp giúp đỡ cơ sở giải quyết trong quá trình thực hiện chương trình. Chỉ đạo các thành viên ban chỉ đạo quan tâm kiểm tra, giám sát các xã được giao trực tiếp giúp đỡ huyện, xã và các tiêu chí thuộc lĩnh vực phụ trách.
Tinh thần chủ động, tự lực, tự cường
Với sự chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh chỉ đạo xây dựng NTM, đến nay 100% các xã trong tỉnh đều được phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM, nguồn vốn được huy động và sử dụng hợp lý... do đó nhiều chương trình, dự án đã được thực hiện đạt hiệu quả; các xã đã chủ động phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết việc làm cho người lao động.
Xuất hiện nhiều tập thể sản xuất kinh doanh với quy mô lớn, các sản phẩm sản xuất có chất lượng như HTX sản xuất, chế biến chè, trồng cây ăn quả... nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới đã mạnh dạn ứng dụng KH-KT vào sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, từng bước thoát nghèo vươn lên làm giầu, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng lên đáng kể từ 650.000 đồng lên 992.000 đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,8% xuống còn 20,48% (tính đến hết 2015).
Đến nay toàn tỉnh đã có 15/96 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc. Phấn đấu đến 2020 có từ 45 xã trở lên đạt chuẩn NTM trên tổng số 96 xã toàn tỉnh.
Có thể khẳng định Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM rất có ý nghĩa đối với tỉnh Lai Châu, vì đã khơi dậy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân, tạo nên những chuyển biến tích cực trên từng địa bàn nông thôn. Không khí thi đua xây dựng NTM lan tỏa rộng khắp; nhân dân các địa phương trong tỉnh tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, đất đai, mặt bằng... để xây dựng và mở rộng các trục đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nhà văn hóa.
Cùng với sự đồng thuận huy động sức dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng thời, các địa phương còn tập trung khuyến khích phát triển sản xuất, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh, tạo giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của người dân.
Nguyễn Quế