Cách Hà Nội chưa đầy 30 km, làng Nghĩa Trai thuộc xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, được mệnh danh là "làng dược liệu" độc nhất vô nhị ở phía Bắc. Nhiều năm qua, Nghĩa Trai trở thành một điểm đến độc đáo, hấp dẫn với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời và hương vị truyền thống.
Tỷ phú dược liệu
Ở Nghĩa Trai hiện cứ 10 hộ thì có 9 hộ trồng dược liệu, hộ trồng ít thì một vài sào, hộ trồng nhiều thì lên tới nhiều ha, đi đâu cũng có thể bắt gặp những cánh đồng cây thuốc bạt ngàn. Chân ruộng tốt thì trồng cây đắt tiền như cúc hoa, bạch chỉ, ngưu tất, địa liền. Chân ruộng ít màu mỡ hơn thì trồng hoài sơn, nga truật, tía tô, kinh giới...
Cây dược liệu đang là cây kinh tế chủ lực, mang lại sự giàu có cho nhiều người dân ở Nghĩa Trai. |
Trong số hàng trăm hộ làm giàu, thu bạc tỷ từ cây dược liệu ở Nghĩa Trai, không thể không kể đến chị Đỗ Thị Hoa, Giám đốc HTX Hoa Thiên Phú. Hơn nửa thập kỷ gắn bó, chị Hoa gần như đã dành cả cuộc đời cho những cánh đồng dược liệu.
Nhớ về quãng thời gian đầu lập nghiệp, chị Hoa chia sẻ ngay từ nhỏ, cũng giống hầu hết những đứa trẻ ở Nghĩa Trai, chị đã được tiếp xúc với cây dược liệu. Chính vì tình yêu từ thuở thơ ấu, lớn lên chị quyết tâm theo đuổi và lập nghiệp với cây trồng truyền thống của địa phương.
Dù gặp không ít khó khăn, nhưng với lòng kiên định, sự đồng hành của gia đình, chị Hoa đã thành lập được cơ sở chế biến và vùng trồng dược liệu của riêng mình. Từ một cơ sở nhỏ, sau nhiều lần thất bại rồi đứng lên, đến nay chị đã sở hữu một cơ ngơi đáng tự hào.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Hoa chủ động thành lập HTX Hoa Thiên Phú, thu hút hàng chục thành viên, nông dân liên kết tham gia, cùng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hiện, HTX đang tổ chức liên kết hơn 20 ha trồng hoa cúc chi, sản lượng bao tiêu hàng năm đạt 100-200 nghìn tấn dược liệu, doanh thu đạt trên 4,5 tỷ đồng/năm. HTX cũng đang tạo việc làm cho 15-20 lao động, mức lương bình quân 16-18 triệu đồng/tháng. Vào lúc cao điểm, cơ sở sản xuất của HTX có hàng trăm lao động thời vụ.
“Bài thuốc chữa nghèo"
Chị Hoa cùng với các thành viên HTX Hoa Thiên Phú chỉ là một trong những điển hình thành công, làm giàu từ cây dược liệu ở vùng đất Nghĩa Trai.
Ngoài trồng dược liệu, dân làng Nghĩa Trai có tiếng với những bài thuốc dân gian. Cây dược liệu quý nhất ở làng Nghĩa Trai đó là hoa cúc chi. Vào cuối mùa Đông, những cánh đồng cúc vàng rộ từng dải. Hoa cúc là vị trong các bài thuốc. Có vị đắng, hơi ngọt có thể sử dụng chữa các bệnh về mắt, huyết áp.
Mỗi mùa hoa nở, nụ cười của những người dân dường như tươi tắn hơn. Hoa cúc tô sắc cho cuộc sống của họ, chữa bệnh cho mọi người. Những cánh đồng cúc khiến người người xao xuyến.
Thành công từ cây dược liệu ở Nghĩa Trai đã truyền cảm hứng cho nhiều vùng đất khác ở Hưng Yên. |
Với hơn 7 sào cúc chi, gia đình ông Đỗ Văn Huấn năm nào cũng “bỏ túi” được trên dưới 100 triệu đồng. Bí quyết trồng cúc hoa đạt hiệu quả cao của gia đình ông Huấn là chọn chân ruộng, đất cát pha hoặc thịt nhẹ giàu mùn, tưới tiêu chủ động; xới xáo mặt luống thường xuyên, phủ đất đè khóm, đè cành kịp thời... Cây cúc sẽ phát sinh nhiều mầm nhánh mới, sinh nhiều hoa. Đồng thời phải khẩn trương thu hái hoa khi các cánh ngoài cùng trên bông cúc vừa chớm mở.
“Trồng cúc dược liệu chủ yếu tốn công chăm sóc và thu hoạch, còn đầu tư giống vốn và phân bón không đáng kể. Để sản xuất cúc hoa đạt hiệu quả cao, các gia đình thường phải thuê mượn thêm một số công lao động thời vụ, tùy theo diện tích trồng”, ông Huấn chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Chính, thôn Nghĩa Trai, cho biết gia đình ông có 7 sào ruộng chuyên canh cây dược liệu 2 vụ/năm. Đầu năm, ông thường trồng 3 sào cây kinh giới, tía tô đều là những loại cây trồng ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch. Các bộ phận của cây như thân, lá, hoa đều có thể phơi khô, xuất bán, trung bình 1 sào trồng cây kinh giới cho thu từ 1,3 - 1,5 tạ khô, hoặc từ 2,5 - 3 tạ khô đối với tía tô. Giá bán kinh giới, tía tô khô khá cao, khoảng 30.000 đồng/kg.
Từ tháng 7 âm lịch, ông Chính triển khai trồng toàn bộ 7 sào cây cúc chi đến tháng 11 sẽ cho thu hoạch. Trung bình 1 sào có thể cho thu 80 kg cúc chi thành phẩm bán với giá từ 400.000 - 800.000 đồng/kg. “Từ 7 sào trồng cây dược liệu, mỗi năm gia đình tôi cho thu khoảng 200 triệu đồng”, ông Chính cho hay.
Nhân rộng mô hình, nâng cao hiệu quả
Thành công ở Nghĩa Trai trở thành động lực cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát triển mô hình trồng dược liệu. Theo số liệu của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha cây dược liệu, được trồng nhiều nhất ở các huyện Khoái Châu, Văn Lâm, Kim Động...
Ông Nguyễn Duy Quý ở thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê là một trong những người đầu tiên ở TP Hưng Yên trồng loại cây dược liệu cà gai leo. Từ 6 sào cà gai leo ban đầu, cuối năm 2017, ông đã thành lập HTX Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Minh Châu chuyên sản xuất, chế biến cây dược liệu.
Cà gai leo là loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch lứa đầu chỉ mất khoảng 6 tháng. Các lứa tiếp theo thu hoạch cách nhau khoảng 4 tháng. Cây cà gai leo cũng rất dễ thu hoạch, khi đến kỳ, người trồng chỉ cần dùng máy cắt sát gốc, đem cả thân, cành, lá vào máy xén nhỏ và phơi khô là tiêu thụ được. Các gốc cà gai leo vừa được cắt chỉ cần chăm bón, tưới nước thì cây sẽ mọc lên rất nhanh. Mỗi cây cà gai leo cho thu hoạch trong vòng 4 - 5 năm, sau đó mới phải phá bỏ gốc để trồng mới lại.
Trung bình, 1 sào cà gai leo có thể cho thu hoạch 3,4 - 3,6 tạ khô/năm. Nếu xuất thô cho công ty dược liệu sẽ có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, HTX còn sản xuất trà túi lọc, cao cà gai leo, sắp tới sẽ nghiên cứu sản xuất trà thực phẩm chức năng cà gai leo dạng viên nang... Mô hình này mỗi năm mang lại thu nhập khoảng 1 tỷ đồng cho HTX, trừ mọi chi phí cho thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng.
Ngoài trồng chế biến cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, dược liệu của làng Nghĩa Trai nói riêng và các vùng trồng ở Hưng Yên nói chung còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia trong khu vực. Từ đó mang lại nguồn thu nhập cao không chỉ cho gia đình trực tiếp sản xuất, mà còn tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương.
Lệ Chi