Chỉ sau 10 năm được đưa vào trồng đại trà, cây dược liệu đang cho thấy sự thích nghi tuyệt vời với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn huyện Kon Plông, trở thành cây trồng có năng suất, chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Hiệu quả của cây dược liệu
Ông A Diêu đang là một trong những người trồng dược liệu thành công nhất ở Kon Plông thời gian qua. Nhờ có hai giống cây dược liệu chủ lực là sắn dây và đương quy, từ một hộ còn nhiều khó khăn, kinh tế gia đình ông Diêu liên tục được nâng lên, có của ăn của để.
Theo ông A Diêu, trồng dược liệu không quá khó, thậm chí nhàn hơn so với canh tác các loại cây lương thực truyền thống khác. Tuy nhiên, người trồng dược liệu cần nắm vững kỹ thuật, áp dụng thuần thục quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Cây dược liệu đang cho thấy tiềm năng lớn, có thể trở thành cây xóa nghèo, làm giàu cho nông dân ở Kon Tum. |
“Nếu tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo cây phát triển ổn định, thì 1 ha sâm dây, trung bình mỗi năm cho sản lượng khoảng 3 tấn, đem về nguồn thu khoảng 900 triệu đồng; còn 1 ha đương quy, sản lượng trung bình khoảng 14 tấn/năm, thu về 350 triệu đồng”, ông A Diêu chia sẻ.
Cũng giống như ông A Diêu, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Kon Plông đang “ăn nên làm ra” từ mô hình trồng dược liệu. Đến nay, toàn huyện có gần 1.200 ha dược liệu, với các cây trồng chủ lực như sâm dây, sa nhân, nghệ, đương quy, sả Java, lan kim tuyến... Ngoài ra, huyện đang đang khoanh vùng, bảo tồn, khai thác và phát triển các loại cây quý như ngũ vị tử, sơn tra, chè dây, chuối rừng,...
Đáng chú ý, bên cạnh xuất thô, trong những năm gần đây, người trồng dược liệu ở Kon Plông ngày càng chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để tăng hàm lượng chế biến, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập.
Không chỉ có cây dược liệu, về Kon Plông hiện tại có thể dễ dàng tìm thấy những trang trại trồng trọt quy mô lớn. Điển hình như HTX Rau hoa và Du lịch Măng Đen, nhờ sản xuất khoa học, HTX đang xây dựng thành công hơn 10.000m2 nhà màng với trên 30 loại rau, mỗi loại rau có thời gian sinh trưởng khác nhau, từ đó đáp ứng nhu cầu thị trường, giải được "bài toán được mùa mất giá".
Hiện đại hóa sản xuất để nâng cao chất lượng
Cần phải nói thêm, HTX Rau hoa và Du lịch Măng Đen là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả cao trên địa bàn huyện Kon Plông những năm qua. Năm 2018, HTX bắt đầu hiện đại hóa sản xuất, ghi nhật ký đồng ruộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ mới, nên dù sản xuất trên quy mô lớn, nhưng HTX chỉ cần khoảng 10 lao động để vận hành. Trong số hơn 200 đầu công việc, mỗi người thực hiện công việc rõ ràng, không lộn xộn, "dẫm chân" nhau và đều hoàn thành một cách dễ dàng.
Bà Trần Ngọc Diệp, Giám đốc HTX Rau hoa và Du lịch Măng Đen cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX tạo ra những sản phẩm có chất lượng vượt trội hơn, từ đó giá bán ra thị trường cũng cao hơn 20% so với các sản phẩm thông thường khác. Các sản phẩm rau của HTX luôn có đầy đủ và minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc gieo trồng, tạo sự an tâm cho người dùng và các hệ thống siêu thị lớn ở TP HCM.
“Chỉ trong 3 năm qua, sản lượng của HTX đã tăng 4 lần, doanh thu gấp 10 lần so với giai đoạn trước đó. Đời sống kinh tế của thành viên, người lao động HTX được nâng lên đáng kể, với thu nhập bình quân 7-25 triệu đồng/tháng”, đại diện HTX hồ hởi chia sẻ.
Bất chấp những biến động về giá, cây cà phê vẫn là cây kinh tế quan trọng ở Kon Tum. |
Nếu Kon Plông đang thành công với các mô hình trồng dược liệu, rau củ quả, thì nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đắk Hà lại đang thành công với cây cà phê trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn sinh thái.
HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Kô đang là một trong số những HTX trên địa bàn huyện Đắk Hà tích cực ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, quản lý, từ đó gia tăng giá trị, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm, tạo thu nhập cao cho thành viên, nông dân liên kết.
Bà Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch HĐQT HTX Công bằng Pô Kô cho biết, hiện HTX có hơn 100 thành viên với diện tích cà phê trên 175ha. Với quy trình sản xuất khoa học, chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX được xuất khẩu sang các nước như Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Đức, Bỉ…
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang trở thành đòn bẩy phát triển sản xuất, “bệ đỡ” làm giàu cho hàng trăm thành viên và người lao động. Đến nay, 100% thành viên HTX đã thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập 100-250 triệu đồng/năm, số lượng gia đình khá giả ngày càng tăng.
Đẩy mạnh hỗ trợ, nâng cao hiệu quả
Có thể thấy, sự ra đời của hàng loạt HTX hoạt động hiệu quả, cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo chuỗi giá trị đang giúp nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum thoát nghèo, làm giàu, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Sau những thành công ban đầu, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đang định hướng phát triển các mô hình theo hướng hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, diện tích các loại cây trồng sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh là trên 16.000 ha. Các sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (cà phê, các loại rau, cây ăn quả ...) đạt năng suất và chất lượng cao, dần tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh theo xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao VietGAP, hữu cơ, Global GAP, UTZ, Fairtrade Certificate... hiện đạt gần 800ha.
Một điểm nhấn sau thời gian chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp là tư duy canh tác của nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nhiệp, ứng dụng các công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, giảm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, từng bước điều chỉnh sản phẩm nông nghiệp theo nhu cầu thị trường, sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng...
Thời gian tới, tỉnh dự kiến tiếp tục đẩy mạnh thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng những loại cây cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Trong đó, chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả; đất trồng sắn bạc màu, năng suất thấp, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá; diện tích cao su và cà phê hết chu kỳ kinh doanh… sang trồng các loại cây trồng có giá trị như cây hàng năm, cây ăn quả, dược liệu, mắc ca, sầu riêng…
Mỹ Chí