Sau 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, đến hết năm 2017, cả nước có 11.668 HTX nông nghiệp với hơn 4,1 triệu thành viên. Vốn bình quân các HTX cả nước là 1,215 tỷ đồng/HTX. Doanh thu bình quân cả nước của HTX nông nghiệp khoảng 980 triệu đồng/HTX/năm; nhiều HTX có thu nhập bình quân của thành viên đạt trên 10 triệu đồng/ người/tháng.
Trong số các HTX nói trên, hiện có 193 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có 155 HTX trồng trọt, lâm nghiệp, 18 HTX chăn nuôi, 20 HTX thủy sản.
Công nghệ cao, năng suất cao
Các lĩnh vực sản xuất của HTX ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất giống cây trồng, rau, trái cây, hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.
Loại hình công nghệ cao ứng dụng trong các HTX chủ yếu là áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản (chiếm 81,87%), còn lại là các loại hình áp dụng công nghệ tự động_hóa, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư trong nông nghiệp. Đa số các tỉnh đều đã xuất hiện các mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả.
Nhìn chung, các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đều mang lại hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. Ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân, các HTX chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, tiết kiệm các chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Theo báo cáo sơ bộ của 54 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh thu bình quân của 1 HTX khoảng 10,33 tỷ đồng/ năm. HTX có doanh thu hàng năm cao nhất là HTX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh) khoảng 123 tỷ đồng.
Một số mô hình điển hình khác như: Mô hình nuôi cá nước ngọt của HTX Nuôi trồng thủy sản Hòa Phong (tỉnh Hưng Yên) ứng dụng công nghệ nuôi thâm canh đã cho sản lượng tăng gấp 3 lần so với nuôi thông thường, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt tới 50%.
Ts. Trần Thanh Nam
HTX Hoa lan Huyền Thoại (Tp. Hồ Chí Minh) áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ tự động hóa đã kiểm soát được thời điểm thu hoạch hoa lan xuất khẩu thu lãi 1,3 tỷ đồng/năm.
Thực tế, nhiều HTX trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới ở Tp.Hồ Chí Minh đã cho doanh thu đạt 120 – 150 triệu đồng/ha, gấp 2 – 3 lần canh tác theo lối truyền thống.
Năm 2016, doanh thu của các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Tĩnh đạt từ 2 đến 5 tỷ đồng, cao hơn so với mức doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp cả nước.
Không chỉ các HTX, hiện nay, nhiều hộ nông dân cũng đã chủ động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ. Điển hình như mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông bà Cuối Quý (huyện Đan Phượng, Hà Nội) với quy mô 3 ha, trong đó có diện tích trồng mang lại doanh thu 240 triệu đồng/sào/năm.
Các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện số lượng chưa nhiều so với tổng số HTX nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, hiệu quả từ sự chuyển đổi sản xuất sang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp mà những HTX này đạt được trong thời gian qua cho thấy chủ trương của Chính phủ và Bộ NN&PTNT trong đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã tác động dần chuyển hướng tích cực trong phát triển kinh tế tập thể và các HTX.
Cùng với đó, các HTX cũng đã chuyển biến về nhận thức, chủ động nghiên cứu, đầu tư ứng dụng tiến bộ công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế nông thôn.
Ngoài ra, trước xu hướng yêu cầu, đòi hỏi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, các HTX cũng đã dần chuyển biến để thích ứng, đảm bảo duy trì mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp.
Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ giao, hiện nay Bộ NN&PTNT đang triển khai xây dựng đề án với mục tiêu đến năm 2020 phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.
Những mục tiêu này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Thực tế hiện nay, để các HTX nông nghiệp thích ứng với điều kiện sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải tập trung nâng cao năng lực quản trị của các HTX, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất bền vững và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là khâu đột phá để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp.
Công nghệ cao trong nông nghiệp không nhất thiết phải là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, đắt tiền nhất, mà là công nghệ phù hợp điều kiện thực tiễn sản xuất, chế biến, tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Quyết tâm cao, biện pháp mạnh
Để đạt được các yêu cầu trên, theo chúng tôi, trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau.
Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp, nhất là các chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao nhận thức cho các HTX và các thành viên về sự cần thiết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trước yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sự cạnh tranh trên thị trường.
Cần lưu ý rằng công nghệ cao trong nông nghiệp không nhất thiết phải là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, đắt tiền nhất, mà là công nghệ phù hợp điều kiện thực tiễn sản xuất, chế biến, tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các cơ quan, đơn vị trong ngành nông nghiệp cần tăng cường phối hợp, tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tư vấn và hỗ trợ thông tin công nghệ, thị trường và tổ chức sản xuất cho các HTX.
Hình thành các đơn vị tư vấn hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với vai trò nòng cốt là hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến địa phương, tập trung hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các HTX và nông dân.
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ứng dụng công nghệ trong nhân giống chất lượng cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp và môi trường; công nghệ chế biến sâu và công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
Xây dựng và thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ 4.0 trong các HTX nông nghiệp công nghệ cao giúp các HTX nâng cao năng lực quản trị, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nắm bắt thông tin, kết nối thị trường.
Đối với các địa phương, trên cơ sở xác định các nông sản chủ lực của địa phương, cần quan tâm chỉ đạo hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, phát triển các HTX nông nghiệp công nghệ cao của địa phương.
Đặc biệt, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ và Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Quan tâm công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX theo Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản trị HTX. Thực hiện chính sách nhà nước hỗ trợ cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học về công tác tại các HTX có yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất và dịch vụ kinh doanh; xây dựng và thực hiện chương trình xã hội hóa đào tạo nâng cao năng lực cán bộ HTX ở nước ngoài để tạo điều kiện cho cán bộ HTX tiếp cận với công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản trị ở các nước phát triển.
Ngành Nông nghiệp xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp trọng tâm trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, việc khuyến khích hỗ trợ các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu cho các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Ts. Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT