Năm 2018, anh Triệu Kim Đồng gây bất ngờ với không ít người dân xã Đồn Đạc vì quyết định viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Với quyết tâm thoát nghèo, làm giàu, sau thời gian tìm hiểu, anh Đồng bắt tay chuyển đổi toàn bộ diện tích cây trồng cũ sang trồng trà hoa vàng.
Làm giàu từ trà hoa vàng
Kể về quyết định viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, anh Đồng chia sẻ, thời điểm bấy giờ, nhiều người nói anh làm chuyện “ngược đời”, nhưng với anh, đó giống như một “liều thuốc kích thích” giúp giúp anh có nhiều động lực hơn để thay đổi.
“Nếu cứ ở mãi trong vỏ kén, bám víu vào các khoản tiền hỗ trợ, không dám làm những điều mới thì mình sẽ mãi luẩn quẩn trong cái nghèo. Việc viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo không phải là hành động bộc phát, mà tôi đã chuẩn bị rất lâu, với những tính toán kỹ lưỡng sau đó”, anh Đồng bộc bạch.
Trà hoa vàng được mệnh danh là "cây đổi đời" của nhiều nông dân huyện Ba Chẽ. |
Ngay sau quyết định được cho là “ngược đời”, anh Đồng bắt tay ngay vào công việc chuyển đổi sản xuất trên khu vườn của gia đình. Với những kiến thức đã chuẩn bị, anh Đồng tiến hành cải tạo lại đất vườn rồi chuyển toàn bộ diện tích sang trồng trà hoa vàng.
Cùng với sự hỗ trợ tích cực từ cán bộ nông nghiệp địa phương, đặc biệt là sự đồng hành của HTX dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ, anh Đồng ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ, nói không với các hóa chất độc hại, từ đó giúp cây trà hoa vàng bén rễ, phát triển rất nhanh, vừa cho năng suất cao, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Kể từ ngày cây trà hoa vàng trong vườn bắt đầu cho thu hoạch, anh Đồng chưa bao giờ lo chuyện đầu ra cho sản phẩm. Nhờ chất lượng vượt trội, 3 năm qua, 100% sản phẩm sau thu hoạch của gia đình anh được HTX dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ bao tiêu.
“Với hơn 250 gốc trà hoa vàng đang vào độ sung mãn, bình quân mỗi năm, tôi thu về trên dưới 200 triệu đồng. Hiện, tôi đang tiến hành chiết cành nhân giống, dự kiến sẽ mở rộng vùng trồng lên khoảng 400 gốc”, anh Đồng phấn khởi nói.
Anh Đồng chỉ là một trong số rất nhiều hộ trồng trà hoa vàng trên địa bàn huyện Ba Chẽ đang ngày một “ăn nên làm ra”. Toàn huyện hiện có trên 230 ha trồng trà hoa vàng, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Đồn Đạc, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn và Lương Mông.
Phát huy thế mạnh kinh tế rừng
Bên cạnh trà hoa vàng, những năm gần đây, huyện Ba Chẽ đang tập trung phát triển mô hình kinh tế lâm nghiệp - dược liệu. Huyện đã hoàn thành cơ bản công tác giao đất, giao rừng bổ sung, tích cực triển khai việc đa dạng hoá cây trồng lâm nghiệp, dược liệu, tăng thêm diện tích sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.
Đến nay, diện tích trồng dược liệu trên địa bàn huyện đã đạt khoảng 300ha, với gần 400 loại dược liệu tự nhiên dưới tán rừng theo hướng kết hợp hài hòa với tập tục canh tác, sản xuất của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế tại các địa phương.
Ba Chẽ dự kiến tiếp tục đẩy mạnh kinh tế dưới tán rừng để xóa nghèo, làm giàu cho người dân. |
Anh Trần Văn Ninh, người dân tộc Nùng ở xã Thanh Lâm đang là một trong những điển hình thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn, thu nhập bình quân 250-300 triệu đồng/năm.
“Nhờ sự đổi mới trong cách nghĩ cách làm, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, rừng keo lá tràm của gia đình tôi đã kéo dài chu kỳ thu hoạch sau gần 5 năm, mỗi ha thu hoạch được gần 200 triệu đồng, đó là chưa kể đến thu hoạch các cây dược liệu”, anh Ninh tâm sự.
Một điều đáng chú ý là quá trình phát triển kinh tế rừng ở Ba Chẽ có sự hiện diện quan trọng của các HTX, tổ hợp tác. Điển hình như tại Đồn Đạc - một xã có thế mạnh lâm nghiệp trên địa bàn huyện, những năm qua, cây măng mai đang cho hiệu quả kinh tế cao.
Dựa trên tiềm năng của địa phương, HTX Kinh doanh lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ (xã Đồn Đạc) thực hiện thu mua măng tươi của người dân về chế biến. HTX cũng được kết nối tham gia các hội chợ, các buổi xúc tiến thương mại nên đầu ra khá thuận lợi. Từ đó, sản phẩm măng mai của địa phương có điều kiện vươn xa hơn ở nhiều thị trường trong nước và người trồng măng yên tâm hơn với sản phẩm của mình làm ra.
Theo đánh giá, không chỉ có ưu thế về diện tích đất rừng và rừng che phủ, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Ba Chẽ phù hợp cho phát triển rừng, đặc biệt là cây gỗ lớn, cây bản địa và các loại cây dược liệu. Đây là điều kiện thuận lợi giúp phát triển kinh tế lâm nghiệp với việc xây dựng vùng nguyên liệu gỗ tập trung, chế biến lâm sản cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết
Có thể nói, việc hình thành mô hình liên kết sản xuất, nhất là sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp đang là động lực chính để đưa thương hiệu trà hoa vàng nói riêng và các sản phẩm nông lâm nghiệp nói chung của huyện Ba Chẽ ngày càng vươn xa, mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho người dân.
Theo ông Nguyễn Thành Trọng, Giám đốc HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ, việc liên kết sản xuất mang lại đồng thời nhiều lợi ích cho cả người trồng, HTX và doanh nghiệp.
“Trong chuỗi liên kết, nông dân có đầu ra thu mua ổn định, nâng cao tay nghề sản xuất đảm bảo chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Nguồn hàng được mở rộng, đảm bảo dồi dào, đã giúp HTX có điều kiện ứng dụng những dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế…”, ông Trọng cho hay.
Với những thành công đang có, thời gian tới, trên nền tảng chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn kết hợp với phát triển trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, huyện Ba Chẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để khơi dậy ý chí vươn lên và tư duy sáng tạo của người dân.
Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của các HTX trong liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm thế mạnh, chủ động hình thành các chuỗi giá trị giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp, qua đó tiếp tục nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân địa phương.
Lệ Chi