Bà Bùi Thị Thanh Hoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hữu cơ và Dịch vụ - Thương mại Toàn Thắng (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê) cho biết, khi chưa thành lập HTX, bà con trồng rau chủ yếu tự cung, tự cấp cải thiện bữa ăn. Trong khi đó, địa phương có lợi thế là khí hậu mát mẻ hơn các vùng khác vì thế rau thường được thu hoạch sớm, rau bán đầu mùa được giá...
Xây dựng nhà màng
Theo đó, tháng 4/2021, HTX được thành lập với vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, 20 ngành nghề sản xuất, kinh doanh, trong đó có ngành nghề trồng cây nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ.
![]() |
Mô hình trồng dưa sạch trong nhà màng với hệ thống điều chỉnh tưới tiêu tự động của HTX Toàn Thắng. |
Lúc mới thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn. Để làm quen với quy trình trồng rau sạch, các thành viên HTX đã tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau sạch từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch… HTX luôn kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, sau khi nhận được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng của huyện Cẩm Khê, HTX đã mạnh dạn xây dựng nhà màng với diện tích 1.500m2 trồng các loại rau, củ, quả sạch theo phương pháp hữu cơ.
Nhà màng được xây dựng lắp ghép bằng khung thép chịu lực, mái che bằng nilon cắt nắng, xung quanh được lắp màng chắn côn trùng, bên trong lắp hệ thống tưới hiện đại với nhiều cấp độ: tưới phun sương để điều tiết nhiệt độ, tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước, hệ thống quạt thông gió, cửa ra vào tự động để ngăn chặn không cho côn trùng xâm nhập vào bên trong nhà màng.
Đáng chú ý, nhiều công đoạn như chăm sóc, theo dõi đã được quản lý, thực hiện qua phần mềm trên điện thoại thông minh, giúp tiết kiệm tối đa chi phí và nhân công.
Theo thời vụ, HTX chủ yếu trồng các loại rau, tới thời điểm cuối năm, HTX chuyển đổi sang trồng hoa và do không bị ảnh hưởng bởi sương gió nên hoa rất bền đẹp.
“Xây dựng nhà màng công nghệ cao và tiến hành trồng các loại rau, củ, quả theo hướng hữu cơ rất hiệu quả so với trồng cây bên ngoài, đặc biệt là không bị ảnh hưởng bởi sương gió nên hiệu quả rất cao”, Giám đốc HTX Toàn Thắng cho biết.
Mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt
Mô hình trồng rau sạch trong nhà màng công nghệ cao của HTX Toàn Thắng trồng các giống rau, quả chủ yếu như: dưa leo, cà chua, các loại rau theo mùa. Trong 6 tháng đầu năm, HTX trồng được 3 vụ rau các loại, trừ chi phí cho thu nhập 80 triệu đồng; 6 tháng cuối năm trồng các loại hoa ly và cây dâu tây cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi hàng hóa, HTX Toàn Thắng đã tuân thủ quy trình từ chọn giống, làm đất, gieo trồng, ươm hạt tới chăm sóc, thu hoạch.
HTX Toàn Thắng còn tận dụng lợi thế của mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở thêm kênh phân phối để giúp tiêu thụ hàng hóa hiệu quả hơn. Theo đó, HTX đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng.
![]() |
HTX Toàn Thắng đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở thêm kênh phân phối, từ đó giúp tiêu thụ hàng hóa hiệu quả hơn. |
Giám đốc Bùi Thị Thanh Hoa cho biết, bán hàng trực tuyến là kênh tiêu thụ lớn, kết nối được đông khách hàng và có nhiều tiềm năng để phát triển, không chỉ giúp cho HTX mà còn nhiều hội viên nông dân ở địa phương mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh.
“Với diện tích liên kết xấp xỉ 10ha, mỗi năm, HTX tiêu thụ ra thị trường khoảng 50 tấn rau các loại. Trước đây, nếu chỉ bán cho thương lái thì giá cả không ổn định và hay bị ép giá thì nay HTX chia sẻ hình ảnh lên các tài khoản mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, chúng tôi kết nối được nhiều khách hàng ở tỉnh ngoài đăng ký mua số lượng lớn”, bà Hoa chia sẻ.
Đến nay, các sản phẩm của HTX Toàn Thắng đang được đưa vào nhiều bếp ăn của các trường mầm non trên địa bàn tỉnh và vươn rộng đến nhiều thị trường các tỉnh lân cận, giúp HTX có doanh thu mỗi năm gần 1 tỷ đồng; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho 12 lao động với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Nhân rộng mô hình
Được biết, trong 5 năm vừa qua, dấu ấn đặc biệt của nông dân huyện Cẩm Khê là từ các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện nhiều hộ nông dân, HTX trong huyện vươn lên phát triển mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong đó, mô hình trồng rau sạch và trồng hoa trong nhà màng công nghệ cao của HTX Nông nghiệp Hữu cơ và Dịch vụ, Thương mại Toàn Thắng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các thành viên HTX.
Ông Trần Tôn Tạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuy Lộc chia sẻ, trên địa bàn xã có rất nhiều mô hình kinh tế tập thể, tuy nhiên, nổi trội hơn là nhà màng của HTX Toàn Thắng. Hiện nay, nhà màng đang canh tác một số loại rau, củ, quả, đặc biệt là trồng các loại hoa để phục vụ cho đợt Tết Nguyên đán.
Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ, giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân. Thành công của mô hình nhà màng này sẽ là động lực để người dân trong trong xã Tuy Lộc học hỏi, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.
Được biết, thời gian qua, Hội Nông dân xã Tuy Lộc đã phối kết hợp với HTX Toàn Thắng vận động bà con nhân dân chuyển đổi từ làm nông nghiệp vô cơ sang sản xuất hữu cơ đã mang lại những kết quả đáng khích lệ cho bà con nông dân nơi đây.
Nhận thức được lợi ích từ mô hình này mang lại, nhiều nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đầu tư phát triển rau màu, cây ăn trái theo hướng sạch để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chẳng hạn, tại huyện Tam Nông, HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên (xã Hương Nộn) đã áp dụng mô hình nhà màng vào sản xuất nông nghiệp với các hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, hệ thống tưới nhỏ giọt… Đây cũng là hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại nhất được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm được tối đa chi phí.
![]() |
Mô hình dưa lưới nhà màng của HTX Mạnh Liên. |
Với diện tích hơn 3ha, mỗi tháng HTX cung cấp cho hệ thống siêu thị, bệnh viện, trường học ở Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang... hơn 10 tấn sản phẩm.
Bên cạnh đó, HTX còn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị ở trong và ngoài tỉnh để bảo đảm đầu ra cho nông sản. Mô hình sản xuất của HTX đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Hay như tại huyện Thanh Ba, HTX rau an toàn Hoàng Cương (xã Hoàng Cương) đã khẳng định vị thế với các dòng sản phẩm rau, củ, quả an toàn, chất lượng vượt trội nhờ sản xuất theo hướng nhà màng hiện đại, với hệ thống tưới tự động, hệ thống điện thắp sáng để trồng các loại rau trái vụ chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Với sản lượng khoảng 400 tấn rau, củ, quả các loại/năm, HTX đạt tổng doanh thu trên 700 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 14 lao động (thu nhập bình quân từ 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng) và 14 lao động thời vụ trong thời gian trồng và thu hoạch rau với tiền công 200 nghìn đồng/người/ngày.
Qua 3 năm thực hiện trồng các loại rau và củ, quả mặc dù lãi chưa cao, nhưng quan trọng hơn đó là HTX đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Bình quân 1 sào đạt 14 triệu đồng, tăng từ 1 - 2 triệu đồng/sào so với trồng các loại cây màu khác.
Giang Nam