Những ngày tháng 7 dương lịch cũng là lúc người dân vùng trồng tre măng Bát Độ tất bật bước vào mùa thu hoạch. Không khí sôi động này rất dễ nhận thấy ở thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh.
Đầu tư bài bản cho "măng sạch"
Trò chuyện với VnBusiness, ông Phạm Ngọc Lâm – Giám đốc HTX măng tre Bát Độ Hưng Khánh cho biết, măng tre Bát Độ là loại măng được ưa chuộng trên thị trường bởi chất lượng ngon, giòn và giàu dinh dưỡng. Loại măng này dễ trồng và có khả năng thích nghi tốt với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau, trở thành lựa chọn lý tưởng để làm kinh tế cho nhiều nông hộ.
“Trước đây, gia đình tôi làm nông kết hợp trồng các loại cây trên đồi, sau một thời gian trồng thử nghiệm giống tre có nguồn gốc từ Trung Quốc này, nhận thấy vừa dễ trồng, ăn ngon, bán được giá, cùng với sự hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương, tôi cùng một số anh em thành lập HTX vào năm 2020 để xây dựng một mô hình kinh doanh bài bản và hiệu quả hơn”, ông Lâm chia sẻ.
Măng được người dân thu hoạch, sơ chế đến đâu, HTX thu mua phân loại và rửa sạch đến đó. |
Nằm sâu tại một vùng núi, việc tiếp cận công nghệ tiên tiến còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, các thành viên HTX luôn gắng sức đồng lòng để tìm ra hướng làm giàu mới, đưa nông sản vùng núi đến gần hơn với người tiêu dùng.
Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã có hơn 150 thành viên và hộ liên kết với diện tích hơn 55ha trồng măng tre Bát Độ.
Theo lời kể của Giám đốc Phạm Ngọc Lâm, măng tre Bát Độ mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ từ tháng 7 đến tháng 10 (dương lịch) nên người dân sẽ không mất nhiều thời gian. Sau khi thu hoạch, bón phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục đến từng gốc để cây phục hồi, tạo măng cho vụ tới.
Một điều đặc biệt là, HTX luôn yêu cầu các thành viên cam kết không sử dụng các loại chất kích thích, hóa chất độc hại trong quá trình canh tác để bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo chất lượng măng sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Ngoài trồng và bao tiêu măng, HTX còn cung cấp các loại phân bón chất lượng, phù hợp với cây trồng cho người dân trên địa bàn.
Nhờ sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng cũng như làm việc “từ tâm”, các sản phẩm: măng khô, măng miếng của HTX đều đã đạt OCOP 3 sao. Trung bình mỗi năm, HTX măng tre Bát Độ Hưng Khánh tiêu thụ hơn 500 tấn măng tươi, doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng, giúp hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá hơn.
Giám đốc Phạm Ngọc Lâm kể, cây tre Bát Độ được đưa vào trồng thử nghiệm trên địa bàn Yên Bái cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, để trở thành cây hàng hóa, trồng tập trung, năng suất cao, quy mô lớn thì mới chỉ từ 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, từ khi mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa người dân và doanh nghiệp được hình thành, cây tre Bát Độ thực sự đã trở thành loại cây trồng “bạc tỷ” cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra
Tại khu thu mua và sơ chế rộng gần 100m2, người dân tấp nập chở măng đến, bà Trần Thị Dịu đang cân bán phấn khởi nói: "Chỉ trong sáng nay, gia đình tôi thu hoạch được 2,8 tạ măng. Với giá mua ổn định từ HTX, mỗi ngày nhà tôi thu được vài triệu đồng. Năm nay ước tính vườn măng đạt khoảng 22 tấn măng, nguồn thu gần 200 triệu đồng. Giá măng cao và ổn định nên người dân chúng tôi rất phấn khởi, có động lực để chăm sóc tốt các diện tích tre Bát Độ cũng như thu hoạch măng đúng kỹ thuật”.
Ông Lâm cho biết, măng được người dân thu hoạch, sơ chế ban đầu đến đâu, HTX thu mua phân loại, rửa sạch đến đó. Người dân nhận tiền ngay sau khi bán măng nên càng tin tưởng, yên tâm mở rộng quy mô trồng măng. Sở dĩ làm được điều này là vì HTX đã xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thu mua.
HTX măng tre Bát độ Hưng Khánh đã liên kết với doanh nghiệp đứng ra trực tiếp thu mua sản phẩm măng cho nông dân, đảm bảo ổn định về giá, kịp thời vụ. |
Hiện tại, HTX măng tre Bát độ Hưng Khánh đã liên kết với doanh nghiệp đứng ra trực tiếp thu mua sản phẩm măng cho nhân dân đảm bảo ổn định về giá, kịp thời vụ. Các hộ dân trồng măng, thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nên doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất đảm bảo bao tiêu được cả vùng nguyên liệu, đồng thời hỗ trợ ngược lại một phần phân bón, giống, tập huấn kỹ thuật sơ chế ban đầu cho nông dân. Chính sự liên kết này đã giúp người dân ổn định sản xuất, HTX có lợi nhuận và doanh nghiệp sản xuất được những sản phẩm chất lượng phục vụ cho xuất khẩu.
Theo đó, HTX chủ yếu thu mua và sơ chế măng tươi. Hằng ngày, măng đem đến sẽ được vận chuyển cho Công ty TNHH Yamazaki để chế biến ra thành phẩm. Toàn bộ măng tươi đã được công ty ký hợp đồng bao tiêu, nên HTX măng tre Bát Độ Hưng Khánh không lo đầu ra.
Đối với măng chưa kịp vận chuyển sẽ được ngâm trong bể chứa, HTX dùng nước sạch đã được khử khuẩn để đảm bảo an toàn và giữ chất lượng khi tới nhà máy.
“Việc triển khai thu mua đến từng thôn bản và sơ chế tại chỗ, cũng như đảm bảo thu mua theo giá thị trường đã giúp người dân từ nhiều năm nay có thu nhập cao, ổn định để yên tâm tập trung cho khâu chăm sóc, thâm canh và mở rộng diện tích trồng tre Bát Độ trong thời gian tới. Thực tiễn cho thấy, lợi ích của hộ nông dân cũng chính là lợi ích của HTX”, Giám đốc Phạm Ngọc Lâm thông tin.
Ông Nguyễn Bá Thái (thành viên HTX) chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi trồng chưa tới 0,3ha, đến vụ thu hoạch không biết bán cho ai, giá cả bấp bênh cộng với vận chuyển đi xa, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, gia đình tôi không mở rộng diện tích trồng mới và cũng không tập trung chăm sóc, thâm canh. Tuy nhiên, từ khi tham gia HTX, việc thu mua măng tươi ổn định hơn nên gia đình đã chuyển đổi phần lớn diện tích trồng cây sắn, trồng keo sang trồng tre Bát Độ như diện tích đang có. Gia đình tôi cũng như các gia đình khác mong muốn mô hình liên kết này được bền vững để yên tâm sản xuất”.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Ngoài chú trọng về chất lượng sản phẩm, HTX còn đầu tư về hình ảnh, thông tin sản phẩm trên bao bì, mã vạch, truy xuất nguồn gốc,… để người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra và tin dùng.
Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, HTX măng tre Bát Độ Hưng Khánh đã khẳng định được vị thế trong lĩnh vực trồng và cung cấp măng tre Bát Độ chất lượng cao. Với quy trình sản xuất tiên tiến và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX đã xây dựng được lòng tin vững chắc từ khách hàng trong và ngoài nước.
Ngoài chú trọng về chất lượng, HTX còn đầu tư về hình ảnh, thông tin sản phẩm trên bao bì, mã vạch, truy xuất nguồn gốc,… |
Hiện nay, măng tre Bát Độ của HTX đã được xuất khẩu sang một số quốc gia châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản,… đem lại nguồn thu đáng kể cho địa phương. Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế đối với các sản phẩm sạch và an toàn đã thúc đẩy HTX tìm kiếm những cơ hội mở rộng hơn nữa.
HTX măng tre Bát Độ Hưng Khánh đang đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để cải tiến chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường quốc tế. Điều này bao gồm việc áp dụng các công nghệ mới trong quy trình trồng và sơ chế bảo quản để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Ngoài ra, HTX cũng lên kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu để măng tre Bát độ Hưng Khánh trở thành một thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Các hoạt động quảng bá thương hiệu thông qua các kênh truyền thông và sự kiện quốc tế sẽ giúp HTX tăng cường nhận diện và mở rộng mạng lưới khách hàng.
Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, HTX đã nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, từ quy trình trồng trọt, thu hoạch đến chế biến và đóng gói. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, HACCP giúp các sản phẩm của HTX có uy tín và dễ dàng thâm nhập vào các thị trường khó tính.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, HTX măng tre Bát Độ Hưng Khánh cũng gặp phải những thách thức, khó khăn về cơ sở vật chất, vốn đầu tư cho sản xuất; năng lực quản lý còn nhiều hạn chế; lao động mang tính thời vụ… Do đó, ngoài sự chủ động để tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường mang thương hiệu của riêng mình, đại diện HTX cho biết, rất cần tới sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện để HTX phát triển, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Lê Hồng