Với hơn 3.900ha chè, trong đó có 2.120ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, thời gian qua, huyện Đồng Hỷ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, phát triển các sản phẩm chè chủ lực, gắn với xây dựng nhãn hiệu tập thể, đặc biệt là vùng chè Sông Cầu, vùng chè Văn Hán...
Động lực từ cây chè
Song song đó, huyện cũng ưu tiên hỗ trợ vốn vay ưu đãi và kết nối thị trường cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chè, nhất là các đơn vị, HTX, doanh nghiệp sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Qua đó, giúp vùng chè Đồng Hỷ trở thành một trong 4 vùng chè nổi tiếng nhất ở Thái Nguyên.
HTX chè Tuyết Hương (xã Hóa Trung) đang là đơn vị điển hình trong sản xuất chè theo chuỗi giá trị ở Đồng Hỷ, với những cải tiến mạnh mẽ trong quy trình sản xuất, đa dạng mẫu mã, bao bì sản phẩm độc đáo như mẫu hộp bằng mây tre đan thân thiện môi trường, hay thơ in trên bao bì để quảng bá.
Chè đang là cây kinh tế chủ lực của nông dân, HTX huyện Đồng Hỷ (Ảnh: BTN). |
HTX được thành lập năm 2012, hiện có 13 hộ thành viên với 15ha chè nguyên liệu được chứng nhận sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 150 tấn.
Việc coi trọng chất lượng sản phẩm, tích cực cải tiến mẫu mã bao bì và chỉ bán ra thị trường những sản phẩm chè sạch, an toàn cho người tiêu dùng đang giúp các sản phẩm chè của HTX Tuyết Hương ngày càng vươn xa. Đến nay, HTX có 5/8 dòng sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương, cho hay nhờ sản xuất an toàn, khoa học, HTX ngày càng phát triển, trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên, đồng thời tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Doanh thu của HTX hàng năm đạt trên 2,5 tỷ đồng.
Tương tự, HTX chè Nguyên Việt (xã Minh Lập) cũng đang là một trong những điểm sáng trong sản xuất chè hiệu quả ở Đồng Hỷ. Hiện, HTX có hơn 30 thành viên, với vùng nguyện liệu chè 50ha, trong đó có 10ha đang triển khai thủ tục cấp mã số vùng trồng, 10ha đang triển khai theo hướng hữu cơ.
Mỗi thành viên HTX có thu nhập từ chè khoảng 90 triệu đồng/năm. HTX cũng có 4 sản phẩm trà đạt 4 sao OCOP, 1 sản phẩm đạt 3 sao OCOP.
Đa dạng sinh kế cho người dân
Không chỉ có cây chè, trong những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi, qua đó xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Văn Lăng là xã vùng cao của huyện với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông, trong đó đồng bào người Mông chiếm 1/3 dân số của xã. Từ khi HTX Bò Mông số 11 được thành lập vào năm 2019, diện mạo ở Văn Lăng đã thay đổi rõ rệt, nhiều gia đình có cuộc sống ấm no hơn.
Trước đây, HTX chủ yếu chăn nuôi bò kết hợp với trồng chè. Kể từ năm 2022, HTX mở rộng thêm một số ngành nghề chăn nuôi như nuôi gà thả đồi, chim cút, lợn rừng và trùn quế.
Hiện, HTX có tổng diện tích trên 5ha, trong đó gồm khu chăn nuôi, khu du lịch trải nghiệm và khu vườn đồi. Bên cạnh đó, HTX cũng mở thêm một khu dịch vụ nhà sàn tại ngay khuôn viên của đơn vị để du khách có thể lựa chọn sản phẩm cũng như phục vụ nhu cầu ăn uống tại chỗ cho khách khi đến đây.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng được huyện Đồng Hỷ chú trọng nhằm tạo sinh kế cho người dân. |
Bà Trần Thị Thái, thành viên HTX Bò Mông số 11 cho hay: "Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi bò và nuôi trâu nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2019, khi HTX bò Mông được thành lập, tôi là một trong số những người đầu tiên tham gia. Công việc hiện nay của tôi là trồng cỏ cung ứng cho HTX và chăm sóc đàn bò. Hiện, gia đình tôi đang có hơn 4 sào cỏ voi bán cho HTX với giá 8.000 đồng/kg".
Theo bà Thái, từ khi tham gia HTX điều kiện kinh tế của gia đình bà được nâng lên rõ rệt, nếu làm đủ ngày công, trung bình mỗi tháng bà có thu nhập 6 triệu đồng.
Cũng đang làm giàu từ chăn nuôi, những năm qua, nhờ ham học hỏi cùng tư duy mới, anh Lê Văn Dương ở xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị đã giàu lên nhờ mô hình trang trại chăn nuôi hữu cơ. Hiện, anh phát triển 3 khu chuồng trại, trong đó có 2 khu chăn nuôi gà thương phẩm và 1 khu chăn nuôi lợn siêu thịt.
“Bình quân mỗi năm, trang trại của tôi đưa ra thị trường 20-25 nghìn con gà, lợn chất lượng cao. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân đạt trên 200 triệu đồng. Trang trại cũng đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 3 lao động thời vụ”, anh Dương hồ hởi chia sẻ.
Liên kết để phát triển bền vững
Có thể thấy, phong trào phát triển sản xuất, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương đang ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ hơn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, trong đó một số mô hình HTX điểm đã ra đời, trở thành điểm tựa cho hàng trăm hộ dân địa phương.
Điển hình như HTX Nông sản Vạn Lộc, xã Cây Thị thành lập năm 2022, hiện đang là điểm tựa làm giàu cho 12 thành viên, chuyên trồng tre lục trúc trên diện tích 6ha. Hiện, 1ha tre lục trúc trồng từ 3 năm trở lên của HTX cho thu hoạch 15-17 tấn măng/năm, giá bán trung bình tại chỗ 25 nghìn đồng/kg, mang lại doanh thu trên 500 triệu đồng/năm.
Những thành công trong phát triển, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại giá trị cao đang góp phần thay đổi diện mạo kinh tế xã hội huyện Đồng Hỷ.
Kết quả, đến nay, huyện Đồng Hỷ đã có 11/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn của huyện từng bước được cải thiện, nhất là các lĩnh vực về giao thông, thủy lợi, nông nghiệp...
Đặc biệt, với 36 sản phẩm được gắn sao OCOP, trong đó có 18 sản phẩm đạt 3 sao, 17 sản phẩm đạt 4 sao và sản phẩm miến dong Việt Cường đạt 5 sao OCOP, huyện Đồng Hỷ trở thành địa phương dẫn đầu của tỉnh Thái Nguyên về sản phẩm nông nghiệp đạt sao OCOP.
Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn người dân, HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng địa phương để đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thông qua việc hỗ trợ giá giống, phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật,... từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững.
Lệ Chi