HTX Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang được đánh giá là một trong những mô hình HTX chuyên sâu về BVMT.
Tạo nguồn nước đạt chuẩn
Với Trạm cấp nước Bình Nhì, hiện HTX cung cấp nước sinh hoạt cho 1.900 hộ dân trong xã. Thời gian qua, để bảo đảm nguồn nước, HTX đã khắc phục những hạn chế thông qua việc vệ sinh hệ thống ống dẫn và xử lý nguồn nước, sau tiến hành lấy mẫu, kiểm tra lại các tiêu chuẩn và đạt yêu cầu.
Theo ông Phan Minh Hùng - Giám đốc HTX, cung cấp nước sinh hoạt nông thôn là một trong những hoạt động của HTX hiện nay. Tham gia HTX, các thành viên cũng được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn.
Tiền Giang là một trong những địa phương đang đẩy mạnh việc xã hội hóa công trình cấp nước nông thôn, trong đó có vai trò của các HTX, mà HTX Bình Nhì là một điển hình.
Hiện tại, ở một số địa phương trong tỉnh đang có mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) và DN đầu tư nước sạch đạt tỷ lệ rất cao. Đơn cử như ở xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) có đến 97,69% cư dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó 65,77% hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia.
Trong tổng số các trạm cấp nước sinh hoạt ở tỉnh hiện nay, thành phần kinh tế hợp tác (KTHT) tham gia nhiều nhất: THT quản lý 319 trạm, HTX quản lý 33 trạm, kế đến là các bệnh viện, trung tâm y tế huyện… với 75 trạm. Các doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia một cách tích cực, với 60 doanh nghiệp quản lý 94 trạm.
Nhiều HTX ở Tiền Giang tham gia cung cấp nước sạch ở nông thôn |
Tránh quản lý lỏng lẻo
Mô hình xã hội hóa nước sạch ở Tiền Giang nhất là HTX, THT cấp nước ở Tiền Giang có nhiều ưu điểm, được đa số người dân đồng tình. Tuy nhiên, điểm yếu của mô hình này là cách quản lý sử dụng còn bất hợp lý, không có tích lũy, khấu hao để tái đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp sửa chữa
Được biết ở tỉnh Tiền Giang hiện có 99% hộ dân đô thị được cấp nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn, còn diện hộ dân nông thôn đã đạt tỷ lệ sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung đạt 93,01%, vượt mục tiêu đề ra là đến năm 2020 có trên 90% số hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung.
Toàn tỉnh hiện có 566 trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn cung cấp cho 369.461 hộ dân, trong đó có 158 trạm có chất lượng nước chưa đạt Quy chuẩn QCVN 02:2009/ BYT của Bộ Y tế. Do vậy, Tiền Giang tiếp tục đầu tư tập trung cho công tác cấp nước sinh hoạt nông thôn, khắc phục tình trạng trên.
Trong năm 2019, tỉnh Tiền Giang đầu tư trên 348 tỷ đồng vốn kiện toàn và nâng cao năng lực mạng lưới cấp nước, phục vụ nhân dân các vùng nông thôn với mục tiêu không để hộ dân phải thiếu nước sinh hoạt, nhất là những địa bàn khó khăn như: Ven biển, cửa sông, ngoài đê bao ngăn mặn...
Có thể thấy, Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết nước sinh hoạt phục vụ nhân dân mà đặc biệt chú ý đến diện hộ dân vùng nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư kinh phí kiện toàn mạng lưới cấp nước, đưa nguồn nước đến từng hộ dân, đáp ứng nhu cầu người dân. Nhờ vậy, đến nay, hệ thống cấp nước đã cơ bản phủ kín trên địa bàn tỉnh.
Với việc đẩy mạnh xã hội hóa cấp nước sạch của tỉnh Tiền Giang, rất cần các HTX chung tay nỗ lực nhiều hơn nữa, cũng như các ngành chức năng cần hỗ trợ HTX trong việc bảo đảm chất lượng nguồn nước cũng như các vấn đề liên quan đến quản trị để các HTX cung cấp nước sạch hoạt động hiệu quả hơn.
Thanh Loan