Tiên Du được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2016, với nhiều dấu ấn nổi bật về hạ tầng, giao thông, thu nhập bình quân đầu người. Đặc biệt, việc “về đích” sớm đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của huyện, tạo đà cho nông nghiệp công nghệ cao bứt lên.
Tạo đột phá từ sản xuất hiện đại
Với nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, Tiên Du có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp và được xác định là ngành sản xuất chính. Sau gần 5 năm tái cơ cấu, nền nông nghiệp huyện có bước khởi sắc đáng kể, theo hướng hiện đại và ngày càng "xanh" hơn.
Huyện Tiên Du đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đóng góp lớn vào chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Để phát triển sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, bền vững, một trong những giải pháp quan trọng mang tính đột phá là việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào các khâu canh tác để giảm giá thành, khơi thông thị trường, tăng hiệu quả kinh tế...
Kết quả, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã hình thành được 26 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nội dung ứng dụng gồm cơ giới hóa, tự động hóa một số công đoạn sản xuất như điều hòa nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tưới tiết kiệm, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái...
Hàng loạt "điểm sáng" xuất hiện như mô hình sản xuất rau an toàn quy mô 20 ha của HTX sản xuất rau củ quả an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn; mô hình sản xuất rau VietGAP thôn Rền, xã Cảnh Hưng quy mô 5,5 ha; mô hình trồng dưa leo trong nhà kính quy mô 2.300 m2 của HTX Liêm Anh, xã Việt Đoàn…
Trong đó, HTX sản xuất rau củ quả an toàn thôn Liên Ấp đang canh tác trên tổng diện tích hơn 20 ha, gắn kết hơn 100 hộ cùng sản xuất các loại rau cải, dưa chuột Nhật, cà chua, hành, tỏi… theo quy trình VietGAP.
Bình quân mỗi năm, HTX Liên Ấp đứng ra tiêu thụ từ 250 - 350 tấn rau, củ, quả các loại với giá cả ổn định cho các thành viên, nông dân liên kết. Theo ghi nhận, hầu hết các thành viên HTX có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm, trong đó khoảng 20 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Những mục tiêu cụ thể
Trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Tiên Du đã đạt được những thành tựu nổi bật. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện hiện đạt hơn 70 triệu đồng/năm.
Diện mạo nông thôn của huyện Tiên Du ngày càng khởi sắc sau 4 năm về đích nông thôn mới. |
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đến nay được nhựa hóa, bê tông hóa 100%, đảm bảo kết nối thông suốt từ trung tâm huyện tới các xã, từ trung tâm xã tới các thôn, xóm.
Hệ thống thủy lợi cũng được hoàn thiện, kết nối đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và dân sinh. Hệ thống điện đảm bảo kỹ thuật của cả hệ thống; 100% số trường học các cấp học đạt chuẩn quốc gia;100% số xã, thôn có cơ sở văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn và 100% xã được đầu tư xây dựng trạm y tế theo quy định ngành.
Với phương châm “Xây dựng nông thôn mới có bắt đầu nhưng không có kết thúc”, huyện phấn đấu đến năm 2025 đạt giá trị trồng trọt 123 triệu đồng/ha, 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (1/3 số này đạt nông thôn mới kiểu mẫu), nâng cấp đô thị của huyện (thị trấn Lim mở rộng) lên đô thị loại IV; 100% trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL.
Trong 5 năm tới, huyện cũng đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi tư duy của nhân dân, nhất là nông dân về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh hỗ trợ, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiện có, ứng dụng tối đa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương.
Huyện cũng sẽ phát huy vai trò của các HTX, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, chủ động đào tạo lao động chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, tạo cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiện đại.
Nhật Minh