Vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng có diện tích gần 20.000 ha, là nơi cung ứng hàng nghìn tấn rau củ quả các loại, trong đó có một số loại khoai lấy củ như khoai môn, khoai từ, khoai mỡ mộng linh… được hàng trăm nông dân chọn trồng, vì có thị trường đầu ra và giá cả ổn định.
Thu nhập tăng nhờ tư duy mới
Ông Lương Ngọc Dành là một trong những người gắn bó với nghề trồng khoai mỡ mộng linh lâu nhất ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng. Vụ khoai vừa qua, gia đình ông triển khai hơn 1 ha, sản lượng đạt trên 31 tấn, giá bán ổn định trên dưới 9 nghìn đồng/kg.
“Vụ này, năng suất không có đột biến, nhưng chất lượng khoai rất cao, thị trường ổn định nên giá bán cao. Nhà tôi thu hoạch dứt điểm trong 1 đợt rồi bán hết 1 lượt luôn, HTX hỗ trợ bao tiêu tận ruộng. Kết vụ, sau khi trừ chi phí, tôi lời trên 180 triệu đồng”, ông Dành hồ hởi nói.
Mô hình trồng khoai đang mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân ở U Minh Thượng (Ảnh: BKG). |
Một điều đặc biệt, theo ông Dành, bước ngoặt đến với những người trồng khoai ở An Minh Bắc kể từ khi HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 được thành lập. Nếu trước đây, thị trường tiêu thụ khoai vô cùng bấp bênh, thì nay có HTX hỗ trợ ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp, nhờ đó giá bán ổn định hơn.
“Vụ khoai 2023-2024, HTX ký kết thêm hợp đồng với đối tác, đặt mua số lượng lớn hơn nên gia đình tôi đang tích cực cải tạo đất, dự kiến mở rộng thêm diện tích canh tác. Nhờ trồng khoai, ở An Minh Bắc giờ gần như không còn hộ nghèo, các hộ khá giả cũng ngày càng tăng”, ông Dành chia sẻ thêm.
Cũng giống như nhà ông Dành, nhà bà Nguyễn Thị Bé, ngụ xã Minh Thuận, cũng đang “đổi đời” với mô hình trồng khoai. Vụ vừa qua, gia đình bà trồng 0,3 ha khoai từ, 0,5 ha khoai mỡ mộng linh, xen canh thêm 0,2 ha gừng.
Ngoại trừ củ gừng chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm khoai từ và khoai mỡ mộng linh được HTX bao tiêu với giá lần lượt là 12 nghìn đồng/kg và 8-9 nghìn đồng/kg. Nhờ năng suất và thị trường ổn định, kết vụ bà Bé thu về lợi nhuận trên 140 triệu đồng (sau khi trừ chi phí).
Dấu ấn từ liên kết sản xuất
Theo đại diện ngành nông nghiệp huyện U Minh Thượng, vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng hiện có khoảng 2.800 ha trồng chuối, hơn 3.200 ha trồng rau màu và các loại cây lấy củ, quả như: khoai từ, khoai nùng, khoai môn, khoai mỡ mộng linh, khóm…
Khoảng 10 năm trở lại đây, với loạt chính sách hỗ trợ, đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đệm, nhất là việc xổ phèn, thoát úng trong mùa mưa, người dân địa phương đã liên tục đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường, từ đó nâng cao đáng kể về thu nhập.
Nhờ tư duy và cách làm mới, nông dân ở U Minh Thượng đang nâng cao thu nhập từ những cây trồng quen thuộc, vốn tưởng “chỉ đủ ăn”, điển hình như cây chuối.
Cây chuối được trồng chủ yếu ở vùng đệm U Minh Thượng, tập trung tại 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc, với diện tích trên 2.400 ha, chiếm trên 90% tổng diện tích chuối toàn tỉnh. Kết hợp giữa chuối và cây ăn quả, các hộ sản xuất thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tư duy sản xuất mới giúp nông dân U Minh Thượng thoát nghèo, làm giàu. |
Chuối xiêm dễ trồng, ít chi phí nên với giá khoảng 5.000 đồng/kg, nông dân đã có lãi. Đáng chú ý, những năm gần đây, các hộ sản xuất đã bước đầu ứng dụng khoa học - kỹ thuật, trồng chuối xiêm theo hướng an toàn, đạt chuẩn VietGAP, định hướng cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Không chỉ đơn thuần trồng chuối bán quả tươi, nông dân U Minh Thượng đã chủ động liên kết, thành lập HTX, bắt tay với doanh nghiệp để nghiên cứu, chế biến các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao hơn, từ đó gia tăng giá trị sản xuất, tạo thu nhập tốt hơn.
Ông Võ Ngọc Giới, ngụ ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc cho hay từ năm 2003, trồng chuối xiêm cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến nay, cây chuối xiêm ngày càng thể hiện ưu điểm kinh tế.
Gia đình ông Giới có 2ha trồng chuối xiêm, hàng tháng bán chuối xiêm nải cho thu nhập 7 - 8 triệu đồng, chưa kể tiền bán bắp chuối. Bắp chuối có giá 4.000-8.000 đồng/kg, hàng tháng gia đình ông bán 300 kg bắp chuối đủ trang trải sinh hoạt gia đình.
Định hướng đi bền vững
Về vùng đệm của huyện U Minh Thượng hiện nay, đặc biệt là ở xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận sẽ thấy sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Theo tâm sự của chị Hà Thị Xuân, ngụ ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận, nhờ hoạt động hiệu quả của các HTX với đầu ra nông sản ổn định, giá cả hợp lý đã giúp nông dân vùng đệm có thu nhập tốt hơn trước.
Có thể nói việc phát triển mạnh HTX ở các xã vùng đệm, với những mô hình thiết thực, đã, đang và sẽ trở thành “bệ phóng” để góp phần giảm nghèo bền vững cho huyện U Minh Thượng.
Lợi thế của người dân vùng đệm là có nhiều đất để sản xuất nên dễ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Trên cùng diện tích đất, nông dân xen canh nhiều loại cây trồng, như trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản hoặc trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, nhất là chuối xiêm, gừng là hai loại cây trồng chủ lực.
Có thể nói, trong thời gian triển khai thực hiện dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng, thành quả thu được rất ấn tượng, nhưng khó khăn, vướng mắc cũng không ít. Để dự án nối tiếp có thể thực hiện thành công, rất cần sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia của người dân vùng đệm.
Với những thành quả đang có, hy vọng, trong tương lai không xa, kinh tế - xã hội vùng đệm U Minh Thượng - vùng đất giàu tiềm năng, có bề dày truyền thống lịch sử anh hùng sẽ cất cánh, phát triển tương xứng với điều kiện sẵn có, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Lệ Chi