Hà Lâm những năm qua được mệnh danh là “thủ phủ” trồng sầu riêng của huyện Đạ Huoai và tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, cách đây 3 năm, xã là một trong những địa phương tiên phong chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại với hơn 300 ha sầu riêng công nghệ cao.
Những vườn cây bạc tỷ
Chính bởi những thành công của cây sầu riêng, nay về Hà Lâm, khách tham quan không khó để gặp được những “đại gia chân đất” với doanh thu tiền tỷ hàng năm. Nhiều người còn gọi Hà Lâm là “xã tỷ phú”.
Điển hình như ở HTX nông nghiệp dụ lịch Hà Lâm, sau 3 năm liên tục thắng lớn nhờ được mùa, trúng giá, hơn 30 hộ thành viên HTX hầu như ai cũng có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm từ cây sầu riêng. Ưu thế của HTX là vừa phát triển canh tác, lại vừa làm du lịch trải nghiệm.
Nông dân Đạ Huoai liên tục thắng lớn từ trồng sầu riêng trong những năm qua. |
Ông Lê Quang Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho hay thời gian qua, để nâng cao giá trị sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, HTX đã tích cực vận động các thành viên sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học.
Hiện, HTX đã có trên 65 ha sầu riêng chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trên 40 ha sản xuất theo hướng bán hữu cơ và một phần không nhỏ diện tích sản xuất chuẩn hữu cơ, chưa kể các vùng trồng khác cũng đều là những vùng trồng giàu tiềm năng xuất khẩu.
“Bản thân gia đình tôi trước đây chủ yếu canh tác cây tràm để bán gỗ, những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả của cây sầu riêng nên tôi quyết định chuyển đổi hơn 3 ha sang trồng trồng loại cây này. Không kể những vùng sản xuất mới, chỉ tính riêng 3 ha ban đầu đã giúp tôi có thu nhập trên dưới 3 tỷ đồng/năm”, ông Sơn hồ hởi nói.
Cũng giống như ở Hà Lâm, cây sầu riêng cũng đang trở thành cây trồng bạc tỷ trên địa bàn xã Phước Lộc, mở đường cho nhiều nông dân trở thành "đại gia miệt vườn". Đánh chú ý, những người nông dân đang hợp tác, xây dựng các mối liên kết chặt chẽ tại các tổ hợp tác, HTX giúp nhau làm giàu.
Điển hình như HTX Phước Trung được thành lập vào năm 2022, với 11 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích hơn 64 ha chuyên canh sầu riêng, sản lượng bình quân đạt trên dưới 1.500 tấn trái/năm.
Liên kết để mạnh hơn
Trong những năm qua, để sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu, HTX Phước Trung luôn định hướng cho nông dân sản xuất sạch, an toàn sinh thái, đồng thời khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ mới như phun thuốc tự động tiết kiệm chi phí, để thảm cỏ trên vườn, tưới tiết kiệm…, từ đó vừa bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, vừa tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng vượt trội.
Ông Nguyễn Văn Tám (xóm Sình Mây), một trong những người đầu tiên trồng sầu riêng ở Phước Lộc, chia sẻ việc các hộ trồng sầu riêng chủ động liên kết, thành lập HTX là để nâng cao nội lực trong sản xuất, tạo thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm.
Các hộ trồng sầu riêng đang chủ động liên kết hình thành chuỗi giá trị, từ đó đảm bảo phát triển bền vững. |
Cách đây hơn 10 năm, Sình Mây từng là vùng đất nghèo, người dân chủ yếu sống dựa vào lâm nghiệp, các loại cây trồng truyền thống. Đến nay, toàn xóm đã phủ xanh màu sầu riêng, từ đó cuộc sống cũng dần thay đổi.
Như gia đình ông Tám hiện có 6,5 ha sầu riêng, trong đó có 4 ha đang cho thu hoạch, đều là diện tích sầu riêng trồng thuần, với các giống đạt chuẩn xuất khẩu. Với giá bán hiện tại, bình quân mỗi năm ông thu về trên 5 tỷ đồng.
“Bên cạnh được chuyển giao kiến thức, khoa học kỹ thuật, cái lợi khi tham gia HTX là tạo liên kết, có mã số vùng trồng. Trong bối cảnh ngày nay, việc đoàn kết, xây dựng mã số vùng trồng hứa hẹn sẽ giúp sản phẩm giàu sức cạnh tranh, có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế hơn”, ông Tám nhìn nhận.
Một điều đáng chú ý là vụ thu hoạch sầu riêng trên địa bàn huyện Đạ Huoai nói riêng, hay toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung kéo dài đến 6 tháng rưỡi trong năm. Việc mùa vụ kéo dài giúp các hộ sản xuất hiếm khi gặp phải tình trạng “được mùa dội chợ”, từ đó đảm bảo giá bán, nâng cao lợi nhuận.
Theo thông tin từ UBND huyện Đạ Huoai, năm 2024, ngành nông nghiệp huyện đặt mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất lên bình quân 200 triệu đồng/ha (với các loại cây trồng chủ lực), trong đó hơn 3.287 ha sầu riêng đạt 500 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Phát triển bền vững
Cũng trong năm 2024, huyện hướng tới chuyển đổi, trồng mới, cải tạo hơn 283 ha sầu riêng và 243,7 ha điều, lần lượt nâng tổng số diện tích 2 cây trồng này lên hơn 6.375,2 ha và 5.652,7 ha. Riêng diện tích cấp mới mã số vùng trồng 1.000 ha, nâng tổng số diện tích được cấp mã số vùng trồng 3.155 ha.
Đặc biệt, bên cạnh xã Hà Lâm, các xã Đạ Oai, Đạ Tồn, Đạ P’loa, Phước Lộc… cũng sẽ được đầu tư, hỗ trợ để xây dựng các vùng sầu riêng chuyên canh, sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn an toàn VietGAP, hữu cơ.
Cây sầu riêng đang thực sự là “cây bạc tỷ” của nhiều nông dân huyện Đạ Huoai nói riêng và toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung, tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo các nhà vườn cần tính toán kỹ lưỡng, thận trọng khi mở rộng diện tích, tránh tình trạng phát triển ồ ạt gây hậu quả về lâu về dài.
Về phía địa phương, ngành nông nghiệp cần khuyến khích người dân tham gia liên kết chuỗi, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, HTX liên kết với nông dân trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ trái sầu riêng, tìm hướng xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường tiềm năng.
Phát triển bền vững cũng đang là định hướng được nhiều địa phương triển khai. Điển hình như ở xã Phước Lộc, địa phương đang tích cực đồng hành cùng nông dân, thành lập các chuỗi giá trị tiêu thụ sầu riêng. Chuỗi liên kết là tiền đề để xây dựng các chuỗi xuất khẩu, đảm bảo đường đi của sầu riêng ổn định từ vườn cho tới người tiêu dùng nội địa và người tiêu dùng nước ngoài.
“Không chỉ xóm Sình Mây, người dân Phước Lộc đang xây dựng nhiều tổ hợp tác, HTX để liên kết sức mạnh tập thể, nhằm mục tiêu mở rộng thương hiệu sầu riêng, đa dạng thị trường, đảm bảo giá trị bền vững”, lãnh đạo UBND xã nhấn mạnh.
Minh Khuê