Sau khi “về đích” nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Nông đang tiếp tục đặt ra mục tiêu“cán đích” NTM nâng cao với quyết tâm mạnh mẽ. Thực tế, đối với nhiều địa phương có sẵn các lợi thế, tiềm lực như Tâm Thắng, việc xây dựng NTM nâng cao là nằm trong tầm tay.
Hướng tới NTM nâng cao
Xuất phát điểm chỉ đạt 3/19 tiêu chí NTM, nhưng đến năm 2016, Tâm Thắng đã “cán đích” NTM giai đoạn 1. Đến năm 2019, xã tiếp tục được công nhận đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí mới. Đến nay, Tâm Thắng là xã đầu tiên, duy nhất của Đắk Nông hai lần được công nhận đạt chuẩn NTM.
Phát huy yếu tố nội lực thực hiện những tiêu chí liên quan đến đời sống người dân như giao thông, thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường. |
Năm 2019, Tâm Thắng được chọn để làm điểm xây dựng xã NTM nâng cao. Lãnh đạo UBND xã cho biết, ngay từ đầu, xã đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện xây dựng NTM nâng cao có hiệu quả. Trong đó, tập trung chủ động cho công tác chuẩn bị, quán triệt toàn thể cán bộ, công chức nắm rõ tinh thần, quyết tâm phấn đấu, tạo sự thống nhất trong tư tưởng để hành động. Xã phân công rõ nhiệm vụ, đề ra giải pháp cho từng tiêu chí và xem đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Trong chỉ đạo, điều hành, xã Tâm Thắng luôn bám sát kế hoạch, tập trung thực hiện các tiêu chí nội lực, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ khó khăn. Xã chọn thời điểm để thực hiện những công trình, phần việc cụ thể và có thời gian kết thúc rõ ràng. Từ đó đã tạo thành nhiều phong trào, thu hút nhiều lực lượng tham gia và dồn sức cho tiêu chí nội lực, nhất là những tiêu chí liên quan đến đời sống người dân như giao thông, thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường.
Toàn xã Tâm Thắng có 4 HTX, 17 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực vận tải, môi trường, thương mại, nông nghiệp, thu mua nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Địa phương có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu bảo đảm bền vững.
Trong xây dựng NTM, xã Tâm Thắng đã phát động được nhiều phong trào, trong đó người dân hiến đất làm đường giao thông là một điển hình. Cụ thể, tỷ lệ đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT đạt 19,88km/19,88km. Tỷ lệ đường trục thôn, bon, đường liên thôn, bon được nhựa hóa và cứng hóa 15,81km/16,65km; tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa được cứng hóa 24,3km/27km; tỷ lệ đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm 3,9km/3,9km...
Hiện, xã Tâm Thắng đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập. Xã cũng đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục đích cao nhất là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
HTX là “đầu tàu”
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất bạc màu, HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (xã Tâm Thắng) đã đạt được thành công, khi giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ cây gấc, trở thành một điển hình trong khu vực kinh tế hợp tác đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng NTM, nhất là với tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất.
Trồng gấc đem lại thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng NTM |
HTX Nam Hà được thành lập từ năm 2009. Sau nhiều lần chuyển đổi từ trồng tiêu, hoa màu, chăn nuôi đều không thành công, HTX đã lựa chọn gấc là cây trồng chủ đạo để phát triển, bởi đây là cây dễ trồng, ít bệnh, có thể trồng ngay trên những vùng đất bạc màu. Gấc cũng chính là cây trồng để HTX tiến hành sản xuất theo chuỗi và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Gấc là cây lâu năm nên chỉ cần trồng một lần có thể cho thu hoạch trong 20 năm, thậm chí là lâu hơn nếu chăm sóc tốt. Khi được chăm sóc, 1ha sẽ đạt năng suất trung bình 18 tấn trong năm thứ nhất, sang năm thứ hai lên đến 36 tấn và tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo...
Trong 10 năm kể từ khi triển khai trồng cây gấc trên vùng đất Tây Nguyên nắng gió, mặc dù có lúc gặp khó khăn, nhưng đến cuối năm 2019, HTX đã triển khai liên kết với gần 200 hộ gia đình thành viên trồng 160ha gấc. Sau khi trừ chi phí, 1ha gấc kinh doanh của thành viên cho thu nhập khoảng 180 triệu đồng, cao hơn thu nhập của các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn như hồ tiêu, cà phê. Hoạt động của HTX đã trở thành “bệ đỡ” kinh tế thật sự cho gần 200 hộ gia đình thành viên, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM.
Là đơn vị được thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2016, HTX Nam Hà đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Đắk Nông) hỗ trợ 195 triệu đồng để đầu tư thêm máy sấy đa năng liên hoàn với tổng kinh phí 515 triệu đồng. Thiết bị này giúp HTX tăng công suất chế biến từ 1.000 tấn lên 3.000 tấn gấc tươi/năm, nâng cao chất lượng, sản phẩm làm ra có độ khô đồng đều, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với sản phẩm đầu ra của HTX là mua gấc tươi nguyên liệu về tách cơm, sấy khô và bán cho các đối tác trong và ngoài nước. Hiện nay, sản phẩm cơm gấc của HTX đang bán cho các đối tác Hàn Quốc và Đài Loan, hạt gấc bán cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Doanh thu năm 2017 từ hoạt động dịch vụ đạt gần 3 tỷ đồng, năm 2018 đạt gần 2 tỷ đồng và năm 2019 có mức doanh thu đột biến hơn 6 tỷ đồng.
Để các thành viên và người dân yên tâm sản xuất, HTX đã đứng ra làm đơn vị thu mua toàn bộ gấc của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, HTX tiến hành hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón vi sinh cho các thành viên và hộ dân; riêng hộ nghèo, HTX hỗ trợ 100% vốn, sau khi làm ăn, có thu nhập mới phải hoàn vốn.
Đức Nguyễn