Ở Việt Nam, từ khi bắt đầu thực hiện "Đổi mới", nền kinh tế được chuyển dần sang cơ chế thị trường và ngày càng hoàn thiện hơn. Mô hình kinh tế HTX kiểu cũ rất khó và không thể tồn tại, trong khi khái niệm về HTX kiểu mới cũng dần được tiếp nhận. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của mô hình HTX kiểu cũ, từ nền kinh tế kế hoạch tập trung và bao cấp còn quá nặng nề. Do vậy, cho đến nay, cách hiểu về HTX kiểu mới vẫn còn chưa thoát ra được hẳn mô hình HTX kiểu cũ trước kia, coi HTX như đơn vị hành chính, HTX là tổ chức tự cung tự cấp, không được tự chủ trong kinh doanh, không được thừa nhận và đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp khác...
Trong các hoạt động kinh doanh nói chung, luôn tồn tại sự hợp tác giữa các chủ thể. Khái niệm hợp tác là một khái niệm chung khi các chủ thể khác nhau mong muốn và tự nguyện cùng chung nhau kinh doanh, đầu tư, chung nhau "làm ăn" theo những phương thức hợp tác nhất định.
Khái niệm "Hợp tác"
Khái niệm "hợp tác" không chỉ có ở HTX mà cũng có ở các loại hình doanh nghiệp khác như: công ty TNHH 2 thành viên, công ty CP; công ty liên doanh… Phương thức "hợp tác" tại các mô hình này là phương thức hợp tác theo hình thức ĐỐI VỐN, quan hệ giữa các thành viên theo mức độ góp vốn. Người góp vốn nhiều có thể áp đảo người góp vốn ít và chi phối hoàn toàn doanh nghiệp (DN). Điều đó là hợp pháp và hợp lệ. Chẳng hạn, 3 cá nhân có thể hợp tác với nhau để lập ra một công ty TNHH và tài sản của công ty là tài sản chung của tập thể 3 thành viên góp vốn. Ví dụ 10 người có thể cùng nhau góp vốn, thành lập công ty CP và tài sản của công ty là tài sản chung của tập thể 10 cổ đông góp vốn. Một công ty liên doanh, đối tác trong nước 51% và đối tác nước ngoài 49%, thì tài sản của công ty là tài sản chung của cả hai bên góp vốn.
Ngược lại, HTX hoạt động như DN, nhưng lại có phương thức hợp tác theo hình thức ĐỐI NHÂN. Các thành viên tuy góp vốn khác nhau, nhưng hoàn toàn bình đẳng và dân chủ với nhau. Không có chuyện "cá lớn ép cá bé". Tất cả mọi thành viên góp vốn ít hay nhiều, đều chỉ có một quyền biểu quyết như nhau. Với phương thức hợp tác như vậy, số đông các thành viên HTX dù góp vốn ít, thậm chí rất ít, nhưng vẫn có quyền và có thể định hướng cho hoạt động của HTX của mình.
Việc lựa chọn hình thức kinh doanh, chiến lược kinh doanh của HTX, lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, lựa chọn phân khúc thị trường… là quyền của HTX, cũng giống như các loại hình DN khác. Tuy nhiên, quyền của HTX lại thuộc về số đông xã viên, họ được quyền và được phép quyết định theo hướng có lợi nhất cho họ. Đây chính là điểm thể hiện HTX là DN đặc thù.
Nhiều cách hiểu về HTX
Hiện ở Việt Nam, vẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau về HTX. Cách thứ nhất, coi HTX như là công ty tối đa hóa lợi nhuận. Như thế, HTX khó thể hiện tính xã hội và nhân văn cao như mong muốn. Trong trường hợp này, HTX chịu sự chi phối của những người góp vốn lớn, chứ chưa đem nhiều lợi ích cho số đông thành viên là người góp vốn nhỏ.
Cách thứ hai, coi HTX là tổ chức mang nặng tính từ thiện, lấy việc giúp đỡ người nghèo là chính. Với cách hiểu này, HTX chỉ tồn tại nếu được bao cấp, hay có nguồn "tài trợ" thường xuyên. HTX làm ra thì ít mà tiêu là chính, nên khó tồn tại lâu dài.
Cách thứ ba, coi HTX hoạt động như DN, là DN đặc thù, có các quyền như DN khác, cạnh tranh trên thị trường với các DN khác và mang tính xã hội nhân văn cao, do thu hút cả nhiều người nghèo, người yếu thế. Với cách hiểu này, HTX có thể phát triển bền vững, thật sự tự chủ, về lâu dài không nhất thiết cần sự hỗ trợ nhiều của Nhà nước, đem lợi ích lâu dài cho xã viên và cho xã hội. Đây chính là cách hiểu phổ biến trên thế giới, nhất là ở tất cả các nước có mô hình HTX kiểu mới thành công. Luật HTX 2003 hiện hành định nghĩa HTX theo cách này.
Cách thứ tư, coi HTX khác hẳn với DN; hạn chế các hoạt động cạnh tranh và quyền của HTX trên thị trường. HTX như thế, vẫn phần nào mang màu sắc của tính "từ thiện", bị "hạn chế tham gia thị trường"… như tổ chức tự cung tự cấp. Điều đó, dẫn đến HTX dễ ỷ thế độc quyền, không cạnh tranh được, không phát triển được và tất yếu dẫn đến khó khăn, cần sự bao cấp ngày càng nhiều hơn của Nhà nước. Với cách hiểu này, HTX rất dễ trở lại mô hình HTX kiểu cũ thời bao cấp, thành viên sẽ xa rời HTX và HTX không đem lại lợi ích lâu dài cho xã viên và cho xã hội nói chung.
HTX là loại hình doanh nghiệp đặc thù
Có một số ý kiến cho rằng HTX là DN hoặc hoạt động như DN thì không nhất thiết cần có Luật HTX riêng. Đúng là, nếu Luật DN có chương riêng về HTX, Liên hiệp HTX, có quy định rõ ràng về các đặc trưng riêng của HTX thì về lý thuyết là đủ. Một số nước có HTX phát triển nhưng không nhất thiết có Luật HTX riêng như Anh, Pháp, Áo… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn nên có Luật HTX riêng. Phần nhiều các nước cũng có Luật HTX, cho dù HTX vẫn được hiểu trong luật cũng như trên thực tế là một loại hình DN với những đặc trưng riêng của mình.
Thực tế hiện nay cho thấy Việt Nam vẫn rất nên cần tiếp tục có một Luật HTX riêng mà không hề làm mất tính DN hay hoạt động như DN của nó. Bởi HTX không phải là một DN bình thường. HTX là doanh nghiệp đặc thù. Đặc thù của HTX chính là tính đối nhân, là tính hỗ trợ đem lại lợi ích cao nhất cho thành viên, là tính xã hội, tính cộng đồng rất cao. HTX là một DN chung của các thành viên và tất cả các thành viên đều bình đẳng và bình đẳng vĩnh viễn. Luật HTX quy định những đặc thù, đặc trưng riêng của HTX mà Luật DN hay các luật khác không quy định, hay quy định không đầy đủ. Tính dân chủ và bình đẳng rất cao này của các thành viên được và luôn bảo đảm mà không hề phụ thuộc vào số tiền góp vốn nhiều hay ít của thành viên.
Bên cạnh vai trò hoạt động như DN, bình đẳng như các loại hình DN khác, HTX còn có vai trò, chức năng xã hội rất lớn. Và, điều đó có thể hiện và đảm bảo tốt hơn trong Luật HTX, mà vẫn không làm mất đi bản chất hoạt động như DN của HTX. Các loại hình doanh nghiệp khác như công ty CP, công ty TNHH, DN tư nhân… cũng có thể làm công ích, làm xã hội, làm từ thiện… nếu như người góp vốn chi phối muốn vậy. Họ có thể tự điều tiết, thay đổi định hướng cả DN theo ý muốn cá nhân. Đối với HTX thì không thể được, vì HTX là cả một tập thể những người góp vốn hoàn toàn bình đẳng với nhau.
Vì vậy rất nên tiếp tục có Luật HTX và phải xác định rõ "HTX là DN đặc thù, hoạt động bình đẳng với các loại hình DN khác". Thông qua Điều lệ, Đại hội thành viên, HTX tự quyết định các vấn đề liên quan đến thị trường, khách hàng, tài sản của mình… đem lại lợi ích tốt nhất và bền vững lâu dài cho xã viên, đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
HTX hành chính hay doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ, Bộ KH&ĐT
------------------------------------
"Trước hết, HTX phải được khẳng định là một trong nhiều loại hình DN, một trong nhiều hình thức tổ chức kinh doanh của kinh tế thị trường với những đặc điểm, lợi và bất lợi của nó. Xét về sở hữu thì HTX thuộc sở hữu tư nhân, của những thành viên. Vì vậy, HTX cũng như loại hình DN khác, tồn tại độc lập, tách biệt không chỉ với các pháp nhân khác mà còn tách biệt cả với các cấp chính quyền".
HTX phải được làm những gì Luật DN cho phép?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQTLiên hiệp HTX thương mại Tp.HCM (SaigonCo.op)
------------------------------------
"HTX chỉ làm tốt các hoạt động xã hội, khi làm tốt các hoạt động kinh tế, kinh doanh và muốn làm tốt chức năng xã hội, thì trước hết phải làm ăn có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. Do đó, HTX phải được làm những gì Luật DN cho phép và chính các xã viên trong HTX sẽ quyết định làm gì, đầu tư vào lĩnh vực nào, để đồng vốn sinh lời hiệu quả, như vậy mới thể hiện quyền tự chủ của HTX".
Minh Khuê