Những năm gần đây, huyện Cẩm Mỹ đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả cao và bắt đầu vươn ra thị trường nước ngoài. Tiêu biểu phải kể đến HTX Đông Tây ở xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) đã xuất khẩu sản phẩm bắp ủ chua ra nước ngoài với sản lượng 400 – 500 tấn/tháng.
Giúp tăng cao lợi nhuận cho nông dân
HTX này còn ký kết hợp đồng gia công xay xát cây bắp cho các trang trại, hợp đồng liên kết tiêu thụ và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và các tổ hợp tác, các hộ dân trên địa bàn xã Xuân Tây và Xuân Đông ở huyện Cẩm Mỹ với diện tích trên 270 ha.
Mô hình liên kết trồng bắp với HTX Đông Tây ở xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ). |
Ông Bùi Trung Vinh Phước, Giám đốc HTX Đông Tây, cho biết HTX đã thống nhất tập trung đầu tư chế biến thức ăn chăn nuôi từ cây bắp. Khi đó, HTX đã đầu tư gần 2 tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất, chủ động thỏa thuận với người dân địa phương để ổn định vùng nguyên liệu. Cây bắp tươi được thu mua tại vườn, băm, ủ chua rồi bán cho các trang trại chăn nuôi gia súc trên địa bàn trung bình 80 tấn/ngày và xuất khẩu theo đơn đặt hàng.
“Quá trình hợp tác rất thuận lợi. Nông dân trồng bắp bán cho HTX lợi nhuận gấp 2-3 lần so với trồng lúa, không phải lo đầu ra. HTX nhiều năm được đánh giá loại tốt và thu mua toàn bộ sản lượng cây bắp của nông dân” - ông Phước chia sẻ.
Nhờ hoạt động hiệu của của HTX này đã đóng góp quan trọng vào việc giúp cho hai xã Xuân Đông và Xuân Tây đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Hay như HTX thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Quyết Tiến ở xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) thời gian qua đã chủ động đăng ký thương hiệu hàng hóa, phát huy hiệu quả của thương hiệu trên thị trường, đầu tư tham gia thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh trên địa bàn xã.
Cách đây vài tháng, sản phẩm bưởi da xanh của HTX Quyết Tiến được vinh dự nằm trong danh sách chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Đồng Nai. Đây không chỉ là niềm vui lớn của HTX Quyết Tiến mà còn là niềm vui lớn của những nông hộ ở xã Xuân Mỹ, những người hưởng lợi trực tiếp từ sản phẩm mình làm ra.
Ông Nguyễn Hồng Lâm, là một trong những nông dân xã Xuân Mỹ có hơn 1 ha bưởi da xanh thuộc mô hình chuỗi liên kết bưởi da xanh của HTX Quyết Tiến, cho biết sản phẩm bưởi da xanh của các hộ trồng bưởi như ông đã được công nhận và có thể có thị trường ổn định với giá bán cao hơn, để cuộc sống nông hộ được khá hơn.
Đưa sản vật địa phương có tiếng vang hơn
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc HTX Quyết Tiến, HTX sẽ tiếp tục tìm đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm bưởi da xanh Xuân Mỹ, để người trồng bưởi có thu nhập cao hơn, giúp các nông hộ yên tâm và tâm huyết hơn trong việc thực hiện đảm bảo các quy trình cho ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng để bưởi da xanh Xuân Mỹ có tiếng vang hơn, xứng tầm khu vực và có thể vào được các thị trường lớn.
“Tới đây HTX sẽ có nhiều phương hướng nhằm cố gắng làm sao để cho các thành viên canh tác bưởi da xanh với 100% diện tích theo hướng hữu cơ”, ông Lộc cho biết.
Tham gia HTX trồng sầu riêng giúp đời sống người dân Cẩm Mỹ ngày càng nâng cao. |
Nhờ vào sức bật mới từ HTX Quyết Tiến trong việc đưa bưởi da xanh vươn xa trên thị trường và giúp nâng cao đời sống cho nông dân địa phương đã đóng góp vào việc giúp cho xã Xuân Mỹ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Ngoài hai HTX nêu trên, sức bật của kinh tế hợp tác ở huyện Cẩm Mỹ còn phải kể đến mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cây bưởi đào tại Tổ hợp tác bưởi đào ấp Suối Lức, xã Xuân Đông; mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thanh long tại Tổ hợp tác thanh long Nam Hà, xã Xuân Bảo…
Bên cạnh đó, nhờ sự nỗ lực của các HTX, tổ hợp tác trồng sầu riêng mà hồi năm rồi huyện Cẩm Mỹ đã lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng sầu riêng tại các xã Nhân Nghĩa, Xuân Quế, Xuân Đường, Xuân Bảo với diện tích 180 ha; cấp mã số vùng trồng sầu riêng cho HTX Nông nghiệp xanh, HTX Đại Thái Dương và HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Quế. Nhờ đó giúp cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng của Cẩm Mỹ càng thêm hiệu quả.
Tính đến nay toàn huyện có 32 HTX với trên 600 thành viên, vốn điều lệ đăng ký 100 tỷ 800 triệu đồng. Huyện còn có 134 tổ hợp tác với trên 8.200 thành viên, diện tích đất sản xuất hơn 2.990 ha. Điều mong mỏi của huyện là các HTX cần tham gia mạnh hơn nữa vào chuỗi liên kết, có nhiều hơn các sản phẩm OCOP và có sản phẩm được công nhận thương hiệu số, cũng như giảm thiểu những HTX yếu kém.
Theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ, trên địa bàn hiện có 31 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 4 chuỗi được huyện phê duyệt và 27 chuỗi do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tự thực hiện. Phần lớn các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp. Có thể kể đến chuỗi liên kết bưởi da xanh tại xã Xuân Mỹ, chuỗi liên kết sầu riêng tại xã Xuân Quế, chuỗi liên kết gà sạch tại xã Lâm San…
Tạo sức sống mới cho vùng quê
Tại một số chuỗi liên kết, nông dân hưởng ứng tích cực, bởi họ được bao tiêu đầu ra với mức giá ổn định. Doanh nghiệp, HTX yên tâm vì có nguồn nguyên liệu tại chỗ, sản phẩm đáp ứng yêu cầu. Một số doanh nghiệp, HTX còn hỗ trợ nông dân xây dựng quy trình sản xuất, kỹ thuật chăm sóc, nguyên vật liệu đầu vào.
Huyện Cẩm Mỹ đang quyết tâm đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2023. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Lâm San ở xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), HTX đang có rất nhiều đối tác đặt hàng xuất khẩu với sản lượng lớn. Cho nên điều mong muốn là các chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tế để dự án cánh đồng lớn thực sự phát huy hiệu quả.
Nhờ vào việc chú trọng phát triển kinh tế hợp tác với sức bật mới từ mô hình hiệu quả của các HTX đã giúp cho hoạt động xây dựng nông thôn mới ở huyện Cẩm Mỹ ngày thêm khởi sắc.
Có thể nói, việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã ngày càng tạo sức sống mới, diện mạo mới cho vùng quê Cẩm Mỹ - nơi mà xưa kia bao phủ là những tuyến đường sình lầy, trơn trợt, nắng bụi. Đến nay, đã được thay bằng những con đường bê tông xi măng thẳng tắp, tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân trong đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản, góp phần vào sự phát triển đời sống – kinh tế xã hội ở địa phương.
Tính đến tháng 9/2023, toàn huyện Cẩm Mỹ đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, tổng số xã đạt nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện lên 11/12 xã; 4/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ đó đã đưa Cẩm Mỹ trở thành địa phương đứng thứ 2 của tỉnh Đồng Nai về xây dựng nông thôn mới.
Nhằm quyết tâm xây dựng huyện Cẩm Mỹ đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo quy định, năm 2023, huyện Cẩm Mỹ đăng ký và tập trung xây dựng 12 khu dân cư kiểu mẫu, nhằm góp phần đưa đời sống người dân ngày một phát triển, đồng thời ngày càng tạo mối đoàn kết, gắn bó trong nhân dân cùng chung tay xây dựng, đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Để việc xây dựng huyện nông thôn mới thành công và vươn lên tầm cao, chính quyền huyện Cẩm Mỹ đã giúp cho người dân địa phương hiểu rõ vai trò của mình và hoạt động kinh tế hợp tác đóng vai trò quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, lấy nội lực làm căn bản, tự giác tham gia, sáng tạo trong mô hình hoạt động của các HTX, tổ hợp tác.
Thanh Loan