Cách đây 4 năm, xã Sông Ray đã đạt chuẩn nông thôn mới. Hầu hết các tuyến đường huyện quản lý, đường trục xã, liên xã đều được nhựa hóa. Tỷ lệ nhựa hóa đường ấp, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng đạt trên 60%.
Hiệu quả từ nuôi cá nước ngọt
Xã đã chuyển đổi được nhiều diện tích cây trồng già cỗi, năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: Cao su, điều, cà phê, tiêu... Việc sản xuất theo quy trình VietGAP được chú trọng, nhiều diện tích cho giá trị thu nhập từ 200-400 triệu đồng/năm.
Nghề nuôi cá trong ao đang mở ra hướng đi mới cho hàng trăm hộ dân ở xã Sông Ray (ảnh:TL) |
Thu nhập bình quân đầu người ở xã hiện đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Các trường học tại các xã đều có cơ sở vật chất kiên cố, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu học tập cho con em nhân dân.
Hiện xã Sông Ray đang hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hiện đã đạt 16/19 tiêu chí và 48/53 chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao. Trong thời gian tới, xã đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường.
Từ khi các công trình thủy lợi dẫn nước từ các con suối và hồ chứa trên sông Ray về đồng ruộng đi vào hoạt động ổn định từ 4 năm trước, nghề nuôi cá ao cũng phát triển mạnh.
Đơn cử như gia đình ông Ngô Bá Hoa, từ vài sào đất ruộng cải tạo lại, đến nay đã phát triển được 3,5ha ao nuôi các loại cá: Rô phi, trôi, chép với sản lượng trung bình 60 tấn/năm, lợi nhuận 300 triệu đồng/năm.
Nghề nuôi cá trong ao đang mở ra hướng đi mới cho hàng trăm hộ dân và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã Sông Ray. Nhờ sự quan tâm và định hướng phát triển của chính quyền địa phương, nhiều hộ nuôi cá ở xã đã chuyển từ hình thức nuôi truyền thống sang hướng VietGAP để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Vũ Hồng Quảng, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá VietGAP xã Sông Ray cho biết, đã có 11 thành viên với hơn 10ha ao nuôi được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP.
Theo đánh giá của tổ hợp tác, nuôi theo quy trình VietGAP ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, tiết kiệm được lượng thức ăn và quan trọng hơn là đầu ra ổn định, giá cao hơn.
Trong lĩnh vực trồng trọt, xã Sông Ray vốn dĩ toàn bộ diện tích là đất sỏi đen, trước đây người dân chỉ trồng được các loại cây trồng ngắn ngày như: Lúa, ngô, khoai... tốn nhiều công chăm sóc do phải cải tạo chất đất và hiệu quả kinh tế rất thấp.
Hái ra tiền trên vùng đất sỏi đen
Sau khi tìm hiểu về tính chất đất, cách cải tạo và những loại cây trồng có thể phát triển trên loại đất này, người dân trong xã đã phát triển thành công cây xoài trên vùng đất sỏi đen.
Ông Phạm Văn Toản, tổ trưởng Tổ hợp tác cây xoài xã Sông Ray, cho biết, kể từ khi thành lập tổ hợp tác, nhiều hộ gia đình đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nhất là kỹ thuật cải tạo đất để biến từ đất sỏi đen thành loại đất có nhiều chất dinh dưỡng, phù hợp cho cây xoài phát triển.
Mỗi khi đến vụ cây xoài chuẩn bị cho trái, tổ hợp tác sẽ tổ chức họp một tháng một lần để thông báo kỹ thuật, phân bón, chăm sóc và cách phòng trừ sâu bệnh cho bà con, hướng dẫn bà con chú ý đến phát triển sản phẩm sạch.
Hoặc như nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã đang cho thấy những hiệu quả nhất định. Đất nông nghiệp ở Sông Ray chủ yếu trồng lúa, năng suất thấp. Các phụ nữ trong xã tự nguyện xin thành lập tổ hợp tác, chuyển đổi gần 20 ha sang trồng dâu, nuôi tằm.
Tổ phụ nữ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm xã Sông Ray mang lại lợi nhuận tốt cho các thành viên (ảnh:TL) |
Từ ngày chuyển sang mô hình tổ hợp tác, gia đình chị Hoàng Thị Minh, thành viên Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm xã Sông Ray sung túc hơn.
“Vì thu nhập cao hơn nên tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình. Tôi rất phấn khởi và hào hứng với việc mình đang làm”, chị Minh chia sẻ.
Kể từ khi đi vào hoạt động, Tổ phụ nữ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm xã Sông Ray duy trì rất tốt việc sinh hoạt phổ biến kỹ thuật cũng như giúp nhau giải quyết khó khăn về vốn.
Chị Nguyễn Thị Hương, thành viên Tổ hợp tác cho biết: “Những người làm sau không có kinh nghiệm thì những người đi trước truyền đạt lại. Ai thiếu dâu cho tằm ăn thì người có dâu cho mượn dâu. Ai thiếu công hái thì giúp công hái sau đó trả công hái lại”.
Với hoạt động hiệu quả của Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tăm, sản xuất có năng suất gặp thời điểm tơ được giá, mỗi năm, một hec ta mang lại lợi nhuận đến 300 triệu đồng cho các thành viên.
Thanh Loan