Năm 2019, huyện Sơn Động đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ phát triển 4 sản phẩm thế mạnh gồm mật ong rừng, nấm ăn - nấm dược liệu, rượu men lá chất lượng cao, chăn nuôi tắc kè. Trong quá trình xây dựng, bên cạnh vai trò của địa phương, các HTX, tổ hợp tác (THT) đang phát huy tốt vai trò.
Được thành lập năm từ năm 2014, HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động hiện có 60 thành viên với trên 5.000 đàn ong, chiếm 40% tổng số đàn ong toàn huyện. Năm 2018, sản lượng mật của HTX đạt trên 110 tấn, tăng 40 tấn so với năm 2014, doanh thu ước đạt trên 20 tỷ đồng.
Phát triển thế mạnh
Nhờ sản xuất khoa học, năm 2015, HTX được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu tập thể “Mật ong rừng Sơn Động”, cấp sử dụng mã số, mã vạch và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX đã phối hợp với huyện tổ chức dạy nghề nuôi ong cho gần 1.000 hộ dân trong huyện.
HTX mật ong Sơn Động cùng với HTX nông nghiệp Thảo Mộc Linh đang là hai đơn vị đầu tàu phát triển thế mạnh nuôi ong mật trên địa bàn thị trấn An Châu, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho người dân, đồng thời, đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
Bên cạnh mật ong rừng, rượu men lá cũng đang là sản phẩm thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Với vai trò đầu tàu, HTX Thảo Mộc Linh đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hoàn thiện các thủ tục đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Big C miền Bắc và các điểm du lịch, lễ hội.
Bà Hoàng Thị Ninh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Động, cho biết: “Việc thúc đẩy sản phẩm thế mạnh của huyện đang mang lại kết quả khả quan, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của các xã, thị trấn. Không chỉ tập trung vào chất lượng, các sản phẩm được chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp như thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ...”.
Được biết, trong kế hoạch phát triển đến năm 2025, huyện sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đào tạo nghề. Đặc biệt là phối hợp với các doanh nghiệp, HTX, cơ quan thông tin đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Đồng thời, sử dụng các mạng xã hội, internet, tiến tới xây dựng các trang web hiện đại để đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước; góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc ít người.
Sản phẩm thế mạnh đang góp phần thúc đẩy NTM huyện Sơn Động |
Điểm tựa cho NTM
Những thành công trong phát triển sản phẩm thế mạnh đã tạo đà cho người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Sơn Động nâng cao giá trị sản xuất, từ đó, góp phần tạo chuyển biến trong xây dựng NTM tại các địa phương.
Sơn Động có 21 xã, trong đó có 20 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, thành phần dân cư phức tạp với 14 dân tộc cùng chung sống, địa hình chủ yếu là đồi núi lại bị chia cắt bởi sông suối, thường xuyên hứng chịu thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất… nên có xuất phát điểm xây dựng NTM rất thấp.
Nhận thức rõ những khó khăn nên ngay từ khi mới triển khai, huyện đã xác định việc thực hiện NTM là nhiệm vụ quan trọng, loại bỏ những tập quán làm ăn lạc hậu, mở hướng đi mới, xua tan đói nghèo.
Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau, từng bước hoàn thành các tiêu chí trong thời gian sớm nhất”, sau 10 năm triển khai xây dựng, bộ mặt NTM trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, với sự đóng góp, ủng hộ nhiệt tình từ mọi tầng lớp nhân dân.
Đến nay, dù huyện nghèo mới chỉ có 1 xã (xã Tuấn Đạo) được công nhận đạt chuẩn NTM, nhưng bình quân tiêu chí của huyện đã đạt 12,38 tiêu chí/xã (tăng 7,67 so với năm 2011), không còn xã nào đạt dưới 8 tiêu chí.
Tỷ lệ thôn, bản đạt danh hiệu làng văn hóa chiếm 66,1%; 73,8% trường học đạt chuẩn quốc gia; 80,9% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; hạ tầng kinh tế - xã hội đã quan tâm đầu tư thông qua lồng ghép các cơ chế, chính sách, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa của người dân; 100% xã đã có đường đến trung tâm xã; 100% thôn đã có điện.
Đời sống người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 45,8% năm 2010 xuống 35,6% năm 2018; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 99,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,2% triệu đồng/người/năm, gấp 1,5 lần so với 2010.
Hưng Nguyên