Trên khu vườn đồi rộng 2ha, ông Trần Văn Hành kể về hành trình 32 năm tạo ra vải thiều đặc sản, và việc thành lập HTX, làm du lịch cộng đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
“Ép” vải mọc trên thân
Cách đây 32 năm, cũng như những hộ khác trong vùng, ông Hành cùng vợ là bà Trương Thị Bảy chỉ biết miệt mài cuốc đất san đồi trồng vải thiều, rồi tưới nước, bón phân cho cây. Vải ra hoa, được quả nào gia đình hái bán quả đó.
Ông Trần Văn Hành - người trồng ra quả vải thiều có giá bán đắt nhất ở Việt Nam. |
Thời gian đầu, ông Hành trồng vải thiều ở vùng Lục Ngạn. Do sản lượng vải của vùng này không nhiều nên bán được giá, nhưng sau này, người dân “đua nhau” trồng, kỹ thuật chăm sóc được cải tiến, năng suất vải tăng cao, và dĩ nhiên hàng nhiều thì dễ mất giá.
“Vào mùa vải chín, thương lái chê xấu mã, quả nhỏ… nên ép giá chỉ vài nghìn đồng/kg. Có đợt giá rẻ quá, tôi phải bán vải theo sọt chứ không theo cân”, ông Hành chia sẻ.
Lúc đó, nhiều hộ chán nản, thậm chí chặt bỏ, phá cả vườn vải. Vợ chồng ông tiếc công tiếc của nên cố giữ lại, nhưng vẫn đau đáu với suy nghĩ phải làm gì đó khác đi để thay đổi “thời cuộc”.
Nhớ lại lúc vườn vải xanh tốt, cành lá xum xuê khiến một số cây bị sâu bệnh, ông đã phải chặt bớt cành đầu tán để dẫn ánh sáng chiếu vào thân và gốc cây. Bất ngờ xảy ra, thân cây đâm ra nhiều lộc mới rồi ra hoa, kết trái. Tỷ lệ đậu quả ở những nhánh cây mọc từ thân rất cao, chất lượng quả vải thu được tốt hơn hẳn quả vải ra từ ngọn.
Năm 2011, ông Hành quyết "làm liều một phen", cải tạo cả đồi vải thiều của mình, "ép" cây ra quả từ thân.
"Cả đồi vải thiều sau khi chặt tỉa cành nhìn xơ xác, cũng xót ruột. Chính tôi cũng sợ thất bại do làm liều", ông nói.
May mắn mỉm cười, quả vải thiều ra từ thân đến ngọn khi chín có vỏ đỏ chót, chất lượng đồng đều. Mỗi cây cho sản lượng quả vải từ thân khoảng 40-50kg, trên ngọn 70-80kg. Thậm chí, có những cây cho tới 1,8 tạ quả. Điều quan trọng, giá vải của gia đình ông luôn cao gấp rưỡi giá vải thiều ngoài chợ. Thương lái tìm tới tận vườn thu mua.
Chuyển đổi phương thức canh tác
Nhận thấy giá trị to lớn từ cách trồng vải thiều của ông Hành, nhiều hộ dân trong vùng đã đến học hỏi và được ông tận tình giúp đỡ.
"Kỹ thuật trồng và cắt tỉa cành cho vải thiều sau đó được tôi truyền dạy cho nhiều hộ nông dân trong vùng. Giờ hầu như hộ nào cũng làm vậy", ông Hành thông tin.
Đáng chú ý, để thích ứng với xu hướng tiêu dùng của thị trường, ông Hành đã tiếp tục chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang làm hàng theo tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP.
Chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang làm hàng theo tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP, năm nào vải thiều nhà ông Hành cũng được thu mua với giá cao, cho doanh thu từ 1-1,2 tỷ đồng/năm. |
Năm 2019, ông chính thức bắt tay với doanh nghiệp làm quả vải thiều chất lượng cao. Ngoài quy trình canh tác hữu cơ nghiêm ngặt, ông Hành còn ghi nhật ký chăm sóc, lắp camera để giám sát. Quả vải được cấp tem nhãn, mã QR code để khi khách hàng cần kiểm tra có thể dùng smartphone quét mã…
Vụ vải thiều năm này, ông đã bán cho doanh nghiệp 3 tấn vải thiều hữu cơ chất lượng cao. Doanh nghiệp đã mang về đóng hộp 12 quả bán với giá 200.000 đồng/hộp (tương đương 17.000 đồng/quả và 600.000 đồng/kg).
“Tôi thấy tự hào lắm. Không nghĩ có một ngày mình lại tạo ra quả vải thiều chất lượng có giá bán đắt như vậy”, ông Hành phấn khởi nói.
Đến nay, năm nào vải thiều nhà ông Hành cũng được thu mua với giá cao, cho doanh thu từ 1-1,2 tỷ đồng/năm. Thậm chí trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, ông cũng không phải lo lắng về đầu ra cho loại quả này.
“Hiện địa phương đã có những cây vải thiều được trồng, phát triển hơn 30 năm và là loại cây trồng làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở huyện Lục Ngạn”, ông Hành cho biết.
Hướng tới nông nghiệp đa giá trị
Nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng giá trị quả vải cũng như hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, ông Hành đã kết hợp làm du lịch cộng đồng hoàn toàn miễn phí cho du khách.
“Gia đình tôi đã xây dựng các nhà chòi phục vụ du khách ngồi uống trà và thưởng thức hoa quả, trái ngọt theo mùa. Tại đây, du khách có thể giao lưu văn hóa, văn nghệ và nghỉ lại qua đêm nếu khách có nhu cầu. Ngoài ra còn có điểm trưng bày, bán mật ong, giấm vải… để khách làm quà biếu”, bà Trương Thị Bảy chia sẻ.
Đáng chú ý, bán vải thiều nguyên cây là hình thức bán hàng mới lạ nhất được gia đình ông Hành áp dụng đã thu hút khách du lịch đến vườn để gia tăng giá trị cây vải. Đến nay, gia đình ông Hành đã bán được 10 cây vải thiều, với giá từ 10-10,5 triệu đồng/cây. Khi giao dịch xong, dưới gốc cây đều được cắm biển tên khách hàng. Tất cả các cây vải thiều đều ra quả từ trong thân nên du khách vô cùng thích thú.
Nhờ đó, HTX đã đón hàng trăm khách từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng…đến tham quan, trải nghiệm trong thời gian qua.
“Mỗi cây vải thiều cho sản lượng từ 150-200kg, nhưng tôi vẫn mua vì trân trọng quá trình người nông dân làm ra trái vải, muốn một lần tự tay hái quả chín ăn”, một du khách cho biết.
Nhận thấy tiềm năng về du lịch sinh thái, cũng như nhằm mục đích chuyển đổi theo hình thức tích hợp đa giá trị, ông Hành và 9 người khác đã thành lập HTX sản xuất nông nghiệp và thương mại du lịch sinh thái Giáp Sơn, do chính ông làm Giám đốc.
Tháng 3 vừa qua, HTX đã liên kết cùng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm (Hà Nội) mở tour du lịch miệt vườn. Cụ thể, với 100.000 đồng khi mua vé trực tiếp tại vườn, các đoàn khách sẽ vào vườn tham quan, chụp ảnh, cắm trại, tự do ăn vải. Du khách sẽ nghe kể tường tận về quy trình trồng và chăm sóc vườn để tạo ra quả vải thiều chất lượng cao. Bên cạnh đó, du khách còn được cắm trại tại thung lũng hoa vải tuyệt đẹp và trải nghiệm công đoạn quay mật ong hoa vải.
Ngoài ra còn tour trải nghiệm hái vải ban đêm với giá 500 nghìn đồng, khách sẽ được ăn “buffet vải”, ăn tối cùng bà con và nghỉ qua đêm tại nhà dân. Tổ chức cuộc thi ảnh “Đại sứ vải thiều” với nhiều phần thưởng hấp dẫn…
Đặc biệt, HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Giáp Sơn còn phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm tổ chức trình diễn thời trang trong vườn vải thiều của gia đình ông Trần Văn Hành. Sự kiện thu hút hàng nghìn lượt người tham dự, đồng thời đây được xem là mô hình “đưa chợ về vườn” đối với đặc sản vải thiều Lục Ngạn.
Lượng khách đổ về vườn những ngày cuối tuần rất đông, lên tới cả trăm người mỗi ngày. Mỗi du khách tới vườn, ông Hành được doanh nghiệp chi trả 50.000 đồng.
"Tôi muốn làm nông nghiệp đa giá trị, không chỉ đơn thuần là trồng vải bán quả mà bán cả câu chuyện trên đồi vải. Tôi đang trồng thử nghiệm loại vải thiều cho chất lượng đặc biệt, hướng tới phân khúc cao cấp", ông Hành thông tin.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Lục Ngạn, mô hình kết hợp của HTX Sản xuất Nông nghiệp và du lịch sinh thái Giáp Sơn được xem là xem là hướng đi đột phá, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Mới đây, khi đến thăm mô hình sản xuất vải thiều kết hợp du lịch ở HTX Sản xuất nông nghiệp du lịch sinh thái Giáp Sơn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao tiềm năng cũng như ý tưởng, cách làm du lịch của HTX và các hộ dân. Bộ trưởng đề nghị địa phương, doanh nghiệp lữ hành và người dân cần quan tâm hơn nữa đến các quy trình sản xuất vải thiều đạt chất lượng cao, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ làm du lịch. Quan tâm tạo ra các sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm, hàng hóa phù hợp, nhỏ gọn, dễ vận chuyển để cung cấp cho du khách.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, một trong những điểm chưa mạnh của các mô hình du lịch nông nghiệp là năng lực của người nông dân, thành viên vẫn còn hạn chế.
Ông Trần Văn Hành cho biết, hiện người dân, thành viên đã từng bước thành thạo trong quy trình làm nông nghiệp nhưng việc liên kết với doanh nghiệp lữ hành để phát triển du lịch mới chỉ bắt đầu nên chắc chắn trong quá trình hợp tác, HTX sẽ phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện hơn.
Giang Nam