Điện Biên là một tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam với dân số gần 600.000 người, trong đó 85% sống ở vùng nông thôn và tỷ lệ nghèo đói cao. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) chỉ ra rằng, mặc dù chuỗi chăn nuôi bò quy mô nhỏ đã được hình thành tại Điện Biên, nhưng liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi như người sản xuất, lò mổ và hệ thống bán lẻ vẫn còn yếu.
Liên kết chăn nuôi bò với thị trường
Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam cho biết, mục đích của Dự án LPS/2015/037 là cải thiện thu nhập của nông hộ sản xuất quy mô nhỏ ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam thông qua tăng cường chăn nuôi thâm canh bò thịt và cải thiện liên kết thị trường. Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, Dự án đã đạt được nhiều kết quả.
Tăng cường chăn nuôi thâm canh bò thịt và cải thiện liên kết thị trường |
Dự án đã thực hiện phân tích sinh kế để tìm hiểu quá trình chuyển đổi từ chăn nuôi bò thịt quảng canh sang thâm canh, tìm hiểu các hệ thống sản xuất thức ăn thô xanh cải tiến giúp ích cho hệ thống chăn nuôi thâm canh. Song song với khảo sát sinh kế, Dự án tiến hành khảo sát về hệ thống sản xuất thức ăn thô xanh, để rồi thực hiện thử nghiệm chuỗi thức ăn thô xanh đầu tiên tại thực địa. Dự án cũng tiến hành các thử nghiệm về thức ăn cho gia súc tại Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, Vật nuôi tỉnh Điện Biên, đồng thời các nhà nghiên cứu và cán bộ của Sở NN&PTNT được đào tạo về phương pháp nghiên cứu chăn nuôi, chấm điểm thể trạng, các vấn đề về đạo đức và phúc lợi động vật.
Theo bà An, Dự án tổ chức phân tích và thực hiện các cải tiến trong chuỗi giá trị chăn nuôi bò tại tỉnh Điện Biên để nâng cao năng lực trong phát triển và hỗ trợ liên kết thị trường. Dự án đã hỗ trợ 2 HTX: 1 HTX ở huyện Điện Biên phát triển chuỗi giá trị bò thịt, 1 HTX ở huyện Tuần Giáo phát triển chuỗi giá trị bò giống, với sự tham gia của các tác nhân như lò mổ, siêu thị, nhà thu mua và các thành viên đã thành công tại các nhóm cùng sở thích. Các nhóm cùng sở thích này là thành phần vệ tinh của các HTX.
HTX Chăn nuôi gia súc Bản Chăn, xã Quải Nưa, huyện Tuần Giáo hiện nay đã tập hợp được hơn 30 hộ thành viên trước đây đều là những hộ nghèo, nay phát triển chăn nuôi bò. Với lĩnh vực hoạt động chủ yếu là chăn nuôi gia súc, HTX có vai trò cung ứng bò giống, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng dịch bệnh cho các hộ thành viên. Để mô hình HTX phát huy hiệu quả, hàng tuần, Ban chủ nhiệm HTX tổ chức phân công các thành viên luân phiên đi kiểm tra đàn gia súc. Đồng thời, đề ra quy định đến kỳ tiêm phòng, tất cả các hộ phải đưa trâu, bò về tiêm đầy đủ; không mang gia súc mắc bệnh về bản; hộ nào bán trâu, bò phải thông báo cho HTX để kiểm soát số lượng đàn. Nhờ biết áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, tạo ra chuỗi giá trị, nên thu nhập bình quân của các hộ thành viên đạt 70 triệu đồng năm 2019, và tất cả thành viên đều đã thoát nghèo.
Nông dân nâng cao kỹ thuật chăn nuôi
Dự án LPS/2015/037 cũng đã thành lập 6 nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò mới trong đó có nhiều tác nhân và các bên liên quan trong chuỗi giá trị tham gia.
Ông Quàng Văn Thủy, Trưởng Nhóm sở thích chăn nuôi bò ở xã Quài Nưa, tỉnh Điện Biên là một người hưởng lợi từ dự án, cho biết gia đình trồng cỏ trên diện tích 5000 m2 và chăn nuôi bò khoảng 12 - 15 con.
Chăn nuôi bò tại Tuần Giáo phát triển, có sự hỗ trợ từ Dự án LPS |
Ông Thủy là một trong những người tiên phong trong Nhóm sở thích tham gia trồng cỏ, chuyển đổi đất trồng lúa, ngô không hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn do dự án giới thiệu và hướng dẫn gồm VA06, Guine, và Mulato II, thực hiện ủ và dự trữ cây thức ăn đảm bảo nguồn thức ăn xanh chất lượng cao.
Nhóm sở thích của đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện Tuần Giáo và huyện Điện Biên ra đời là để bà con phát triển chăn nuôi bò thâm canh, tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi.
“Tôi tự nguyện tham gia vào dự án của ACIAR khi dự án phát triển tại địa phương vì thấy dự án phát triển chăn nuôi trâu bò là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong nhóm, mọi người đều bình đẳng và được phát biểu ý kiến, xây dựng đề tài và các biện pháp, giải pháp khắc phục, bàn bạc đưa ra công nghệ, thiết bị định vị mới. Tôi rất thích làm việc với dự án vì làm việc rất khoa học và hiệu quả cao”, ông Thủy nói.
Ông Stephen Ives, Đại học Tasmania, chuyên gia của Dự án LPS/2015/037 chia sẻ: “Quá trình tham gia dự án, tôi nhận thấy nông dân ở Điện Biên rất háo hức với những thông tin mới về kỹ thuật chăn nuôi, nhưng lại không thể truyền tải được các hình ảnh và âm thanh biểu cảm về mặt ngôn ngữ và cử chỉ. Để phá vỡ các rào cản trong giao tiếp, chúng tôi đã áp dụng phương pháp trao đổi ngang hàng. Chúng tôi thấy rằng, để tiếp thu các phương pháp nghiên cứu mới thì thường phải có sự trao đổi giữa các nhà nghiên cứu với nhau. Vậy tại sao chúng ta không áp dụng tương tự với các nông dân trong dự án. Thay vì tổ chức hội thảo, chúng tôi lập một nhóm nông dân và cán bộ khuyến nông tại tỉnh Điện Biên, đưa họ đi thăm các nông dân tiến bộ và đổi mới ở tỉnh Đắk Lắk. Sau chuyến thăm quan một tuần, chúng tôi bắt đầu nhận ra hiệu quả của phương pháp tiếp cận này. Chúng tôi đã ghi nhận rằng, trong vòng 24 giờ sau khi đi thực tế, các nông dân ở Điện Biên đã áp dụng các kỹ thuật mới vào hệ thống sản xuất của mình”.
“Họ áp dụng các thay đổi như nuôi nhốt trong chuồng, trồng cỏ, làm ngô ủ chua, tận dụng các phụ phẩm cây trồng. Các nông dân ở Điện Biên có kiến thức, nhưng phải đến khi và sau khi trao đổi trò chuyện với những nông dân đã thử nghiệm thành công các kỹ thuật mới trong chăn nuôi bò, thì họ mới cảm thấy rất tự tin tưởng vào về tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi bò thịt này”, ông Stephen Ives cho hay.
Chu Khôi