Nhờ triển khai bài bản, khoa học, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Toàn Thành phố đã có 100% xã và 15/18 huyện đạt chuẩn NTM, hiện đang hỗ lực để hoàn thành mục tiêu đưa 3 huyện còn lại “cán đích” NTM trong năm 2023.
Vùng quê “thay da đổi thịt”
Tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ai ai cũng bất ngờ với mô hình “Làng nghề chế biến nông sản” thông minh tại thôn Thuận Quang. Đây là làng nghề kinh doanh, chế biến hành, tỏi với 195 hộ dân.
Tuy nhiên, thay vì sản xuất thủ công, người dân làng nghề đã đầu tư đồng bộ máy móc từ máy rửa, máy chiên, máy thái, máy trộn, máy vắt... Đến nay, 99% các hộ trong thôn đã trang bị hệ thống hút khói khi sấy hành, phi hành để hạn chế ảnh hưởng mùi đến xung quanh. Sản phẩm sau khi sấy được đưa lên giá, đóng gói theo định lượng và dán nhãn mác chuyên nghiệp. 100% các hộ ký hợp đồng với Công ty cổ phần môi trường đô thị Gia Lâm để thu gom, vận chuyển rác thải trong ngày.
Xã Dương Xá, huyện Gia lâm được TP. Hà Nội chọn xây dựng mô hình thí điểm NTM thông minh. |
Thôn đã có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là “hành phi”, “khoai tây chiên” và “hành, tỏi sấy”. Các sản phẩm đều được gắn mã vạch để truy xuất nguồn gốc và được quảng bá, tiếp thị trên các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, tại thôn Thuận Quang còn có mô hình nông nghiệp thông minh trên diện tích 30 ha cam và ổi. Toàn bộ quy trình canh tác, tưới tiêu, cảnh báo dữ liệu đều được thực hiện thông qua hệ thống phần mềm tích hợp các thiết bị IOT, Blockchain, ứng dụng AI giám sát và điều khiển tự động hóa.
Cùng với đó, thôn còn lắp 16 camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính. Hệ thống trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể đều được hình thành trên nền tảng mạng zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin của địa phương. Đến nay, 100% nhân dân trong thôn đã sử dụng điện thoại thông minh và lắp camera cũng như lắp mạng internet.
Việc xây dựng thôn thông minh được coi là tiền đề quan trọng để xã Dương Xá sớm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025, tiến tới thành lập phường. Về định hướng lâu dài, xã còn phát triển mô hình rau sạch theo quy trình hiện đại của HTX Chử Tâm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm và một số mô hình khác để thành “Điểm du lịch Dương Xá” từ đó thu hút du khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm OCOP.
Tiên phong ứng dụng công nghệ cao
Hiện nay, HTX Chử Tâm có đến 60% diện tích ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết diện tích đất nông nghiệp của HTX đều được sản xuất trong nhà kính, nhà lưới và được áp dụng cơ giới hóa từ các khâu làm đất, thu hoạch, sơ chế đóng gói nông sản. Bên cạnh đó, HTX còn ứng dụng công nghệ màng phủ nông nghiệp, phương pháp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), đặc biệt là tưới bằng các hệ thống hiện đại như tưới phun, nhỏ giọt.
Để có những sản phẩm đạt chất lượng cao, sạch, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX đã đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới, điều chỉnh độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ…với tổng chi phí lên hơn 1 tỷ đồng/ha. Chính vì cái tâm trong sản xuất của HTX mà các sản phẩm rau đều được chứng nhận rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Trần Văn Tuấn, giám đốc HTX cho biết, HTX đã xây dựng nhà kính, nhà lưới, tự động điều chỉnh nhiệt độ và tưới phun sương, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến sơ chế sản phẩm,... Với những thành công ban đầu, cho thấy mô hình đáp ứng thời đại chuyển giao công nghệ 4.0.
Ông Tô Hữu Vịnh, Chủ tịch UBND xã Dương Xá chia sẻ, trước khi xây dựng xã NTM thông minh, xã Dương Xá đã phát động các thôn đăng ký, xây dựng các mô hình, cách làm hiệu quả, đưa công nghệ vào cuộc sống, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản...nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ gìn bản sắc, đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm, bảo tồn và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
NTM thông minh, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. |
Thôn thông minh không chỉ là tiêu chí đề ra với nông thôn mới kiểu mẫu mang đặc trưng Hà Nội mà còn là xu thế phát triển tất yếu của nông thôn Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0.
Lá cờ đầu trong xây dựng NTM
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Thành phố cho biết, vừa qua UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến năm 2025.
Kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt.
Qua đó, phát huy vai trò của hệ thống chính trị các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân, khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.
Phấn đấu đến năm 2025, phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM với 90% hồ sơ công việc tại cấp Thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM; 100% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao; 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, sản phẩm nông lâm thủy sản thực phẩm tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, thực hiện xây dựng xã hội số trong xây dựng NTM với 100% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa); lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM qua ứng dụng trực tuyến.
Thành phố lựa chọn xã Dương Xá, huyện Gia lâm xây dựng mô hình thí điểm NTM thông minh. Khuyến khích các huyện, thị xã chọn ít nhất 01 mô hình thí điểm xã NTM thông minh hoặc xã thương mại điện tử.
“Thành phố Hà Nội sẽ tập trung thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng, sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn”, ông Nguyễn Xuân Đại cho hay.
Đoàn Huyền
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |