Đây được xem là cách làm hiệu quả vừa tạo việc làm, ổn định sinh kế bền vững cho người dân miền núi, đồng thời góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường rừng, hạn chế săn bắt động vật hoang dã.
Góp phần bảo vệ môi trường rừng
Trước đây, hầu hết bà con dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới chỉ biết may và dệt thổ cẩm theo cách truyền thống để tạo ra trang phục sử dụng hằng ngày. Để làm ra các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống, người dân phải vào rừng chặt cây, bóc vỏ, đập dập, ngâm sau đó tước từng sợi để phơi rồi đưa vào dệt.
Để làm nên một tấm thổ cẩm may áo, váy... người dân phải vào chặt hàng chục cây rừng với thời gian cả tháng trời. Việc làm này đã gây ảnh hưởng đến môi trường vì rừng bị chặt phá nghiêm trọng.
Có việc làm và thu nhập ổn định, các lao động nữ còn góp phần tuyên truyền trong công tác bảo vệ rừng (Ảnh:TL) |
Chị Hồ Thị Lệ, xã Hồng Quảng, huyện A Lưới chia sẻ, để tạo nên một tấm thổ cẩm đẹp, không chỉ cần chuẩn bị kỹ lưỡng về sợi vải, hạt cườm và lục lạc, mà chính mỗi nghệ nhân phải khéo léo trong việc lựa chọn cây rừng không quá già cỗi, cũng không quá non để chặt, bóc vỏ, mà trong từng động tác đập dập, ngâm, tước tơ, dệt cũng phải tỉ mỉ.
“Việc chặt hạ cây rừng ngày càng làm cho rừng cạn kiệt, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sinh kế của người dân quanh rừng ngày một giảm”, chị Lệ nói.
Trước thực trạng người dân lạm dụng khai thác lâm sản, dự án Trường Sơn Xanh đã tổ chức khoá đào tạo hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm và phát triển các sản phẩm nâng cao cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiểu dự án đã giúp các bà con huyện miền núi A Lưới biết may, kết hợp giữa 2 nguyên liệu vải và thổ cẩm. Theo đó, những mảnh vải thừa được tận dụng làm phụ kiện và nhiều sản phẩm khác để tái chế. Đến nay, mọi thứ dần thay đổi, từ nguyên liệu, phương thức sản xuất đến thành phẩm, từ đó sinh kế của bà con cũng có nhiều cải thiện.
Ổn định sinh kế cho thành viên HTX là phụ nữ dân tộc thiểu số
Bà Kê Thị Hạch, Tổ trưởng Tổ gia công HTX Thổ cẩm xanh A Lưới cho biết: “Nhờ có khóa đào tạo hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm cho 30 lao động của HTX là người dân tộc thiểu số nên người dân đã biết kết hợp vải thổ cẩm với vải cotton để tạo ra sản phẩm mẫu mã bắt mắt, giảm giá thành.
Ngoài ra, từ những mảnh vải thừa, bà con đã tận dụng để thiết kế thành vỏ gối, khăn trải bàn, giày dép, bông tai… Việc làm như vậy vừa góp phần giảm thiểu rác thải, tránh lạm dụng tác động đến môi trường rừng và có thêm thu nhập”.
Người dân được tham gia đào tạo kỹ thuật thuộc khuôn khổ Dự án Trường Sơn xanh sẽ góp phần bảo vệ môi trường rừng ngày càng tốt hơn (Ảnh:TL) |
Bà Hạch cũng thông tin thêm, trong đợt dịch Covid- 19 vừa qua, bà con trong HTX Thổ cẩm xanh A Lưới còn dùng chính những tấm vải dệt để may khẩu trang cung cấp cho người dân ở đây.
Tương tự như HTX Thổ cẩm xanh A Lưới, HTX mây tre đan Bao La, huyện Quảng Điền với 100 thành viên là phụ nữ. Các chị được cán bộ tiểu dự án hướng dẫn cách tạo ra các sản phẩm đa dạng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, mẫu mã như túi xách, thiệp, hộp đựng đồ… Từ đó, thu nhập hàng tháng đạt trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/người, góp phần ổn định cuộc sống.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX mây tre đan Bao La, cho biết: “Các sản phẩm của các HTX tham gia tiểu dự án cũng được hỗ trợ giới thiệu, bày bán ở nhiều quốc gia. Có việc làm với thu nhập ổn định, thành viên HTX đã yên tâm lao động sản xuất, đồng thời lao động nữ của HTX còn góp phần tuyên truyền với người thân trong gia đình hạn chế vào rừng khai thác, săn bắt và có những đóng góp thiết thực với các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và hỗ trợ trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng...”
Phạm Duy