Những ngày cuối tháng 4/2023, huyện Mỹ Đức và Đảng ủy, UBND xã Hương Sơn đã ra mắt HTX dịch vụ du lịch Chùa Hương với 128 thành viên, vốn điều lệ 184 triệu đồng. HTX có dịch vụ ngành, nghề như: Thu gom rác thải không độc hại; vận tải hành khách đường thuỷ nội địa; hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ...
HTX thúc đẩy quá trình nông thôn mới
Mục tiêu của HTX khi đi vào hoạt động là tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động địa phương, đảm bảo ổn định, an toàn, an ninh trật tự. HTX còn có nhiệm vụ quản lý sắp xếp điều hành vận chuyển toàn bộ khách thăm quan du lịch Chùa Hương, quản lý sắp xếp vận chuyển du khách đi thăm quan chụp ảnh hoa súng suối Yến. Việc thành lập HTX là cơ sở để giải quyết tình trạng mất trật tự, hoạt động tự do của các chủ thuyền đò.
![]() |
Sản phẩm bưởi Diễn Bột Xuyên đã được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. |
Gần đây, những HTX mới ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Mỹ Đức ngày một nhiều. Khu vực KTTT, HTX đang ngày một khởi sắc, khẳng định vai trò của mình trong quá trình xây dựng NTM ở Mỹ Đức.
Bên cạnh việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ HTX, việc phát triển các HTX nông nghiệp vốn là thế mạnh của huyện tiếp tục được lãnh đạo huyện quan tâm phát triển. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh đó, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp chuyên canh, đáp ứng nhu cầu thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, huyện đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành trong nông nghiệp, tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang những mô hình trồng trọt hoặc chăn nuôi phù hợp.
Nhờ đó, trên địa bàn huyện hình thành 24 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động; 36 trang trại chăn nuôi, 35 trang trại thủy sản, 7 trang trại tổng hợp. Mỹ Đức có 31 làng nghề, làng có nghề truyền thống, trong đó, có 6 làng nghề đã được thành phố công nhận. Các HTX nông nghiệp hoạt động có sự chuyển biến tích cực trong phương thức tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn nguồn vốn, tài sản cũng như trình độ quản lý của cán bộ HTX ngày được nâng cao, việc ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả diện tích 187 ha tại các xã Bột Xuyên, Tuy Lai, Thượng Lâm, Đồng Tâm…; vùng sản xuất lúa chất lượng cao 1.400 ha tại các xã Mỹ Thành, An Mỹ, Phùng Xá, Lê Thanh.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Bột Xuyên chuyên cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, trong đó, bưởi Diễn Bột Xuyên là sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên. Từ hiệu quả kinh tế của cây bưởi Diễn, HTX đã định hướng xây dựng và phát triển bưởi Diễn thành loại cây trồng chủ lực của địa phương.
Theo đó, HTX thực hiện tập trung chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng. Từ việc lựa chọn bưởi Diễn Bột Xuyên là sản phẩm chủ lực nên HTX đã nỗ lực xây dựng và quảng bá thương hiệu đến với người tiêu dùng qua nhiều hình thức. Đặc biệt, thông qua các hội chợ nông sản, hội chợ kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp, HTX đã và đang quảng bá và đưa sản phẩm bưởi Diễn Bột Xuyên ra thị trường. Hiện nay, sản phẩm bưởi Diễn Bột Xuyên đã được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
OCOP thúc đẩy sản xuất hàng hóa
Những HTX như HTX nông nghiệp Bột Xuyên đang góp phần làm cho danh sách các sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Đức ngày một dài hơn. Đến nay, toàn huyện Mỹ Đức có 31 làng nghề, làng có nghề truyền thống, trong đó có 6 làng nghề đã được công nhận, trong đó 24 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm OCOP. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hiện chỉ còn 0,11%, thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/năm.
Huyện Mỹ Đức sẽ xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương. Trên cơ sở đó tiếp tục tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao. Đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP, huyện sẽ tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để được nâng hạng sao; duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Huyện Mỹ Đức hiện có 31 làng nghề, làng có nghề truyền thống, trong đó có 6 làng nghề đã được công nhận. Trong đó, 24 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm OCOP.
Nói đến Chương trình OCOP của Mỹ Đức không thể không nhắc tới xã Phùng Xá, nơi có mô hình sản xuất sản phẩm OCOP tiêu biểu có bước bứt phá trong nâng cao chất lượng sản phẩm của huyện. Trước đây, nghề ươm tơ dệt lụa của đất Phùng Xá đã có lúc gần như mai một, nhưng từ khi có các sản phẩm OCOP chất lượng cao đến nay, nghề dệt tơ của Phùng Xá đã lấy lại được vị thế, góp phần nâng cao kinh tế địa phương.
Hiện nay nghề dệt truyền thống ở Phùng Xá đã hồi sinh. Toàn xã hiện có khoảng 1.700/2.230 hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm… Khoảng 4.500 lao động trên địa bàn và 2.000 lao động vùng lân cận có việc làm với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Giá trị kinh tế làng nghề chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế toàn xã.
Ở Mỹ Đức có những sản phẩm OCOP 5 sao tiêu biểu như: chăn bông tơ tằm tự dệt, khăn lụa tơ sen và khăn lụa tơ tằm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá); Rượu mơ Hương Tích, bánh củ mài (xã Hương Sơn), các sản phẩm khăn bông (xã Phùng Xá).
Đến nay, huyện Mỹ Đức đã có được 20 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP trong 3 năm liên tiếp là 2019 - 2020 - 2021 (trong đó, có 11 sản phẩm 3 sao, 6 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm 5 sao).
Quyết tâm thành huyện nông thôn mới
Nhờ thúc đẩy phát triển nông thôn mới, huyện Mỹ Đức hôm nay như khoác lên mình một chiếc áo mới với nhiều tuyến đường được đầu tư mở rộng, nối dài tới các ngõ xóm; những công trình trường, lớp học, nhà văn hóa, trạm y tế... được nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới khang trang.
![]() |
Bộ mặt nông thôn mới ở huyện Mỹ Đức đang ngày một thay đổi. |
Theo báo cáo của Huyện ủy Mỹ Đức, trong quá trình xây dựng NTM, huyện đã tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường liên xã, liên thôn, đường làng cơ bản được bê tông hóa 99%. Toàn huyện có 50/80 trường đạt chuẩn quốc gia, 1 trung tâm y tế huyện, 21 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 122/122 thôn có nhà văn hóa, đạt 100%; 113/122 thôn được công nhận và duy trì danh hiệu “Làng văn hóa”.
Đến hết năm 2022, huyện Mỹ Đức đã đạt và cơ bản đạt 9/9 tiêu chí (tiêu chí đạt 5/09 tiêu chí gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, Hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công; còn 4/9 tiêu chí cơ bản đạt, gồm: y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống). Đánh giá chấm điểm đạt 94,5/100 điểm, không có tiêu chí nào bị điểm 0. Đến hết năm 2022, huyện có 3/5 điều kiện đạt gồm: có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025, 100% số thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Huyện có 10% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 03 xã Phùng Xá, Hồng Sơn và Hương Sơn đã được Đoàn thẩm định Thành phố thẩm định đủ điều kiện công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022, đang chờ Thành phố ban hành quyết định.
Dù đã đạt được những kết quả khá tích cực, song đại diện huyện Mỹ Đức cũng thừa nhận, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm, các ngành kinh tế trong khu vực nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện chưa tạo được nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Trong khi đó, việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp còn ít, chưa tạo được nhiều nông sản, hàng hóa có thương hiệu, giá trị thu nhập/hecta canh tác còn thấp; tiến độ thực hiện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của huyện cũng còn chậm so với các huyện trong thành phố…
Để bảo đảm mục tiêu sớm trở thành huyện nông thôn mới, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cho rằng, huyện Mỹ Đức cần quyết tâm cao hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện cần rà soát các tiêu chí chưa đạt gồm: y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống; UBND huyện tập trung, phối hợp với các sở, ngành sớm hoàn thiện các tiêu chí để hoàn thành huyện nông thôn mới. Đồng thời, chủ động rà soát, hoàn thành việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư, bảo đảm tỷ lệ giải ngân của huyện đạt 100% kinh phí đã được thành phố hỗ trợ theo đúng cam kết; chủ động phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng huyện…
Đức Anh