Điển hình, tại khu dân cư Duẩn Khê, phường Long Xuyên, thay vì cây lúa, củ khoai như trước đây, người dân đang lựa chọn trồng giống cây khó tính bậc nhất là dưa lưới, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng/ha.
Ứng dụng công nghệ cao
Anh Lê Xuân Khái, một trong những người đi đầu làm nông nghiệp công nghệ cao ở Duẩn Khê chia sẻ: "Sản xuất trong nhà màng, nhà lưới không lo nắng cũng chẳng ngại mưa. Khi tưới nước chỉ cần nhất nút là xong, hệ thống tưới sẽ tự động vận hành. Vừa tiết kiệm chi phí, nhân công lại vừa đảm bảo kinh tế".
Ở Duẩn Khê hiện có hàng chục mô hình sản xuất như thế với tổng diện tích nhà màng, nhà lưới lên tới hơn 10.000 m2. Điều này cho thấy không chỉ doanh nghiệp với nền tảng về vốn, kỹ thuật mạnh, mà các hộ sản xuất đơn lẻ cũng có thể tiếp cận và thành công từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa để nông dân Hải Dương bứt lên làm giàu. |
Nhắc đến thành công trong ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp ở Kinh Môn cũng không thể không nhắc đến HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng (xã Bạch Đằng) hiện trồng hơn 60 ha thanh long, năng suất đạt 45 tấn/ha/năm, cùng nhiều loại cây trồng khác như nho, hành tỏi, rau màu...
Chỉ một thao tác đơn giản để bật hệ thống tưới phun sương, ông Nguyễn Văn Thuấn, thành viên HTX Bạch Đằng, đã hoàn thành việc tưới nước cho hàng chục ha nho, thanh long.
Trên mặt luống, ông Thuấn sử dụng hệ thống màng phủ, vừa giúp ngăn cỏ dại, vừa đảm bảo duy trì độ ẩm cho cây trồng. Nhờ áp dụng khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao.
Kể từ năm 2023 đến nay, HTX Nông sản sạch Bạch Đằng tiếp tục đầu tư trên 9.000 m2 nhà màng, nhà lưới để trồng nho, kết hợp mô hình du lịch nông nghiệp.
Không chỉ ở Kinh Môn, thế hệ “nông dân 4.0” đang được sản sinh ra ở khắp các địa phương tỉnh Hải Dương, kéo theo phong trào phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng lan rộng, từ đó hình thành các chuỗi giá trị có hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như ở huyện Gia Lộc, HTX Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn là một trong những điểm sáng lớn nhất trong quá trình thúc đẩy công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Hình thành chuỗi liên kết
HTX Tân Minh Đức bắt đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất từ năm 2017, với quy mô ban đầu chỉ 5.000 m2. Đến nay, HTX đã xây dựng được 15,5 ha nhà màng, nhà lưới chủ yếu trồng dưa lưới ruột xanh và dưa lưới ruột vàng.
HTX hiện có 174 hộ thành viên, trong đó có trên 40 hộ sản xuất trong nhà màng, hộ trồng ít nhất là 2.500 m2, nhiều nhất là 50.000 m2. Mỗi năm HTX đạt doanh thu bình quân 2,5 tỷ đồng/ha, trừ chi phí lãi ròng 1,1-15 tỷ đồng/ha. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động, lương trung bình là 7,5 triệu đồng/tháng và dùng 100% nguyên liệu tại địa phương.
Nông nghiệp công nghệ cao là định hướng đường dài của ngành nông nghiệp Hải Dương. |
Tương tự, nông nghiệp công nghệ cao với thế hệ nông dân năng động, sáng tạo cũng đang “nở rộ” ở huyện Kim Thành. Năm 2023, theo mức thu nhập sau khi trừ chi phí, toàn huyện Kim Thành có 666 hộ cho thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên, 1.520 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, 6.120 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/hộ.
Anh Bùi Văn Duy, xã Kim Xuyên là một trong những lá cờ đầu trong phát triển sản xuất sạch, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương với mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Với 3 ha nhà lưới trồng các loại cây dưa lưới, cà chua, ớt chuông, ớt sừng, nho… bình quân mỗi năm, mô hình của anh Duy mang lại thu nhập hàng tỷ đồng. Trang trại của anh cũng đang tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Xuất phát điểm trên khu đất rộng gần 2ha, không một bóng cây trồng, đến nay một nông trại xanh với đủ loại cây trồng chất lượng cao được mọc lên. Nhưng để có được thành công hiện tại, Bùi Văn Duy cũng trải qua không ít lần “trầy da tróc vẩy”.
Thời gian đầu, vì còn thiếu kinh nghiệm, lại chọn những loại cây trồng đòi hỏi công nghệ cao như dưa lưới, ớt chuông, ớt sừng… nên hiệu quả sản xuất thấp, cây trồng liên tục mắc bệnh, sản phẩm thu về bị đối tác từ chối. Suốt 2 năm đầu (2020-2021), Duy nhiều đêm mất ngủ, thời gian ở trong vườn nhiều hơn ở nhà.
Thế rồi, sau cơn mưa trời đã sáng, những thất bại được rút thành những kinh nghiệm giúp anh Duy dần gặt hái thành công. “Kinh nghiệm là để làm được sản phẩm chất lượng cao là phải sản xuất sạch, sạch ngay từ khâu chuẩn bị đất, nước, không gian cho cây phát triển”, Duy chia sẻ.
Nỗ lực tạo đột phá
Hải Dương là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp. Do đó, quy hoạch tỉnh xác định rõ lợi thế nông nghiệp của tỉnh để quy vùng phát triển nhằm khai thác tối đa thế mạnh, nâng cao giá trị sản xuất. Tỉnh xác định đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 28 ha nhà màng, nhà lưới kết hợp tưới nước và bón phân tự động, bán tự động sản xuất dưa lưới, rau ăn lá, hoa. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, giá trị sản xuất đạt khoảng 1-3 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 10-30 lần so với trồng lúa, 15 lần so với trồng rau thông thường), lợi nhuận trung bình đạt 550 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, có khoảng 540 ha rau màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế 10-30% và tiết kiệm khoảng 55% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Diện tích thủy canh không dùng đất 0,5 ha, chủ yếu là các loại rau xà lách, cải…
Toàn tỉnh cũng có 802 trang trại chăn nuôi, trong đó có 650 cơ sở (80%) đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chăn nuôi khép kín tự động, bán tự động, có hệ thống làm mát tự động, đệm lót sinh học, nuôi an toàn sinh học,...), 122 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng 3 trụ cột chiến lược trong phát triển nông nghiệp dựa trên các lĩnh vực của ngành. Với trồng trọt, chú trọng phát triển chuỗi giá trị, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu từ sản phẩm chủ lực như lúa, rau màu, cây ăn quả...
Với chăn nuôi, sẽ phát triển gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Thủy sản sẽ phát triển các loài thủy sản chủ lực, các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung và dịch vụ hậu cần, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Minh Khuê