Theo UBND huyện Đắk R'lấp, toàn huyện có trên 36.000 ha cây lâu năm, trong đó trên 19.000 ha cây cà phê, 4.350 ha hồ tiêu, 6.760 ha cao su, 1.376,2 ha cây ăn quả các loại... Hiện, toàn huyện chỉ có 11 HTX nông nghiệp. Thời gian qua, chính quyền huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh thành lập các HTX liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo chuỗi giá trị bền vững. Nhờ vậy, hoạt động của các HTX ngày càng củng cố, có nhiều cải tiến trong công tác quản lý, phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp ở huyện Đắk R'lấp trong năm 2019 đạt 5 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng.
![]() |
Trước đây, nông dân ở Đắk R'lấp chủ yếu tập trung vào phát triển trồng cây lâu năm: cà phê, hồ tiêu, điều… Những năm vừa qua, giá cà phê, hồ tiêu, điều giảm thấp khiến nhiều nông dân không có lãi, thậm chí thua lỗ. Vì vậy, mô hình kết hợp chăn nuôi với trồng trọt đã mở ra hướng đi mới bền vững hơn cho nông dân ở địa phương. Toàn huyện hiện có 5 HTX đang sản xuất theo hướng liên kết ở các lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm... dưới tán cây cà phê, điều đem lại hiệu quả cao. Trong đó, mô hình của HTX Nông nghiệp Toàn Phát ở xã Quảng Tín được coi là điển hình thành công ở địa phương.
Chúng tôi đến HTX Nông nghiệp Toàn Phát, chứng kiến nhiều vườn, dưới tán cà phê, những con gà ta đủ màu sắc đang nhởn nhơ bới đất tìm mồi, trông thật thích mắt. Ông Đào Văn Xuyên ở thôn Tư, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp cho biết, trước đây chỉ độc canh cây cà phê, lợi nhuận rất bấp bênh, nhiều mùa giá bán cà phê rớt xuống dưới giá thành, bị thua lỗ.
“Trước kia chưa nuôi gà, mỗi năm phải chi phí 60 triệu tiền phân bón cho 1 ha cà phê, riêng tiền phân bón đã “ăn” mất hết lãi của cà phê. Từ khi nuôi gà trong vườn cà phê, hàng năm chỉ mất 17-18 triệu đồng để mua phân bón vô cơ nên tiết kiệm được nhiều chi phí đầu vào, nhờ vậy trồng cà phê có lãi. Cách chăn nuôi này có ưu điểm tận dụng phân, chất thải bón trực tiếp cho cây cối. Trong khi đó, gà vặt cỏ ăn nên không phải dọn vườn. Đồng thời, gà có tập tính bới đất tìm sâu bọ nên tốt cho cây; ngược lại, gà cũng được cây che bóng mát, ít bệnh hơn”, ông Xuyên nói.
![]() |
Hiện nay, với 1,5 ha cà phê, gia đình thu hoạch khoảng 4 tấn/năm, doanh thu khoảng 120 triệu đồng, trừ tiền thuê lao động, phân bón, chi phí tưới nước, còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Bình quân một năm, ông Xuyên nuôi 2 lứa gà, mỗi lứa thả nuôi 3.000 con. Gia đình ông chỉ nuôi khoảng 4 tháng dưới tán cà phê là đàn gà đạt trọng lượng 2 – 2,2 kg/con, xuất bán với giá 60.000 -70.000 đồng/kg, cho tổng doanh thu 750 – 800 triệu đồng, trừ chi phí, thu về hơn 350 triệu đồng.
Để phát huy hiệu quả kinh tế, ông Xuyên chọn hình thức nuôi gối đầu theo từng đợt. Giống ở đây là giống gà lai chọi. Quy trình khá đơn giản, ban ngày thả ra vườn, tối chúng tự động về chuồng. Trong 20 ngày đầu tiên cho ăn cám công nghiệp, giai đoạn sau đó cho ăn cám trộn bắp xanh, 2 tháng cuối thì chỉ cho ăn bắp (ngô). Nhà trồng 5 sào ngô làm thức ăn cho nuôi gà. Sau mỗi đợt nuôi, ông Xuyên phải thuê người về phun thuốc và rắc vôi sát khuẩn vệ sinh lại chuồng, vườn nhằm tạo môi trường sạch cho lứa gà tiếp theo.
Ông Xuyên tham gia HTX Nông nghiệp Toàn Phát, được HTX bao tiêu toàn bộ cả đầu vào và đầu ra. Ở đầu vào, HTX đứng ra mua con giống và cám công nghiệp từ các nhà máy lớn Japfa hoặc Dabaco đưa về cung cấp cho các hộ gia đình. Toàn bộ gà xuất chuồng được HTX ký hợp đồng với các doanh nghiệp đến thu mua.
Ông Bùi Văn Ánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Toàn Phát cho biết, HTX đã tập hợp được hơn 150 hộ chăn nuôi, chia thành 4 nhóm: gà, heo, dê, bò. Các vật nuôi này đều được chăn thả vườn dưới tán cây cà phê, cây điều, cây tiêu. Riêng nhóm nuôi gà có hơn 50 hộ tham gia, chăn nuôi các giống gà lai chọi, gà J lai Dabaco, gà thả vườn Japfa… được HTX bao tiêu sản phẩm.
Để có được thành công đó, ngoài việc chủ động con giống, các hộ còn trợ giúp nhau về ngày công tiêm phòng… Các nhóm hộ cùng nhau cộng tác, rất gần gũi như anh em, nhờ đó kết nối sản xuất theo chuỗi, định hướng chiến lược rất rõ ràng, từ con giống đến đầu ra. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất 12.000 con gà thịt, đầu ra ký hợp đồng với một số doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, họ mua và bán tại TP Hồ Chí Minh.
Trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh Đắk Nông cho phép HTX Nông nghiệp Toàn Phát sử dụng địa danh Đắk R’Lấp trong nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho sản phẩm Gà thả vườn của huyện Đắk R’lấp. Điều kiện sử dụng địa danh này được quy định trong văn bản của UBND tỉnh: không cho bảo hộ độc quyền từ “Đắk R’Lấp”, sản phẩm gà thịt tiêu thụ được gắn logo phải được sử dụng nguyên liệu và được sản xuất trên địa bàn huyện Đắk R’lấp; chất lượng sản phẩm phải đảm bảo uy tín và danh tiếng của sản phẩm mang địa danh Đắk R’lấp. .
Để giúp bà con nuôi gà ở Đắk R’Lấp đạt hiệu quả, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN&PTNT) đã xây dựng các mô hình khảo nghiệm và tiến hành chuyển giao cho nông dân các quy trình nuôi gà thả vườn và đã nhân rộng mô hình sản xuất tại nhiều điểm trên địa bàn. Một số nơi, nông dân đã tự tin mở rộng quy mô chăn nuôi, không những phát triển trong nông hộ mà đã có nhiều trang trại chăn nuôi gà được hình thành. Ngoài ra, người dân đã từng bước chú trọng ứng dụng các kỹ thuật chăn nuôi mới vào sản xuất, biết cách sử dụng vắc xin để phòng bệnh. Bên cạnh đó, một số hộ biết vận dụng các chế phẩm sinh học vào chăn nuôi, tạo ra môi trường chăn nuôi lành mạnh, không có mùi hôi, hướng đến một nền chăn nuôi bền vững, lâu dài.
Chu Khôi