![]() |
Tính đến nay, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện Bình Gia đạt 11,78 tiêu chí nông thôn mới (NTM), trong đó 6 xã (đều là xã đặc biệt khó khăn) đạt 19/19 tiêu chí. Đặc biệt, điểm nhấn trong xây dựng NTM của huyện là tận dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình NTM để hỗ trợ người dân, HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Điểm sáng từ nông nghiệp
Một trong những mô hình liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện Bình Gia là mô hình liên kết trồng cây mắc ca của HTX Nông lâm nghiệp Kéo Coong (xã Tân Văn).
HTX có quy mô hơn 5.000 cây mắc ca, được trồng trên diện tích 15 ha. Ông Nông Văn Viên, Giám đốc HTX cho biết nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, sản lượng bình quân của loại cây này đạt hơn 1 tấn quả tươi/vụ, tương đương khoảng 4 tạ hạt thành phẩm. Sản phẩm được bao tiêu đầu ra bởi Công ty Cổ phần Macca sachi Lạng Sơn với giá bình quân 30 nghìn đồng/kg quả tươi.
HTX cũng đang chú trọng đến đóng gói hạt mắc ca đã qua sơ chế, sau đó ký hợp đồng bán thành phẩm cho doanh nghiệp để đạt giá trị kinh tế cao hơn và hướng đến quảng bá rộng sản phẩm đến thị trường cả nước.
HTX Kéo Coong được xã Tân Văn đánh giá là đầu kéo hỗ trợ người dân trong xã sản xuất mắc ca. Hiện, trên địa bàn xã có khoảng 200ha mắc ca. Những hộ nào sản xuất theo quy trình kỹ thuật đều được HTX Kéo Coong hỗ trợ bao tiêu để bán cho doanh nghiệp. Đặc biệt việc đẩy mạnh sơ chế, chế biến sẽ là cơ hội mở rộng đầu ra cho loại nông sản này.
Mô hình trồng mắc ca theo hướng hàng hóa chính là một trong những nền tảng thúc đẩy xã Tân Văn trong xây dựng NTM. Tân Văn vốn là một trong 18 xã, thị trấn đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia. Nhờ tận dụng được diện tích đất đai rộng lớn để phát triển mắc ca, trồng chè, nuôi bò bán chăn thả với sự dẫn dắt của Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản thôn Kéo Coong…, xã đã nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí NTM vào năm 2019. Không dừng lại ở đó, xã tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và đến nay đạt 10/14 tiêu chí.
![]() |
Cây mắc ca được đánh giá là phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Bình Gia. |
Không chỉ có HTX Kéo Coong, huyện Bình Gia còn xây dựng thành công 20 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Tiêu biểu là mô hình trồng chè dưới tán hồi ở thị trấn Bình Gia. Ông Lê Tiến Lâm, Giám đốc HTX Chè dưới tán hồi cho biết 3 năm trở lại đây, từ nguồn hỗ trợ của chương trình NTM, HTX đã tập trung sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 35 ha. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm.
Hiện, sản phẩm chè khô của HTX có giá 200.000 đồng/kg, cao hơn 20-30% so với sản xuất chè thông thường. Sản phẩm chè dưới tán hồi của HTX được trao chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) hạng 3 sao. Qua đó, tạo tiền đề để mở rộng diện tích cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.
Ngoài 2 mô hình trên, toàn huyện Gia bình đã trồng mới trên 5.000 ha rừng sản xuất và 377 ha cây ăn quả. Bên cạnh đó, huyện bước đầu hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh như vùng cây hồi, quế, mỡ, keo, bạch đàn, sở, quýt, mắc ca…
Những mô hình kinh tế này đã góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy xây dựng NTM. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện mới đạt 17,6 triệu đồng thì đến nay đã tăng lên khoảng 36 triệu đồng/năm.
Gỡ khó cho những xã đặc biệt khó khăn
Bình Gia có 1 thị trấn và 18 xã, trong đó có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 2 xã là Tân Văn và Hồng Phong đang xây dựng NTM nâng cao.
Để tiếp tục giúp các xã còn lại hoàn thiện 19/19 tiêu chí NTM, huyện đang tập trung hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn. Bởi theo chính quyền địa phương huyện Bình Gia, những xã đặc biệt khó khăn có xuất phát điểm thấp nhưng nếu xây dựng NTM thành công sẽ là động lực để nhân dân trong toàn huyện học tập.
Chẳng hạn như xã Thiện Long dù phấn đấu về đích cuối năm 2021 nhưng đến tháng 10/2021, xã mới đạt 9/19 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông, điện, trường học, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Để gỡ khó cho Thiện Long, huyện Bình Gia đang chủ động lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ xã triển khai xây dựng các công trình hạ tầng. UBND huyện tiếp tục hỗ trợ xi măng cũng như lồng ghép thêm các nguồn lực khác để xã Thiện Long triển khai xây dựng thêm 2,1 km đường trục thôn. Một số cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ 7 gia đình trên địa bàn xã, mỗi gia đình từ 15 - 50 triệu đồng để xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở. Quỹ bảo vệ môi trường hỗ trợ 80 triệu đồng để xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh…
![]() |
Các xã khó khăn của huyện Bình Gia đều được quan tâm trong xây dựng nông thôn mới. |
Hay như xã Vĩnh Yên, đến đầu năm 2021 mới hoàn thiện 15/19 tiêu chí. Các tiêu chí như giao thông, điện, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, xã nỗ lực hoàn thiện trong năm nay. Tuy nhiên, đây là những tiêu chí đòi hỏi vốn và ý thức của toàn dân nên huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền đồng thời hỗ trợ xã vốn để hoàn thiện.
Đến nay, xã đã hoàn thiện 18/19 tiêu chí và đang hoàn thiện những yêu cầu cuối cùng trong tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Vĩnh Yên hy vọng đến năm 2022 sẽ được công nhận đạt chuẩn NTM.
Ngoài hỗ trợ các xã khó khăn, trong thời gian tới huyện Bình Gia sẽ tập trung hỗ trợ các xã nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, trong đó chú trọng tiêu chí thu nhập, khu dân cư kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh hỗ trợ các xã trong việc liên kết sản xuất, khuyến khích các hộ dân thành lập các tổ hợp tác nông nghiệp, các HTX để phát triển kinh tế. Huyện cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các cây trồng, vật nuôi phù hợp có giá trị, có thị trường ổn định để phát triển, cùng với đó là tìm kiếm các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.
Mục tiêu của huyện là đến năm 2024, tất cả các xã đều đạt chuẩn NTM, và có ít nhất thêm 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, từ đó đưa huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025.
Tùng Lâm