Tại Hội nghị Kiểm tra, rà soát, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao huyện Gia Lâm, ngày 14/9, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, huyện đang thực hiện 2 nhiệm vụ cùng một lúc, đó là xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và xây dựng huyện thành quận.
Phố trong làng
Đến hết năm 2022, huyện Gia Lâm đã có 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 75%). Trước kết quả trên, huyện đang tập trung vào xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 5 xã (Kim Sơn, Trung Màu, Yên Thường, Dương Quang, Đông Dư) còn lại, hướng đến cuối năm 2023, 100% số xã trong huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Riêng đối với 9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, hiện huyện đã đạt 8/9 tiêu chí, chỉ còn 1 tiêu chí cơ bản đạt.
Điều đặc biệt là nhờ thực hiện song song hai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng huyện thành quận, Gia Lâm đã chú trọng đến các tiêu chí như: điện, y tế, văn hóa, giáo dục; kinh tế; môi trường; chất lượng môi trường sống; an ninh trật tự, hành chính công. Ngoài ra, các yếu tố như quy hoạch giao thông, thủy lợi; thực hiện phòng chống thiên tai cũng được quan tâm nhằm tạo điều kiện cho các xã phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Chính vì vậy mà tuy là huyện ngoại thành, nhiều người gắn bó với nông nghiệp, làng nghề truyền thống nhưng nay, chính những vùng quê ấy đã phát triển ngày càng nhộn nhịp, văn minh và có hơi hướng của đô thị.
Điển hình như tại xã Dương Xá, để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã đầu tư mạnh cho lĩnh vực y tế, văn hóa, du lịch. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao luôn thu hút trên 60% số người dân tham gia, hoạt động của các câu lạc bộ được duy trì thường xuyên, hiệu quả. Hệ thống y tế được nâng cấp về cơ sở vật chất, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám, chữa bệnh...
![]() |
Các đại biểu rà soát, đánh giá từng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Gia Lâm. |
Còn tại xã Văn Đức, tuy là xã thuần nông nhưng người dân đã làm giàu được từ sản xuất nông nghiệp. Hiện, Văn Đức là một trong những vựa rau lớn nhất của Hà Nội được sản xuất theo hướng an toàn và VietGAP. Trên địa bàn xã có khoảng 300ha sản xuất nông nghiệp, trong đó đã có 200ha chuyên canh rau với sự tham gia của HTX Văn Đức. Để phát triển nông thôn mới nâng cao, xã khơi dậy thế mạnh nông nghiệp bằng việc phát triển các sản phẩm OCOP. Các tuyến đường ra đồng cũng đều được bê tông hóa, có điện kéo đến tận nơi sản xuất nhằm tạo thuận lợi cho ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao. Điều này là minh chứng cho hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã được nâng cấp ngày một đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, HTX theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Nhờ làm tốt các tiêu chí, đến nay, Gia Lâm là một trong những huyện đi đầu của TP Hà Nội về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 71,7 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, huyện có 20.038/27.450 lao động được đào tạo; hầu hết lao động đều có việc làm; 100% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển; 100% số hộ sử dụng nước sạch...
Nông thôn mới nâng cao làm nền tảng
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, tuy thực hiện song song hai nhiệm vụ là xây dựng nông thôn mới nâng cao và đưa huyện lên quận nhưng huyện luôn xác định, xây dựng nông thôn mới nâng cao chính là nền tảng để hoàn thành các tiêu chí để trở thành quận trong thời gian tới.
Bởi, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Gia Lâm đang chú trọng rất nhiều tiêu chí như hạ tầng, văn hóa, y tế, giáo dục, nâng cao sản phẩm OCOP, phát triển du lịch nông nghiệp… Nếu thực hiện tốt các tiêu chí này, các xã trong huyện sẽ đều phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững, từ đó tạo điều kiện để huyện trở thành đô thị, hướng đến trở thành quận một cách thuận lợi. Ngược lại, Gia Lâm là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nên đòi hỏi tất yếu xây dựng nông thôn mới nâng cao sẽ phải gắn với phát triển đô thị để tạo sự đồng bộ cũng như tạo sự thuận lợi cho người dân, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, kiểm tra cho thấy, Gia Lâm vẫn còn những khó khăn nhất định trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cụ thể, trong tiêu chí môi trường, mặc dù các địa phương đã cố gắng đầu tư nhưng việc nhân rộng còn có hạn chế.
Chẳng hạn như tại làng nghề Bát Tràng trước đây luôn sống trong cảnh ô nhiễm. Đó là chưa kể đường sá, các cơ sở sản xuất luôn trong tình trạng nhem nhuốc vì sử dụng than, đất để tạo thành phẩm. Nhưng nhờ thay thế từ các lò đốt than bằng lò đốt gas, đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề đã được giảm thiểu. Khi làng nghề phát triển bền vững, Bát Tràng đã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao từ năm 2020 và dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
![]() |
Đích nông thôn mới kiểu mẫu của xã Bát Tràng không còn xa bởi sự đầu tư đồng bộ của địa phương. |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện, việc nhân rộng những mô hình, công nghệ hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm môi trường vẫn còn gặp khó khăn nhất định do trình độ người dân, do nguồn vốn và do cả vấn đề quy hoạch. Làng nghề truyền thống Bát Tràng được TP Hà Nội quy hoạch, đầu tư, bảo tồn phát triển kết hợp với du lịch là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển sản phẩm OCOP, trở thành điểm du lịch thông minh thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Thế nhưng, ở một số làng nghề như dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ, thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp... tuy đã mang lại nhiều giá trị nhưng còn khó khăn trong chuyển dịch, đầu tư công nghệ, bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện diễn ra nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, ô nhiễm môi trường gia tăng trong khi một bộ phận nông dân còn tâm lý giữ đất chờ dự án, không thiết tha với đồng ruộng. Điều này khiến HTX, doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp hàng hóa, cánh đồng lớn, công nghệ cao chưa phát huy được hết vai trò của mình.
Đối với các làng nghề, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, việc tìm kiếm đơn hàng đi đôi với xanh hóa làng nghề đang là những thách thức lớn.
Hướng đến nông thôn mới nâng cao vào năm 2024
Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, ông Ngọ Văn Ngôn cho rằng xét trên tổng thể, Gia Lâm đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tính đến nay, 5 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023 của huyện là: Kim Sơn, Trung Màu, Yên Thường, Dương Quang, Đông Dư đều đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo yêu cầu. Riêng với 2 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, kết quả tự đánh giá của địa phương cho thấy: Ninh Hiệp đã đạt 2 lĩnh vực kiểu mẫu là du lịch và văn hóa; xã Bát Tràng đạt 2 lĩnh vực là du lịch và an ninh trật tự.
Tuy nhiên, để hướng đến công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào đầu năm 2024, Gia Lâm cần chủ động hướng dẫn các xã rà soát các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp quy định mới... Trong đó, đặc biệt là rà soát, chỉ rõ những thiếu sót, khó khăn của các xã để có hướng tháo gỡ kịp thời về vốn, công nghệ..., từ đó hoàn thành hồ sơ tốt nhất trình các cấp xem xét.
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Muốn vậy, cần để nhân dân cùng tham gia trao đổi, thống nhất thực hiện. Coi trọng quy hoạch các đường trục chính, khu trung tâm của các xã. Các đề án được xây dựng dựa trên quy hoạch và bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, hiệu quả thì mới tạo nền tảng cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu một cách hiệu quả.
Minh Nhương