Sự đổi mới trong bộ mặt nông thôn tại Đông Phương không chỉ dừng lại ở việc nắm bắt và vận dụng hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước, mà còn nhờ sự đoàn kết, quyết tâm của người dân và chính quyền.
Bước đi đột phá
Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) năm 2014, xã Đông Phương luôn giữ vững và tiếp tục phát huy chất lượng các tiêu chí, xây dựng kế hoạch và phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Xã đã huy động được gần 122 tỷ đồng xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó nguồn xã hội hóa trên 42 tỷ đồng. Bê tông hóa 100% các tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 40km, trên 9.700m đường nội đồng, xây mới 7/7 nhà văn hóa thôn… Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của xã đạt 59 triệu đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2010.
Đến giữa tháng 3/2020, xã Đông Phương cơ bản hoàn thành 11/11 tiêu chí xã NTM nâng cao và đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định để tỉnh về thẩm định.
Có kết quả trên là do Đông Phương tập trung vào tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân. Theo chính quyền địa phương, là một xã chủ yếu phát triển nông nghiệp, việc đẩy mạnh nâng cao thu nhập từ nông nghiệp cũng là nền tảng để nâng cao và hoàn thành các tiêu chí khác.
Đông Phương tập trung xây dựng mô hình HTX kiểu mẫu, vận động nông dân tham gia HTX trực tiếp sản xuất trên thửa ruộng của mình theo quy hoạch hoặc làm thuê cho HTX, còn HTX xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng sản xuất, liên kết với doanh nghiệp chịu trách nhiệm về giống, phân bón, các dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
HTX Đông Phương có vai trò quan trọng trong việc hình thành vùng liên kết sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: Internet) |
Đó là mô hình sản xuất của HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Đông Phương. Từ sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, HTX thuê đất sản xuất, trong đó chủ yếu là tập trung vào trồng màu và trồng lúa.
Với hình thức xen canh, HTX trồng 4 vụ rau màu/năm, trong đó chú trọng liên kết với CTCP Chế biến nông sản thực phẩm xuất nhập khẩu Hải Dương trồng mướp đắng và bí xanh để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đầu ra nông sản cũng thuận lợi vì được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu.
Trong phát triển trồng lúa, HTX liên kết với nhiều doanh nghiệp đưa các giống mới vào sản xuất. Tính riêng vùng cấy giống lúa Nhật, mỗi vụ doanh nghiệp trả HTX 200 đồng/kg thóc, tương đương 8 - 10 triệu đồng/vụ.
Cách thức sản xuất trên là tiền đề giúp nông dân trong xã mạnh dạn tự thuê ruộng của nhau để tích tụ ruộng đất, mạnh dạn chuyển đổi cách làm.
Nhiều hộ đã chủ động thuê đất mở trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Điển hình như ở thôn Đông, khu vực ven sông Diêm Hộ, người dân chuyển đổi đất sang trồng ớt, bí xanh, bí đỏ, dưa lê… cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Với những gì đang làm, HTX Đông Phương góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất của toàn xã. Hiện có 2.280/2.600 hộ gia đình là thành viên của HTX. Thu nhập của người dân làm thuê đạt 2,1 triệu đồng/người/tháng, chưa kể lợi nhuận từ bán hoa màu, thóc…
Theo chính quyền UBND xã, nhờ đẩy mạnh phát triển mô hình HTX toàn xã, người dân đã thay đổi cách làm theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh đầu tư liên kết. Đến nay, trên 95% lao động tại địa phương có việc làm ổn định.
Miền quê đáng sống
Từ một xã thuần nông, lúa là cây trồng chủ yếu thì nay, Đông Phương đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình, phát triển mạnh cây vụ Đông và hình thành nhiều cánh đồng mẫu, cánh đồng có liên kết bao tiêu nông sản từ đầu vụ, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Cùng với sự đầu tư về kinh tế, xã còn đẩy mạnh mọi nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng. Đến nay, Đông Phương như được “thay da đổi thịt”, đường sá đi lại thuận tiện. Ngay từ con đường ra cánh đồng cũng được bê tông, kiên cố hóa, do vậy việc sản xuất và đi lại của người dân thuận lợi hơn trước đây.
Đông Phương là xã đi đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Đông Hưng (Ảnh: Internet) |
Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn thường xuyên được duy trì, phong trào văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo người dân tham gia, cùng với đó là việc quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa trên địa bàn cũng ngày được nâng cao.
Có thể thấy, tiếp tục xây dựng, duy trì và giữ vững các tiêu chí trong phát triển NTM là điều không hề đơn giản, vì đây là chương trình không có điểm kết thúc, đòi hỏi toàn thể nhân dân phải nỗ lực phấn đấu, không được bằng lòng với những gì đã có.
Tuy nhiên, bằng việc xác định rõ thế mạnh của địa phương trên con đường phát triển kinh tế xã hội, Đông Phương không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương trở thành một miền quê đáng sống, có “Không khí vui vẻ, môi trường sạch sẽ, cảnh quan đẹp, cuộc sống bình yên”, xứng đáng là lá cờ đầu trong phong trào thi đua của huyện trong xây dựng NTM.
Huyền Trang