Sau chưa đầy một năm thành lập nhưng với cách làm thông minh, khách du lịch đến với nông trại của HTX du lịch nông nghiệp Nông Trại Vui (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh) ngày càng đông. Đây là thành quả của sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các thành viên HTX và nông dân liên kết.
Bắt tay làm du lịch sinh thái
Chị Lê Thị Hồng Minh, người sáng lập HTX Nông Trại Vui chia sẻ, vùng đất Diên Lâm có nhiều yếu tố "thiên thời, địa lợi", với nền khí hậu mát mẻ, đồng quê yên bình, không khí trong lành, hạ tầng cũng dần hoàn thiện… nên rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.
Bản thân chị Minh được đào tạo chuyên ngành du lịch, cũng gắn bó với lĩnh vực này trong nhiều năm, chị nhận thấy bên cạnh loại hình du lịch truyền thống như tham quan biển đảo, thắng cảnh, di tích nổi tiếng, thì loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm ngày càng hút khách.
Nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái là hướng đi mở, giàu tiềm năng cho nông dân (Ảnh: BKH). |
Với những thế mạnh sẵn có tại địa phương, cùng những kinh nghiệm của bản thân, chị Minh đã cùng các cộng sự và những hộ nông dân tâm huyết quyết tâm thành lập HTX làm nông nghiệp sinh thái.
Đến nay, HTX có diện tích 3,4ha, được xây dựng khoa học, giúp du khách có được những trải nghiệm thú vị. Cụ thể như khu vực trồng các cây xoài Đài Loan, tứ quý hàng trăm cây; khu vực trồng rau củ quả, nuôi cừu, thỏ, dê, gà, vịt, cá và khu vực dành cho các hoạt động vui chơi, trải nghiệm cắm trại…
Cái lợi của làm nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, theo chị Minh, trước hết là bảo vệ môi trường sinh thái. Khi theo đuổi mô hình này, các thành viên, nông dân liên kết của HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt sản xuất hữu cơ, không lạm dụng hóa chất, qua đó giảm thiểu ô nhiễm, tạo cảnh quan xanh.
Cùng với lợi ích về môi trường, các giá trị về kinh tế cho nông dân cũng được cải thiện đáng kể, bởi bên cạnh các sản phẩm sạch bán ra thị trường, thì các khu vườn còn tạo ra doanh thu khi khách du lịch tới thăm. Đáng mừng hơn, thời gian qua, với tiếng vang tạo dựng được, không ít doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đang liên hệ với HTX để đưa khách tham quan tới.
Không chỉ là những cánh chim lẻ, nông nghiệp kết hợp du lịch đang ngày càng phát triển ở Khánh Hòa. Cách đây không lâu, một đoàn công tác từ Indonesia đã đến tham quan, tìm hiểu tại HTX du lịch nông nghiệp Cuộc Sống Xanh (xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh).
Sức hút ngày càng tăng
HTX Cuộc Sống Xanh là một HTX đa ngành nghề bao gồm trồng cây ăn quả, rau xanh, mua bán nông sản, dịch vụ tham quan trải nghiệm, tổ chức các trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống…
“Mục sở thị” tại HTX, ông Teten Masduki, Bộ trưởng Bộ HTX và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia đánh giá đây là một mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch tuyệt vời, ông kỳ vọng mô hình sẽ được áp dụng tại Indonesia. Bên cạnh đó, ông mong muốn có nhiều mặt hàng làm ra từ các HTX của Khánh Hòa xuất hiện tại Indonesia, nhất là các loại trái cây hút khách như xoài, mít…
Khánh Hòa đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy du lịch nông nghiệp sinh thái (Ảnh: BKH). |
Có thể thấy, với đặc thù của một địa phương nhiều loại địa hình, văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, sản vật phong phú…, Khánh Hòa hội tụ các yếu tố để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Và thực tế các mô hình đang mang lại hiệu quả cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, HTX.
Ngành nông nghiệp của tỉnh đã định hình được nhiều cây trồng, vật nuôi chủ lực, trở thành đặc sản như xoài, bưởi, sầu riêng, tôm hùm…, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, phát triển theo hướng sạch và an toàn, phục vụ nhu cầu xã hội và phát triển du lịch.
Cùng với đó, các vùng quê nông thôn trên địa bàn Khánh Hòa có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, làng quê trù phú, vườn trái cây trĩu quả, và những làng nghề truyền thống hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa dân tộc như làm gốm, dệt chiếu cói, chế tác đá mỹ nghệ, đúc đồng…
Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa, cho biết du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong 5 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được tỉnh triển khai.
Theo đó, những năm qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, phát huy tiềm năng, lợi thế về nông thôn, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái đặc trưng của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
“Bước đầu đã có nhiều trang trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi… trên địa bàn tỉnh khai thác phục vụ du lịch. Tỉnh cũng đã công nhận xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) và làng nghề trầm hương xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) là điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng…”, ông Hoan cho hay.
Hiện thực hóa các tiềm năng
Đang có những thành công đáng kể, tuy nhiên, có một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận là việc phát triển các sản phẩm du lịch đồng quê, du lịch gắn với nông nghiệp, cộng đồng tại Khánh Hòa còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có tại các địa phương.
Các loại nông sản, thủy sản sơ chế bán cho khách du lịch còn chưa thực sự đa dạng. Du lịch gắn với cộng đồng nông thôn, làng chài ven biển vẫn còn chưa mạnh, tính đặc sắc chưa cao. Du lịch cộng đồng vẫn chiếm tỷ lệ quá thấp so với tổng doanh thu của ngành du lịch Khánh Hòa (chủ yếu là du lịch biển đảo).
Với những diễn biến thực tế, để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh rà soát, đánh giá hoạt động du lịch tại nông thôn, xác định cụ thể các khu du lịch gắn với nông nghiệp, gắn với sản phẩm nông thôn đặc trưng.
Tỉnh cũng sẻ đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các mô hình điểm, tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch ở khu vực nông thôn, ưu tiên đầu tư, nâng cấp hạ tầng các điểm du lịch trong nông nghiệp, khu vực nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại các địa phương. Cùng với đó, tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý du lịch, kỹ năng phục vụ du lịch, cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú cho cộng đồng dân cư ở các địa phương…
Minh Khuê