Đồng Tháp đang đẩy mạnh nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiện đại (Ảnh tư liệu) |
Cánh đồng hiện đại
Mô hình trồng lúa thông minh của HTX Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười) được triển khai thực hiện từ vụ Đông Xuân 2017 – 2018, trên tổng diện tích gần 8 ha.
Để thực hiện và phát huy hiệu quả của mô hình, HTX đã liên kết với công ty RynanSmart Fetilizers (Trà Vinh) nhằm có được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời về khoa học – kỹ thuật và thị trường tiêu thụ.
Giám đốc HTX Mỹ Đông 2, ông Ngô Phước Dũng cho biết đặc điểm nổi bật của mô hình trồng lúa thông minh là các hộ sản xuất áp dụng phương pháp bón phân tan chậm kết hợp với sử dụng các chế phẩm sinh học không gây hại cho môi trường sinh thái.
Kết quả, sản xuất lúa thông minh giúp thành viên HTX Mỹ Đông 2 giảm thiểu lượng giống, chỉ khoảng 8 kg/công. Năng suất bình quân đạt 7 – 8 tấn lúa tươi/ha, chi phí sản xuất giảm 45 – 50% so với phương thức canh tác cũ, đảm bảo lợi nhuận cao cho người sản xuất.
Cũng ở Tháp Mười, HTX Thắng Lợi là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia mô hình “cánh đồng lúa liên kết” của tỉnh Đồng Tháp từ những năm 2010. Mô hình cánh đồng liên kết được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.
Để đảm bảo tính hiệu quả của mô hình, HTX Thắng Lợi đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng, nhà khoa học đã tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm cho nông dân, cùng nông dân trao đổi, hướng dẫn cách ghi chép sổ tay tình hình sản xuất lúa (nhật ký mô hình).
Nhờ sản xuất thông minh, nhiều nông dân đang đổi đời (Ảnh TL) |
Nông dân làm giàu
Giám đốc HTX Thắng Lợi, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết đến nay trên 90% diện tích cánh đồng của HTX đã áp dụng phương pháp sạ hàng thủ công và sạ hàng bằng máy, giúp nông dân tiết kiệm 60 kg lúa giống/ha/vụ, đồng thời lượng phân bón giảm 15 kg/ha.
Sản xuất hiện đại cũng giúp HTX tiết kiệm 250 - 400 đồng/kg lúa thương phẩm, chênh lệch lợi nhuận vào khoảng 3 – 3,5 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất cũ.
“Chi phí sản xuất giảm, thị trường tiêu thụ được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của thành viên, nông dân liên kết của HTX ngày càng được nâng cao. Hiện, 100% thành viên, hộ liên kết của HTX đã thoát nghèo, hàng chục hộ vươn lên làm giàu”, ông Hùng cho hay.
Không chỉ tại các HTX, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng đang rất chủ động, sáng tạo trong việc liên kết với doanh nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, từ đó vươn lên làm giàu.
Thời gian qua, ông Nguyễn Chánh Tài ở xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) đã áp dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay 2 vụ (Hè Thu, Đông Xuân) trên cánh đồng gần 11ha. Đây cũng là diện tích lúa nằm trong mô hình “ruộng nhà mình, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Ông Tài so sánh, chi phí phun thuốc bằng máy bay và thuê người phun thủ công thì không chênh lệch nhiều, tầm khoảng 200 nghìn đồng/ha. Nhưng phun bằng máy bay thì có thêm nhiều cái lợi: tiết kiệm 15% lượng thuốc, lúa không bị đổ ngã, thời gian phun rất nhanh, tác động hiệu quả lên cây lúa.
“Ưu điểm lớn nhất là người phun thuốc không bị ảnh hưởng sức khỏe do không phải mang vác nặng và tiếp xúc trực tiếp với thuốc khi phun. Dựa vào công nghệ mới, nông dân chúng tôi tự tin sống khỏe, làm giàu”, ông Tài phấn khởi nói.
Có thể thấy, công nghệ thời 4.0 giờ đã len lỏi đến từng mảnh vườn, thửa ruộng của nhiều hộ nông dân tỉnh Đồng Tháp. Những thành quả đang có chứng minh những chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông dân làm nông nghiệp thông minh là vô cùng đúng đắn.
Sáu Ngạn