Năm 2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 10.000 ha khoai lang, trồng chủ yếu ở các huyện Lắk, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Búk, Krông Ana, Krông Bông, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng sản lượng toàn tỉnh ước đạt gần 300.000 tấn.
Giá bán tăng cao, người dân thu lãi tiền tỷ
Trái với khoảng thời gian khó khăn trước đây do khoai lang bị rớt giá khiến cuộc sống người dân bấp bênh, việc Việt Nam ký kết Nghị định thư với Trung Quốc để mặt hàng này xuất khẩu qua quốc gia tỷ dân đã giúp giá khoai lang tại Đắk Lắk tăng cao hơn mọi năm.
Giá khoai lang tăng cao nhất từ trước đến nay đã giúp một số hộ ở Đắk Nuê có thu nhập tiền tỷ. (Ảnh: Int) |
Nhiều năm gắn bó với cây khoai lang Nhật Bản, ông Nguyễn Đình Vinh (ngụ xã Đắk Nuê, huyện Lắk) cho biết, chưa năm nào phấn khởi như năm nay vì được mùa, được giá. Gia đình ông Vinh trồng 7 ha khoai lang Nhật Bản ruột vàng theo hướng VietGAP, toàn bộ theo hướng sinh học, sử dụng công nghệ cao và phân vi sinh để canh tác. Đặc biệt, năm nay, thời tiết thuận lợi, năng suất mỗi ha ước đạt từ 25-30 tấn. Sau khi trừ các chi phí, người dân thu về từ 250 - 300 triệu đồng/ha.
Theo ông Vinh, năm ngoái, giá khoai lang xuống thấp, người dân chỉ bán được 40 triệu đồng/ha, trong khi phải bỏ chi phí đầu tư 120 triệu đồng/ha. Tính ra, người trồng khoai lỗ khoảng 80 triệu đồng/ha.
"Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm trồng khoai mà giá lại cao như thế. Với giá bán như hiện nay, gia đình thu về gần 2 tỷ đồng tiền lãi”, ông Vinh hồ hởi.
Là người cùng xã, bà Vũ Thị Thủy cũng có 5 ha khoai lang sắp đến kỳ thu hoạch, sản lượng ước đạt 120 tấn củ.
Bà Thủy chia sẻ, những năm trước, do thị trường khoai lang không ổn định, đầu ra bấp bênh, nên gia đình vụ lời, vụ lỗ. Năm nay, do sản lượng khoai ít cộng với việc mặt hàng nông sản này được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã giúp giá bán tăng đáng kể.
"Khoai lang được mùa, được giá hơn năm ngoái, đầu ra cũng ổn định hơn, bà con đỡ vất vả. Khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sẽ có đầu ra và giá ổn định. Bây giờ có đầu ra thì bà con nông dân tập trung làm theo quy trình và mở rộng diện tích để tăng thu nhập”, bà Thủy cho hay.
Cũng tại Đắk Nuê, ông Phan Nam Phong là người có hơn 10 năm trồng khoai lang cho biết, chưa năm nào giá khoai lại cao như hiện nay, cho nên ngoài việc trồng khoai, năm nay, ông Phong kiêm luôn dịch vụ thu mua khoai của bà con trong khu vực.
Theo ông Phong, người dân trồng khoai lang hầu hết đều có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật canh tác, nên kiểm soát được rủi ro, dịch bệnh, bảo đảm năng suất khá ổn định. Đặc biệt, năm nay, giá khoai cao nhất từ trước đến nay, giá tại vườn tới 14.000 đồng/kg, cộng với đạt năng suất nên bà con trồng khoai trúng lớn.
“Những năm gần đây, người dân nhận thấy hiệu quả kinh tế của khoai lang, nhiều diện tích cây hoa màu như ngô, sắn không mang lại hiệu quả kinh tế đã được bà con dần chuyển sang trồng khoai. Không những thế, cây khoai lang còn là loại cây trồng góp phần tích cực vào quá trình thay đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Phong cho biết.
Liên kết để phát triển bền vững
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, việc khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sẽ mở lối thoát cho khoai lang hiện nay vì đầu ra cho sản phẩm này sẽ ổn định, giúp định hình các vùng sản xuất trọng yếu, đưa nông dân đến tiếp cận với sản xuất tập trung quy mô lớn, có lợi nhuận tốt hơn.
Tuy nhiên, sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sẽ phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập. Do đó, để khoai lang "rộng đường" sang thị trường Trung Quốc, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp và nông dân là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu đặt ra.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk đã vận động người dân thành lập các HTX, tổ hợp tác để xây dựng vùng nguyên liệu lớn. |
Do đó, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Chi cục đã vận động người dân thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) để xây dựng vùng nguyên liệu lớn đủ điều kiện cấp mã vùng trồng.
“Một hộ nông dân thì có thể canh tác không đúng theo tiêu chuẩn nhưng khi tham gia vào HTX/THT, có liên kết với doanh nghiệp thì bắt buộc phải sản xuất theo quy trình cụ thể. Các thành viên trong HTX sẽ giám sát lẫn nhau vì một trường hợp làm không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến những người khác”, ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên cho biết, hiện nay, khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nói chung, khoai lang nói riêng là vấn đề dài hơi, phụ thuộc nhiều yếu tố. Đối với khoai lang, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sẽ càng khó khăn hơn vì có tính đặc thù mang tính chất mùa vụ.
“Để nâng cao chất lượng khoai lang cần sự vào cuộc, quản lý đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước. Đối với người dân, nên tham gia kinh tế tập thể. Bởi khi tham gia kinh tế tập thể, bà con sẽ được sự giám sát, quản lý hỗ trợ của nhà nước về vận hành, kỹ thuật canh tác”, ông Tùng nói.
Theo ông Cao Quang Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Tín, xã Đắk Nuê, HTX được thành lập từ năm 2019 với diện tích 240 ha. Theo ông Phương, vụ này HTX có sản lượng trên 3.600 tấn củ, với mức giá thu mua gần 14.000 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận thỏa đáng cho các thành viên.
Giám đốc HTX Thành Tín cho biết thêm, để việc trồng khoai lang của các thành viên được bền vững, đơn vị này đã xây dựng mã vùng trồng cho hơn 130 ha khoai lang Nhật Bản. Khi HTX liên kết với các doanh nghiệp làm mã vùng trồng để xuất khẩu khoai chính ngạch sang Trung Quốc đã ký hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, người dân khi trồng khoai lang sẽ có giá bán thấp nhất cho doanh nghiệp là 8.000 đồng/kg, giúp người dân yên tâm sản xuất.
"Hiện nay, HTX là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Việc này giúp nông dân giảm được công phun thuốc 60% và 30% thuốc, phân. Đặc biệt khi sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc, phân thì không tác động đến môi trường.
Ngoài ra, HTX sẽ đầu tư phân bón, hướng dẫn các thành viên về kỹ thuật canh tác. Việc này giúp khoai lang của HTX được sản xuất theo quy trình chuẩn, tăng được năng suất”, ông Phương thông tin.
Giang Nam