Những năm qua, nhiều HTX tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư vào công nghệ để nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm. Điển hình, chỉ sau hơn một năm hoạt động, HTX An Phú (huyện Long Đất) trở thành điểm tựa cho hàng trăm thành viên, người lao động.
Ấn tượng từ HTX
HTX An Phú có ngành nghề chính là sản xuất kinh doanh sản xuất lúa hữu cơ, cung ứng các dịch vụ phân bón, giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, các phương tiện cơ giới, kỹ thuật gieo trồng và cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn và điều hành các tour du lịch.
Để đảm bảo hiệu quả, HTX chủ động chuyển đổi sản xuất theo quy trình nâng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường.
![]() |
Nhờ sản xuất thông minh, nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu có thu nhập tốt hơn (Ảnh: Mạnh Quân). |
Ngoài việc cung ứng thị trường bán lẻ tại địa phương, HTX còn liên kết với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Tháng 11/2024, sản phẩm gạo UM72 của HTX đã được đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Ông Phạm Huỳnh Minh Tiến, Chủ tịch HTX An Phú, cho hay chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, HTX đã thu hút được nhiều thành viên tham gia, tạo việc làm cho 20 lao động, với tổng nguồn vốn đầu tư các hoạt động lên tới 50 tỷ đồng.
Mục tiêu lớn nhất của HTX là tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX, nông dân liên kết, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng kinh tế địa phương.
Bên cạnh HTX An Phú, ở Bà Rịa Vũng Tàu ngày càng có nhiều HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, trở thành điểm tựa thoát nghèo, làm giàu cho thành viên, hộ liên kết.
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 198 HTX, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.845 lao động. Lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số với 113 HTX. Tổng nguồn vốn hoạt động của các HTX đạt hơn 1.444 tỷ đồng, doanh thu ước đạt 980 tỷ đồng.
Những kết quả trên là nhờ chính sách hỗ trợ thiết thực từ ban ngành địa phương, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan để hỗ trợ các HTX vay vốn ưu đãi, đầu tư máy móc, trang thiết bị, và cải thiện cơ sở hạ tầng. Ví dụ, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa-Vũng Tàu được hỗ trợ máy sấy đông khô và chế phẩm sinh học, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mạnh hơn nhờ liên kết
Liên minh HTX Việt Nam, thông qua Liên minh HTX tỉnh và phối hợp với ban ngành địa phương, đã tích cực tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh, và hỗ trợ các HTX tham gia chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Những hoạt động này giúp các HTX quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn cho cán bộ và thành viên HTX. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các HTX.
![]() |
Ngành nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng phát triển theo hướng hiện đại để làm giàu cho HTX, nông dân (Ảnh: Mạnh Quân). |
Có thể nói, những chính sách và hoạt động hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế tập thể, nâng cao đời sống của thành viên và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Minh chứng, tại huyện Châu Đức đến nay có hơn 3.500ha đất được đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây chủ lực như hồ tiêu, rau, cây ăn quả… Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của huyện đạt hàng nghìn tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng giá trị toàn ngành.
Trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch nông nghiệp của huyện đã ra đời. Điển hình như mô hình trồng thanh long của HTX nông nghiệp - dịch vụ Xuân Trường, xã Sơn Bình.
Hiện, HTX đang là điểm tựa của trên dưới 20 thành viên, hàng chục hộ liên kết, với khoảng 14 ha canh tác, trong đó có hơn 12ha đang cho thu hoạch. HTX cũng đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc để có đầu ra ổn định cho sản phẩm của các thành viên.
Ông Nguyễn Tấn Lương, Giám đốc HTX Xuân Trường, cho biết để đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hầu hết các khâu, từ chăm sóc cây đến sơ chế, vận chuyển. Điển hình như hệ thống đèn xông cao áp để kích hoa ra trái vụ, hệ thống tưới nước tự động...
Nâng cao giá trị
Đáng chú ý, những năm qua, trước bối cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt, không chỉ trồng trọt, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản cũng từng bước áp dụng công nghệ cao. Nổi bật như mô hình nuôi tôm công nghệ cao của HTX Chợ Bến, huyện Long Điền.
Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến, cho biết đang có tổng diện tích mặt nước hơn 3 ha nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh thái gắn với ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 8 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 1.000m2/ao, 1 ao ương tôm. Diện tích còn lại dùng làm ao lắng để bơm nước ra vào mỗi ngày.
Bình quân mỗi năm, HTX Chợ Bến triển khai 3 vụ, trung bình mỗi ao cho thu hoạch từ 2-2,5 tấn tôm thương phẩm chất lượng cao. Để nâng cao giá trị sản xuất cho thành viên, HTX đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với mô hình nuôi tôm an toàn sinh học.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp HTX Chợ Bến kiểm soát tốt môi trường nước, ngăn ngừa bệnh gây hại cho tôm và thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao. Ngay vụ đầu tiên, HTX đã thu hoạch được hơn 20 tấn tôm thẻ chân trắng đạt trọng lượng từ 30-34 con/kg. Giá thu mua tại ao đạt 180-200 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, HTX đạt lợi nhuận 30% trên tổng doanh thu.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP. Bà Rịa), với 4 năm nuôi tôm công nghệ cao, đang đạt được những kết quả tích cực. Năng suất nuôi tôm của HTX đạt 50-60 tấn/vụ/3 fam nuôi (sản lượng 150 - 180 tấn/năm), doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 15-20 tỷ đồng, lợi nhuận trên 8 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX, cho hay nhờ ứng dụng công nghệ cao, mô hình đã thực sự khắc phục được những hạn chế khi nuôi tôm truyền thống. Vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó đảm bảo giá trị kinh tế cao.
Có thể thấy, trong bối cảnh thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, kéo theo sâu bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang được tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đẩy mạnh tại các địa phương.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích các HTX, doanh nghiệp, nông dân tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên, theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học nhằm hướng tới một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Mỹ Chi